» » » Lại đề nghị mua tạm trữ lúa gạo

Cho dù dòng chảy xuất khẩu được dự báo sẽ khơi thông từ nay đến cuối năm, nhưng thị trường lúa gạo nội địa vẫn tiếp tục rơi tự do. Đứng trước tình thế này, những người trong cuộc đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng có phương án chủ động triển khai mua tạm trữ.

Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm nay. Trong ảnh là nhân công đang chuyển gạo vô kho tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Đầu ra được khơi thông

Báo cáo tham luận tại hội nghị “Sơ kết công tác thu mua tạm trữ lúa gạo tại ĐBSCL” được tổ chức hôm qua 11-6 tại Long An, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết xuất khẩu gạo tháng 5-2014 chỉ đạt khoảng 580.000, thấp hơn mục tiêu dự kiến khoảng 120.000 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2014 trên 2,3 triệu tấn, trị giá FOB đạt trên 1 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,18% về lượng và 16,32% về giá trị so với với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo dự báo của VFA, nhờ mở rộng được một số thị trường mới cũng như tiêu thụ tiểu ngạch được đẩy mạnh, cho nên sắp tới xuất khẩu sẽ tốt hơn, giá bán cũng được cải thiện.

Theo ông Bảy, ngoài thị trường truyền thống, có sức tiêu thụ tốt như Philippines, thì những thị trường khác như Indonesia, Malaysia và một số thị trường châu Phi cũng đang được VFA tích cực tiếp cận khai thác. “Gần đây chúng tôi đã mở được thị trường Mexico, đây là thị trường tiềm năng, chắc chắn sẽ tiêu thụ tốt hơn. Bên cạnh đó, hiện chúng ta cũng đã khôi phục lại được với thị trường Hàn Quốc”, ông Bảy dẫn chứng.

Trong khi đó, trao đổi bên lề hội nghị, ông Phạm Thanh Thọ, Phó giám đốc ngành lương thực, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), cho biết bên cạnh những hợp đồng thương mại được AGPPS sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xuất sang Nhật được hơn 1.000 tấn gạo. “Tháng 7 và 8 tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với phía Nhật để đẩy mạnh xuất khẩu sang đây”, ông Thọ cho biết.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, theo ông Thọ, quốc gia này sẽ tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn gạo từ nước ngoài mà chủ yếu là từ Việt Nam ngay trong năm nay, thậm chí vài năm tới.

“Lý do khiến Trung Quốc tiếp tục lệ thuộc vào nguồn gạo nhập khẩu bởi phần lớn diện tích sản xuất lúa ở tỉnh Hồ Nam đã bị Chính phủ cấm sản xuất do nhiễm độc”, ông Thọ cho hay.

Ông Bảy cũng cho biết thêm 5 tháng đầu năm 2014 có khoảng 700.000 tấn gạo ở ĐBSCL được đưa ra phía Bắc tiêu thụ thông qua cảng Hải Phòng, trong đó, có một lượng lớn được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. “Tôi tin chắc, tiêu thụ tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng”, ông khẳng định.

Tạm trữ “cứu” lúa hè thu!

Đầu ra hạt gạo dự báo sẽ được mở rộng từ nay đến cuối năm nhưng tình hình tiêu thụ nội địa vẫn rất ì ạch, giá tiếp tục giảm mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, cho biết tại địa phương ông, lúa IR 50404 hiện chỉ còn khoảng 4.000-4.050 đồng/kg (lúa tươi) và gạo nguyên liệu của loại giống này cũng chỉ còn dao động quanh mức 6.400-6.450 đồng/kg, giảm khoảng 100-300 đồng/kg so với mức giá cách nay khoảng nửa tháng.

Trước diễn biến thị trường lúa gạo nội địa đang ở mức thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, VFA và một số đơn vị có liên quan nên sẵn sàng có phương án triển khai mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu 2014. “Phải chuẩn bị trong tư thế “đạn đã lên nòng” và sẵn sàng “bắn” ngay lập tức khi có hiệu lệnh của Chính phủ”, ông đề xuất.

Đồng quan điểm trên, ông Phan Xuân Quế, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cho rằng vụ hè thu năm nay giá thành sản xuất lúa cao hơn vụ đông xuân (giá thành bình quân là 4.370 đồng/kg), trong khi đó, chất lượng gạo lại thua xa, “cho nên không tạm trữ tôi e tình hình sẽ rất khó khăn”, ông nói.

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tạm trữ lúa gạo những năm qua dù còn nhiều hạn chế nhưng ngoài biện pháp này chưa có biện pháp can thiệp thị trường nào tốt hơn. “Do đó, trong vụ hè thu này, tôi đề nghị VFA và các đơn vị có liên quan cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp, chủ động cho tạm trữ, nếu giá trên thị trường xuống thấp, bất lợi cho người nông dân”, ông Tám cho biết.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng lúa rớt giá, theo ông Tám, về lâu dài, nhất thiết phải hoàn thiện và đưa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào cuộc sống.

Doanh số cho vay mua tạm trữ đạt hơn 8.250 tỉ đồng

Theo báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), từ ngày 15-3-2014 đến ngày 30-4-2014, 130 doanh nghiệp hội viện của đơn vị này đã triển khai mua tạm trữ được tổng cộng 995.500 tấn quy gạo, đạt  99,55% kế hoạch được giao, trong đó, có 3 doanh nghiệp mua không đạt chỉ tiêu với số lượng 4.506 tấn quy gạo.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 30-4-2014, 16 Ngân hàng Thương mại đã thực hiện giải ngân cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực trong chương trình mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2013-2014 với doanh số đạt 8.256 tỉ đồng, lãi suất là 7%/năm. Riêng Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) được Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam cho vay với lãi suất áp dụng chỉ 6,5%/năm.

Trung Chánh/ Thời báo kinh tế Sài Gòn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: