Tình hình giao thương và giá cả nông sản xuất sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường cho dù có những căng thẳng đang xảy ra giữa hai nước trên biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn bình thường, giá ổn định. Trong ảnh là nhân công đang phân loại khoai lang tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long- loại mặt hàng chủ yếu được tiêu thụ sang Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vnacas) cho biết, lâu nay, mỗi khi có những căng thẳng trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều người lo ngại chuyện làm ăn giữa hai doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện tại hoạt động xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
“Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành điều, chỉ sau Mỹ và châu Âu. Vì thế, mọi động thái liên quan đến thị trường này đều là mối quan tâm của doanh nghiệp”, ông Giang nói.
Tuy hiện tại chưa có những xáo trộn nào như ngưng giao hàng hay ký hợp đồng song theo ông Giang hiệp hội sẽ theo dõi để có những khuyến cáo với doanh nghiệp hội viên.
Trong những năm qua, chuyện làm ăn giữa các doanh nghiệp Trung Quốc luôn có những lúc này lúc nọ nên trước đây có thời điểm Vinacas khuyến cáo doanh nghiệp khi ký hợp đồng với các thương nhân Trung Quốc nên chọn hình thức giao hàng tại các nhà máy, cơ sở chế biến thay vì giao ở các cửa khẩu để tránh bị thua thiệt không cần thiết.
Trong khi đó, ông Võ Ngọc Diệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Lương Phú, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang - loại trái cây có đến 75% sản lượng được tiêu thụ ở Trung Quốc (con số theo thống kê của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam- SOFRI) - cho biết hiện thanh long ruột trắng loại 1 (trọng lượng 300 gam/trái, da bóng đẹp) có giá dao động khoảng 14.000-15.000 đồng/kg và 20.000-22.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, ổn định so với mức giá trước khi xảy ra căng thẳng. “Không chỉ giá bán ổn định, hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc những ngày qua cũng không có biến động gì khác thường”, ông Diệp cho biết.
Còn ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết, hiện Hiệp hội chưa nhận được phản hồi nào của các doanh nghiệp hội viên về chuyện thanh long bị ách tắc tại các của khẩu phía Bắc. “Chúng tôi vẫn xuất thanh long đi Trung Quốc bình thường, mọi việc đang ổn định, chưa có xáo trộn nào cả”, ông Hưng nói.
Hiện Bình Thuận có khoảng 19.500 héc ta trồng thanh long, mỗi năm sản xuất khoảng 400.000 tấn trái và trong đó, khoảng 20-30% tiêu thụ nội địa, còn lại là xuất khẩu và thị trường chính vẫn là Trung Quốc. Ngoài ra, thanh long Việt Nam cũng xuất khẩu qua Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng số lượng không nhiều.
Một trong các mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc là khoai lang. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long khẳng định: “Đến giờ phút này, hoạt động mua bán khoai lang giữa Trung Quốc với doanh nghiệp chúng ta (Việt Nam) vẫn diễn ra bình thường”.
Theo ông Luận, hiện mỗi ngày có ít nhất 20 xe container của Việt Nam được thương nhân Trung Quốc thuê vào vùng chuyên canh khoai lang huyện Bình Tân (Vĩnh Long) - loại nông sản được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm 80-90% sản lượng của địa phương - thu mua, vận chuyển về nước tiêu thụ, tương đương với thời điểm chưa xảy ra những căng thẳng giữa hai nước.
“So với trước khi có những tuyên bố chính thức về chuyện giàn khoan tại biển Đông, giá khoai được thương nhân Trung Quốc mua của nông dân vẫn ổn định, khoảng 470.000-500.000 đồng/tạ đối với khoai tím Nhật (tạ tính bằng 60 kg) và 300.000-350.000 đồng/tạ đối với khoai trắng, khoai sữa”, ông Luận cho biết.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vào chiều qua 8-5, một số thương nhân kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL cũng cho rằng, gạo xuất tiểu ngạch sang thị trường này vẫn ổn định, dù hoạt động mua bán tiểu ngạch giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc kém sôi động hơn so với thời điểm hồi tháng 3-2014.
Theo Vinafruit, trong ba tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam là hơn 276 triệu đô la Mỹ, tăng 32,5% so với cùng kỳ, trong đó, thu từ thị trường Trung Quốc là hơn 90,5 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 71% giá trị so với 3 tháng của năm 2014.
Còn Việt Nam nhập rau quả trong ba tháng đầu năm là gần 93 triệu đô la Mỹ, tăng 38% so với cùng kỳ, trong đó, nhập nhiều nhất vẫn là từ Trung Quốc với giá trị đạt gần 30 triệu đô la Mỹ, tương đương cùng kỳ năm trước.
Ngọc Hùng - Trung Chánh/ Thời báo kinh tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào: