» » Ngành nông nghiệp VN loay hoay tìm chỗ đứng - Kỳ I: Đằng sau... kỷ lục về ngôi vị

Theo Bộ Nông Nghiệp - PTNT, mặc dù hầu hết các ngành hàng nông, thủy sản đều tăng mạnh về sản lượng theo các năm, nhưng giá trị kim ngạch lại tăng rất thấp. Đằng sau những “vinh quang” đó, giá trị thật về ngành hàng này còn nhiều điều phải bàn...

Muốn bán được giá cao, tăng giá trị XK thì phải có nông sản đạt chất lượng quốc tế

Theo các chuyên gia kinh tế, đây chính là nghịch lý trong XK nông, thủy sản của VN, khi nhiều mặt hàng có sản lượng XK thuộc tốp đầu thế giới nhưng sức cạnh tranh yếu và không thể hiện được vị thế, không quyết định được giá XK của thị trường thế giới. Và điều này đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Bài học về hạt gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cao su, thủy sản… đã đến lúc cần có những nghiên cứu sâu hơn để có thể áp dụng cho các mặt hàng nông sản khác của VN.

Phát triển thận trọng

Điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp VN nói chung và các ngành nông, thủy sản XK chủ chốt nói riêng là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trong đó người nông dân luôn “đơn độc” trong khâu nuôi, trồng của mình.

Gần đây, tâm điểm của giới quan sát thị trường theo dõi chuyển động của Bộ Nông nghiệp - PTNT trong việc chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang qua hội nghị “Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đỗ tương và cây trồng khác tại các tỉnh ĐBSCL”. Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, tổng nhu cầu thức ăn phục vụ cho ngành chăn nuôi (gia súc, gia cầm) của VN năm 2014 ước cần khoảng 17 triệu tấn, trong đó ngô chiếm đến 50%, khoảng 8,5 triệu tấn ngô. So với sản lượng sản xuất hiện có của VN chỉ mới đạt gần 5 triệu tấn, thì cần phải nhập khẩu thêm khoảng 3,5 triệu tấn nữa mới đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho ngành chăn nuôi. Và nhu cầu sẽ tiếp tục tăng lên khi ngành chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản phát triển hơn nữa trong tương lai, do đó không lo thiếu thị trường cho các sản phẩm này, ông Dư khẳng định.

Trong cảnh báo của mình, ông Trần Trương Tấn Tài - Giám đốc kinh doanh Cty TNHH Dekalb VN, cho rằng, trong nền kinh tế hội nhập, giá cả các mặt hàng nông sản luôn biến động theo giá thị trường thế giới, cụ thể là giá ngô tại Mỹ hiện luôn ổn định ở mức giá… thấp. Vì vậy, vấn đề quy hoạch mùa vụ của VN làm sao phải tránh được lúc nguồn cung của Mỹ dồi dào để nông dân bán với giá cao nhất cần được xem xét.

Luôn sát cánh cùng với nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông Cao Văn Hóa - phó giám đốc Sở Nông Nghiệp-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho rằng, trong vụ đông xuân 2013-2014, đã có 1.483ha đất lúa trong tỉnh chuyển sang cây trồng khác như dưa hấu, ngô, ớt và rau các loại. Việc chuyển đổi đã làm gia tăng lợi nhuận cho nông dân tăng từ 1,03-2,63 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, vẫn thường xuyên gặp phải những khó khăn do thị trường tiêu thụ các sản phẩm không ổn định, mối liên kết giữa DN với nông dân chưa bền chặt nên điệp khúc “được mùa, rớt giá” và hiện tượng “trồng – chặt” liên tục xảy ra.

Gỡ điểm nghẽn

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp VN nói chung và các ngành nông, thủy sản XK chủ chốt nói riêng là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trong đó người nông dân luôn “đơn độc” trong khâu nuôi, trồng của mình. Nông dân chỉ biết sản xuất ra để bán cho thương lái, họ chỉ nghe và làm theo thương lái, thương lái quyết định giá mua cao hay thấp. Trong khi đó, đa số DN XK lại chỉ lo thu gom nguyên liệu khi vào mùa vụ và tính toán giá XK sao cho có lợi nhuận chứ không quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu và đảm bảo lợi ích của người nông dân. Điều này thể hiện rõ ở hai ngành hàng gạo và con cá tra ở ĐBSCL. Ở góc độ khác, theo bà Lan, hiện VN đang tích cực đàm phán tham gia hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mở cửa nhiều thị trường quan trọng tiêu thụ nông sản Việt vào thị trường Mỹ, Nhật Bản... Do đó, từ kinh nghiệm việc gia nhập WTO và các hiệp định tự do hóa thương mại trước đây cho thấy, có dành được lợi ích từ hội nhập hay không, hoàn toàn phụ thuộc mức độ đổi mới nội tại của đội ngũ DN và việc tái cơ cấu nông nghiệp của VN trong thời gian tới.

Ông Hà Văn Minh - TGĐ Gold Coin VN:

VN tuy vẫn được đánh giá là quốc gia nông nghiệp, có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng hàng năm phải tiêu tốn trên 3 tỷ USD để nhập khẩu các phụ phẩm làm TACN, con số này còn lớn hơn cả kim ngạch XK gạo. Nhìn vào thực tế, sở dĩ DN buộc phải nhập khẩu tới hơn 50% nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là những chất phụ gia như ngô, đậu tương, đạm... bởi lẽ, sản lượng và chất lượng của nguyên liệu trong nước sản xuất không đồng đều, do giống, quy trình trồng cấy, nhất là khâu chế biến bảo quản của bà con nông dân không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, với các nhà máy công suất lớn, để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất thì phải lưu trữ vài tháng hoặc lâu hơn. Trong khi đó, nguyên liệu TACN sản xuất trong nước lại có thời gian bảo quản ngắn. Đơn cử như ngô của VN, khi mua về các nhà máy phải dùng ngay trong vòng 1 tháng

TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp VN:

Mấu chốt vấn đề là chúng ta không nâng được chất lượng của nông sản. Muốn bán được giá cao, tăng giá trị XK thì phải có nông sản đạt chất lượng quốc tế. Vấn đề chất lượng nông sản lại không chỉ phụ thuộc vào một mình người nông dân mà phụ thuộc rất nhiều vào giống, các DN thu gom, phân phối. Hiện nay, khâu chế biến và đầu tư marketting của các DN VN rất kém. Nếu so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cùng khu vực như Thái Lan, Đài Loan thì ngoài vấn đề chất lượng nông sản, khâu marketting, đầu tư cho bao bì, mẫu mã của họ cực kỳ tốt.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó viện trưởng IPSARD:
Theo quy luật thị trường, giá giảm thường xuất phát từ nguyên nhân cung vượt cầu. Tuy nhiên, đối với nhiều ngành hàng nông, thủy sản XK của VN, giá sụt giảm là do chúng ta chưa lường trước những thách thức khi hội nhập sâu rộng. Việc thay đổi chính sách chưa bắt kịp với các cam kết WTO đã khiến ngành nông nghiệp không phát huy được hết tiềm năng của mình. Do đó, tỷ lệ hàng nông, thủy sản XK của VN luôn bị hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu kiểm soát chặt chẽ. Sự yếu kém trong quản lý chất lượng, cùng manh mún của nhiều chuỗi cung ứng, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN đã khiến giá bán thấp. Do vậy, nếu không đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, thì XK nông sản VN khó tăng trưởng trở lại.

Kỳ II: “Bà đỡ” của nhà nông

Quốc Chánh/ Diễn đàn doanh nghiệp

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: