Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 (POR 9) theo hướng điều chỉnh lại mức thuế, tăng 2,8 lần so với mức công bố hồi tháng 9-2013.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa quyết định thay đổi thuế chống bán phá giá cá tra. Trong ảnh là nhân công đang chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh
Cụ thể, công ty bị đơn bắt buộc là Vĩnh Hoàn Corp được hưởng thuế suất bằng 0%, trong khi các công ty là bị đơn tự nguyện lại chịu mức thuế là 1,2 đô la Mỹ/kg, cao gấp ba lần mức thuế 0,42 đô la Mỹ/kg mà các công ty này phải đóng theo quyết định được DOC đưa ra tháng 9 năm ngoái.
Hiện có 25 doanh nghiệp Việt Nam phải chịu mức thuế 1,2 đô la Mỹ/kg như vậy trong đó Công ty Hùng Vương vẫn giữ nguyên mức thuế là 1,2 đô la Mỹ/kg. Còn những doanh nghiệp không nộp đơn thì chịu mức thuế 2,11 đô la Mỹ/kg.
Lý do được DOC đưa ra là do sai sót trong quá trình tính toán đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 giai đoạn từ 1-8-2011 đến 31-7-2012 (POR 9) đối với sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, sau khi tính toán lại, mức thuế mà các doanh nghiệp chịu có sự thay đổi.
Lần trước, khi DOC đưa ra phán quyết sơ bộ, Vasep đã lên tiếng phản đối DOC là không công bằng cho Việt Nam vì lấy Indonesia làm quốc gia thay thế cho việc tính giá cá tra của Việt Nam để nâng mức trong quyết định sơ bộ lần này là vô lý. Lần này, Vasep cũng không đồng tình với DOC về việc điều chỉnh mức thuế theo hướng tăng lên như đề cập ở trên.
Theo Vasep, các kỳ xem xét hành chính trước đây, DOC luôn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của cá tra Việt Nam. Bangladesh là nước sản xuất cá tra “hypophthalmus” thương phẩm và nuôi trong ao như Việt Nam, chi phí sản xuất và doanh thu của người nuôi cá tra ở Việt Nam và Bangladesh là tương đương nhau.
Vào cuối tháng 9-2013, DOC đưa ra mức thuế bán phá giá phile cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam, trong quyết định sơ bộ của POR9 cho công ty bị đơn bắt buộc là 0,42 đô la Mỹ/kg và 2,15 đô la Mỹ/kg, cho các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện là 0,99 đô la Mỹ/kg.
Còn lần trước đó, mức thuế cuối cùng mà DOC công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) trong giai đoạn từ 1-8-2010 đến 31-7-2011 mức chịu thuế thấp nhất của doanh nghiệp là 0,19 đô la Mỹ/kg và cao nhất là 2,11 đô la Mỹ/tấn.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc thay đổi trên của DOC sẽ giúp Vĩnh Hoàn đẩy mạnh gia tăng thị phần xuất khẩu vào Mỹ, trong khi những doanh nghiệp khác ít nhiều sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Về diễn biến tình hình trong nước, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, cho biết giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL hiện vẫn tiếp tục ổn định ở mức cao.
Cụ thể, cá tra nguyên liệu loại 1 (thịt trắng, trọng lượng 0,8-0,9 kg/con) có giá dao động khoảng 25.000-26.000 đồng/kg (tùy vùng); cá tra nguyên liệu loại 2 (có chất lượng thịt xấu hơn loại 1) có giá khoảng 24.000-24.500 đồng/kg.
Theo ông Hải, với giá bán như trên, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, người nuôi còn lãi khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.
Ngọc Hùng - Trung Chánh/ Thời báo kinh tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào: