“Nếu giá cà phê lên lại được mức 42.000 đồng/kg, tôi sẽ bán ngay không chần chờ nữa,” đó là ý kiến của một nông dân còn giữ hàng từ đầu vụ đến nay vẫn chưa bán do đang chờ giá cao hơn. Mức 42.000 đồng là mức đỉnh của thị trường cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây nguyên được xác lập vào nửa đầu tháng 3-2014 vừa qua.
Ảnh minh họa
Giá cà phê đứng ở mức cao
Nhưng thật đáng tiếc, tuần trước giá có khi chớm lên mức 41.500 đồng, rồi lẵng lặng xuống dần. Đến chủ nhật 11-5, giá cà phê tại các vùng nguyên liệu cũng chỉ ở quanh mức 40.000 đồng/kg.
“Ở mức này, mua bán vẫn giữ nhịp độ trung bình, có mua qua bán lại, dù không nhiều như những lúc chính vụ hay khi sàn kỳ hạn lên xuống sôi động,” một vị giám đốc công ty xuất khẩu cà phê đóng tại tỉnh Daklak cho biết.
Giá kỳ hạn robusta tại London đóng cửa hết phiên cuối tuần trước vào khuya thứ Sáu 9-5 giảm 80 đô la Mỹ/tấn, rớt từ 2.173 đô la/tấn vào ngày 1-5 nay chỉ còn 2093 đô la/tấn. Giá kỳ hạn xuống, bớt nhộn nhịp, nhưng lại dễ mua bán,” vị giám đốc nhận định.
Dù sao, giá sàn robusta lúc này cũng đang đứng ở mức cao, giúp giá nội địa vững quanh mức 40.000 đồng, là mức được khá nhiều người chấp nhận để bán ra nếu không muốn đợi lên mức đỉnh cũ, một chuyên gia cà phê phân tích.
Xuất khẩu nhiều, nhưng cà phê đi đâu?
Chính nhờ vậy, lượng xuất bán cho tháng 5-2014 được nhiều người ước đoán từ 150-220 ngàn tấn. Với giá nội địa ở mức cao này, lượng xuất khẩu tháng 5 chừng 200 ngàn tấn là khả thi.
Tuy nhiên, hàng xuất khẩu nhiều từ vài tháng nay không đi thẳng hết đến các hãng rang xay, là người tiêu thụ cuối cùng trong chuỗi cung ứng kinh doanh cà phê nguyên liệu. Một phần khá lớn đang được một số công ty kinh doanh và các tay đầu cơ chuyển sang “cất trữ” tại các kho kỳ hạn robusta sau khi lấy giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng do sàn này qui định.
Theo thống kê của sàn kỳ hạn robusta London, chỉ trong 9 ngày đầu tháng này, đã có 14.430 tấn robusta nhận giấy đạt chuẩn chất lượng, trong đó hàng từ Brazil chỉ 600 tấn, số lớn 13.830 tấn còn lại là từ nước ta, đạt 99,45% sau khi trừ 80 tấn không đạt yêu cầu. Do giá xuất khẩu tính trên cơ sở mức chênh lệch giữa sàn kỳ hạn và giá giao tại cảng nước xuất khẩu có mức 80-110 đô la/tấn FOB dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn, là mức người kinh doanh có thể tung tiền mua không hạn chế để trữ hàng có chất lượng theo qui định của sàn kỳ hạn.
Chỉ có hàng đạt chuẩn, đã nằm sẵn tại kho do sàn chỉ định mới được đấu giá. Mức đấu giá cho cà phê loại 2 trên sàn là trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết cho mỗi hợp đồng 10 tấn chuẩn của sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe London.
Nguyễn Quang Bình (Bài đã đăng tại báo Sài gòn Tiếp thị số 29 (Bộ mới) ngày 12-5-2014)
Không có nhận xét nào: