Giá cao su trồi sụt thất thường là do ảnh hưởng từ suy giảm sức cầu tại một số nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Bên cạnh đó, thông tin Thái Lan sẽ tung 200.000 tấn mủ cao su dự trữ ra thị trường...
Ngày 17/4/2014, giá cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Tocom (Tokyo) giảm 2,9 yên/kg (tương đương 1,3%), xuống 214,9 yên/kg. Tương tự, giá cao su giao tháng 9/2013 trên sàn giao dịch hàng hoá Thượng Hải cũng giảm 275 NDT/tấn (tương đương 1,8%) so với giá đóng cửa hôm trước đó, xuống 14.800 NDT/tấn. Theo nhận định chung của giới chuyên gia, giá cao su giảm trở lại do giá dầu vừa qua gần như đi ngang.
Nhiều DN trồng cao su cho biết, liên tục trong 2 tuần đầu tháng 4/2014, giá cao su thế giới tăng, giảm thất thường khiến cho giá thu mua và xuất khẩu trong nước cũng biến động theo. Cụ thể, tại một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng ghi nhận mức tăng giảm trung bình 200 – 400 đồng/kg cho những chủng loại cao su thành phẩm như SRV 3L, RSS1, RSS3.
Hiện nay, giá mủ cao su RSS3 tại một số địa phương như Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông (giao dịch trong ngày 16/4/2014) trung bình khoảng 40.600 đồng/kg; cao su SRV 10 có giá 37.200 đồng/kg; cao su SRV 3L giá 40.300 đồng/kg…
Chính sự biến động này đã khiến cho các DN thu mua, chế biến và xuất khẩu cao su có thể giảm lãi, thua lỗ, thậm chí phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra không theo đúng kịch bản. Mới đây, báo cáo tháng 3/2014 của CTCP Cao su Đồng Phú cho hay, trong 3 tháng đầu năm, công ty đã tiêu thụ được hơn 3,4 nghìn tấn cao su, trong đó DN đã xuất khẩu hơn 1,7 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là với sản lượng tiêu thụ tăng như vậy, nhưng doanh thu 3 tháng của công ty chỉ đạt khoảng 213 tỷ đồng, giảm đến 23% so với cùng kỳ (riêng doanh thu từ mủ cao su là 162,9 tỷ đồng, giảm 23,5%). Hiện tại, Cao su Đồng Phú vẫn còn tồn kho 1.66,7 tấn sản phẩm.
Ông Đặng Gia Anh, Chủ tịch HĐQT Cao su Đồng Phú cho rằng, sở dĩ có sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận là do giá bán cao su trên thị trường giảm (giá bán trung bình trong quý I/2014 là 46,4 triệu đồng/tấn, giảm 23,7% so với cùng kỳ) đã tác động trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của DN.
Để chủ động hơn trong kế hoạch thu mua mủ cao su nguyên liệu, phục vụ chế biến xuất khẩu, tạo tâm lý yên tâm sản xuất cho người nông dân trồng cao su, một số DN đã xây dựng quy chế về giá thu mua, áp dụng thay đổi theo từng thời điểm để theo sát giá thị trường, tránh thua thiệt cho người trồng cũng như thuận lợi trong việc tính toán cân đối thu chi.
Cụ thể như Công ty Cao su Lộc Ninh thường xuyên gửi thông báo đến nhà cung cấp mủ cao su nguyên liệu về việc thay đổi mức giá thu mua hàng tuần, thậm chí là hàng ngày.
Trong vài tháng đầu năm nay, nhiều trường hợp chỉ ngày trước, ngày sau mức giá có thể dao động lên đến 500 đồng/kg mủ nguyên liệu tạp, nên nếu không thay đổi mức giá nhập nguyên liệu đầu vào một cách nhanh chóng, DN sẽ cầm chắc thua lỗ. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Cao su Quang Dũng cho biết, ngay cả với những DN dày dạn kinh nghiệm thương trường, nhiều khi cũng khó tránh khỏi thua lỗ hoặc hoạch định sai chính sách kinh doanh.
Cũng theo giải thích của ông Vinh, sở dĩ thời gian gần đây giá cao su trồi sụt thất thường là do ảnh hưởng từ suy giảm sức cầu tại một số nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Bên cạnh đó, thông tin Thái Lan sẽ tung 200.000 tấn mủ cao su dự trữ ra thị trường cũng tác động không nhỏ tới giá cao su trong những tuần qua.
Hay như giá dầu tăng do bất ổn chính trị ở Trung Đông, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thu mua cao su nguyên liệu.
Song nói như vậy, không có nghĩa là ngành hàng kinh doanh và xuất khẩu cao su phải chịu sự chi phối hoàn toàn từ nước ngoài. Bởi hiện nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu mặt hàng cao su. Vì vậy, nếu với tầm nhìn, quy hoạch đúng hướng, người trồng cao su và những DN trong ngành vẫn có thể tạo ra vị thế đủ tác động đến thị trường.
TS. Lê Đức Tánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păk: Trong ngắn hạn khó hy vọng giá tăng
Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam hiện khá thấp, nhưng khó có thể kỳ vọng chuyển biến trong ngắn hạn, nhất là trong năm 2014. Bởi thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên vẫn chưa thể tăng trưởng đột biến do những khó khăn chung, trong khi nguồn cung lại tăng mạnh. Trên thế giới, có đến 68% lượng cao su thiên nhiên dùng sản xuất vỏ - lốp xe.
Song, ngành công nghiệp ô tô - xe máy đang gặp khó, các nước giảm lượng tiêu thụ cao su. Cùng với đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn của cao su Việt Nam, nhưng nhập khẩu cao su của nước này giảm mạnh trong thời gian gần đây do sản xuất bị thu hẹp và nguồn cung nội địa tăng đáng kể.
Trong khi, Việt Nam có sản lượng lớn nhưng chủ yếu xuất khẩu cao su thiên nhiên dạng thô nên giá trị mang lại từ sản phẩm chưa cao. Cái khó nữa là chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su, nên chưa có cơ sở cho việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su.
Hơn hết, ngành công nghiệp cao su Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư dài hạn, chưa đầu tư công nghệ để chế biến sâu, sản xuất thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đây là nghịch lý lớn của cao su Việt Nam mà trong nhiều năm qua chưa tìm được lối thoát…
Ông Đặng Minh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phúc Nguyên: Sản lượng và kim ngạch sẽ bị ảnh hưởng
Câu chuyện giá cao su liên tục giảm mạnh từ đầu năm đến nay và neo ở mức xung quanh 2.000 USD/tấn trở thành nỗi lo của cả DN và bà con nông dân trồng, sản xuất, chế biến mủ cao su. Giá giảm mạnh một phần do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm liên quan đến cao su sụt giảm như ô tô, đồ dùng nội thất, sinh hoạt… Cùng với đó, cung dư thừa do nhà nhà trồng cây cao su...
Giá giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của các DN và người dân trồng cao su. Bởi chi phí cấu thành nên 1 tấn cao su nguyên liệu đã mất khoảng 45 triệu đồng, theo đơn giá sản xuất cao su quốc doanh; đối với DN tư nhân như chúng tôi, đơn giá sản xuất trên 36 triệu đồng. Nếu giá bán neo ở mức như hiện nay, chắc chắn DN và bà con nông dân sẽ lỗ, cùng lắm hòa vốn. Điều này tác động tiêu cực đến các DN hoạt động trong lĩnh vực này.
Khi giá cao su xuống thấp, các nhà máy chế biến mủ sẽ mua với giá thấp theo thị trường, nhưng bà con nông dân lại không cạo mủ vì lỗ. Dẫn đến, các nhà máy sản xuất, chế biến mủ có nguy cơ thiếu nguyên liệu. Đặc biệt, điều này ảnh hưởng lớn đến sản lượng chung của toàn ngành, khiến kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục giảm thấp trong năm 2014.
Ông Ngô Văn Đốc, Giám đốc VietinBank Gia Lai: Khó khăn không kéo dài mãi
Thời gian qua, VietinBank Gia Lai đã tài trợ vốn cho nhiều dự án phát triển cây cao su, cũng như các dự án đầu tư nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn. Hiện những dự án này hoạt động rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả DN, ngân hàng và đảm bảo đời sống cho người lao động như: Dự án 2.716 ha cao su do Công ty TNHH Cao su Chư Sê làm chủ dự án, với tổng vốn đầu tư 579 tỷ đồng, chi nhánh cho vay 174 tỷ đồng; dự án trồng 1.892 ha cao su do CTCP Đầu tư thương mại Quang Đức làm chủ dự án, với tổng vốn đầu tư 623 tỷ đồng, trong đó VietinBank Gia Lai cho vay 440 tỷ đồng…
Gần đây, thị trường cao su đang gặp phải nhiều khó khăn như giá cả sụt giảm, tiêu thụ khó khăn khiến tồn kho tăng. Nhưng, đây là khó khăn nhất thời do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trước những thách thức đó, các DN đã hoạch định chiến lược phát triển trong dài hạn như chính sách cắt giảm, tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản, quản lý dòng vốn, nâng cao năng lực quản trị rủi ro… Vì vậy, các DN vẫn hoạt động bình thường, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn người lao động.
Ông Thái Hồng Nhân, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại Quang Đức: Chủ động tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả
Tổng diện tích trồng cao su của DN chúng tôi hiện nay khoảng 10.000 ha, tập trung trên địa bàn Tây Nguyên. Với diện tích trồng lớn, kinh phí đầu tư từ kiến thiết vườn cây, đến cơ sở hạ tầng đường sá, khu nhà ở cho công nhân… là rất lớn. Do đó, trước tình hình giá cả như hiện nay, DN không khỏi lo lắng. Một phần lo cho doanh thu của DN, một phần lo đảm bảo đời sống cho hàng nghìn lao động tại các nông trường, nhất là hơn 60% lao động là người đồng bào dân tộc, đã gắn kết với DN gần chục năm nay.
Trước thực tế như vậy, DN đã chủ động xây dựng, lập chiến lược quản lý dòng vốn, quản lý nhân lực, quản trị rủi ro một cách tốt nhất để tiết kiệm chi phí sản xuất, bù đắp phần sụt giảm về giá. Đồng thời, DN chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động như đầu tư dự án nhà máy chế biến mủ cao su mới ngay trung tâm vùng nguyên liệu của DN, với tổng vốn đầu tư nhà máy mới này gần 180 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành dự án, chúng tôi sẽ chủ động tốt được khâu chế biến mủ cao su trong vùng dự án. Đồng thời, DN sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ vận chuyển, quản lý… Đây là những bước đi vững chắc của DN nhằm ứng phó với những điều kiện bất lợi chung của thị trường cao su thế giới.
Nhóm PV Thời báo ngân hàng
Không có nhận xét nào: