Gần đây, được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) huyện U Minh Thượng hỗ trợ, bà con vùng đệm U Minh Thượng đã xây dựng điểm trồng chuối già Nam Mỹ và chuối xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP trên đất liếp.
Ảnh minh họa
Kết quả bước đầu cho thấy, giống chuối già Nam Mỹ phát triển tốt, thời gian trồng và thu hoạch ngắn hơn giống chuối tại địa phương. Điểm trồng thí điểm của anh Lê Hoàng Lâm - ấp An Hòa, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng - triển khai tháng 11.2012 với nguồn giống cấy mô của Viện Sinh học nhiệt đới TPHCM. Vườn chuối của anh Lâm phát triển tốt, trổ buồng nhiều hơn những giống chuối bà con ở địa phương đang trồng (thường là chuối xiêm).
Bước đầu, Trạm KNKN huyện đem về trồng thí điểm ở các nông hộ, diện tích trên 4ha. Bà con tham gia mô hình được hỗ trợ 40% tiền giống, 30% phân bón hữu cơ và một phần chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Thạc sĩ Lê Văn Dũng - Trạm trưởng Trạm KNKN huyện - cho biết, từ thời điểm trồng đến trổ buồng khoảng 7 tháng. Loại chuối này mỗi buồng khoảng 20kg. Với giá 5.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng thu về khoảng 100.000 đồng/buồng. Với mật độ thâm canh (khoảng 2.000 cây/ha), mỗi ha thu về khoảng 200 triệu đồng. Tiền mua cây giống cấy mô (khoảng 16.000 đồng/cây) và chi phí phân bón... ban đầu vào khoảng 100 triệu đồng/ha, nông dân lãi 100 triệu đồng/ha.
Còn chuối xiêm từ lâu là một cây trồng chủ lực của bà con vùng đệm U Minh Thượng. Năm 2012, Trạm KNKN huyện hỗ trợ 2.000 cây chuối xiêm giống ghép cấy mô, vận động bà con trồng theo hướng VietGAP. Bước đầu có 6 hộ dân tham gia trồng 5ha. Các hộ tham gia được tập huấn chuyển giao khoa học, thực hiện đúng quy trình, liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua hơn một năm thực hiện mô hình, chuối xiêm phát triển tốt, đã cho thu hoạch. Với giá chuối trái 5.000 đồng/nải, bắp chuối 4.000 đồng/bắp, trung bình mỗi hộ tham gia thu về khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng Nguyễn Văn Hiền, hiện nông dân 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận chủ yếu trồng chuối trên đất liếp theo đê bao nông hộ, diện tích khoảng gần 3.000ha. Để phát triển hiệu quả mô hình trồng chuối già Nam Mỹ và chuối xiêm theo hướng VietGAP, trước mắt huyện sẽ tiếp cận với các Cty ở Bình Dương để có “đầu ra” bền vững cho bà con yên tâm sản xuất. Hiện bắp chuối, chuối nải đa số bà con đều bán theo dạng nhỏ lẻ nên “đầu ra” còn bấp bênh. “Nếu được bao tiêu sản phẩm, thời gian tới huyện khuyến khích nông dân tiếp tục mở rộng diện tích lên 1.000ha; thậm chí nhiều hơn” - ông Hiền cho biết.
Lê Sen/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: