» » Để gạo Việt xuất khẩu thuận lợi sang châu Phi

Châu Phi đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới hàng năm. Tuy nhiên, tại khu vực thị trường này, gạo Việt Nam cũng gặp phải không ít những khó khăn.

Ảnh minh họa

Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng gạo sang 35 trên tổng số 55 nước châu Phi (tăng 5 thị trường so với năm 2012) với kim ngạch đạt 775,02 triệu USD, tăng 2% so với năm 2012. Những thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam ở châu Phi gồm có Bờ Biển Ngà (228,45 triệu USD), Ga-na (182,8 triệu USD), Ca-mơ-run (60,86 triệu USD), Ăng-gô-la (48,72 triệu USD), An-giê-ri (39,93 triệu USD), Mô-dăm-bích (29,78 triệu USD), Ma-đa-gát-xca (27,18 triệu USD),…

Trong 3 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi nói chung và sang Bờ Biển Ngà và Ăng-gô-la nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ từ Thái Lan, Ấn Độ. Quý I/2014, Thái Lan đã xuất khẩu sang châu Phi hơn 1 triệu tấn gạo với giá thấp hơn gạo Việt từ 5 - 10 USD/tấn. Trong khi đó, gạo của Ấn Độ và Pa-ki-xtan tiếp tục có được những lợi thế về cước phí vận tải thấp hơn gạo Việt Nam nên giá rẻ hơn từ 30 đến 40 USD/tấn.

Thực tế, khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Phi chính là khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua gạo trả chậm từ 30 đến 90 ngày, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở L/C (do chi phí cao).

Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp hai bên thường thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau. Do vậy, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này làm cho giá gạo xuất khẩu Việt Nam đội lên, làm giảm tính cạnh tranh và đôi khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng địa phương biết đến.

Theo Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào châu Phi, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại tại nhiều nước như Bờ Biển Ngà, Xê-nê-gan, Ca-mơ-run, Ga-na, Ni-giê-ri-a, An-giê-ri... nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tiếp xúc trực tiếp. Năm 2009, Bộ đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức Cuộc gặp bên mua, bên bán về gạo tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ châu Phi nhằm tìm giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bộ cũng tích cực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường châu Phi, cơ chế nhập khẩu mặt hàng này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm 2011/2012, Bộ Công Thương đã gửi thư đến Bộ Thương mại các nước châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo để đề xuất đàm phán và ký bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo nhằm giúp gạo Việt Nam có đầu ra ổn định, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp mặt hàng này đồng thời tránh được sự cạnh tranh từ gạo của các nước xuất khẩu khác. Tháng 6/2011, Bộ Công Thương đã ký MOU về cung cấp gạo cho Cộng hoà Xi-ê-ra Lê-ôn. Tháng 3/2013, đoàn Bộ trưởng Thương mại Ghi-nê đã vào Việt Nam ký MOU về gạo theo đó Việt Nam cung cấp cho Ghi-nê gần 1 triệu tấn gạo, thời gian từ 2013 đến 2015. Tháng 8/2013, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ Liên bang Cô-mô-rốt đã ký MOU về thương mại gạo, theo đó mỗi năm Việt Nam sẽ cung cấp cho Cô-mô-rốt 60.000 tấn gạo, thời hạn từ tháng 8/2013 đến hết tháng 12 năm 2015. Hiện Việt Nam và Cộng hòa Công-gô đang trao đổi về khả năng ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa hai nước vào tháng 6/2014.

Đáng lưu ý, góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, tháng 1 và tháng 11/2013, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức Cuộc gặp giữa các ngân hàng Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và châu Phi tại Hà Nội và Ca-mơ-run. Đây là dịp để ngân hàng các bên tăng cường khả năng hợp tác, xác định nhu cầu của doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu một cách hiệu quả hơn.

Hùng Cường/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: