Dù là đặc sản số 1 của đồng bào Khmer, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý nhưng lúa Nàng Nhen vẫn có nguy cơ mai một.
Diện tích lúa Nàng Nhen chuyển sang làm rẫy.
Nàng Nhen (srâu Nhen hay Neáng Nhen) là loại lúa thơm, ngon, giống như lúa mùa của người Kinh, kháng sâu, bệnh tốt, chịu hạn và phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất ruộng trên (ruộng ven chân núi), canh tác chủ yếu vào mùa mưa. Lúa được cấy vào tháng 7, tháng 8 và thu hoạch khoảng tháng 12, tháng 1 năm sau. Gạo Nàng Nhen hạt dài, thơm, bóng, trắng đều, ít bị gãy trong quá trình xay xát, khi nấu mùi thơm bay đi cả xóm. Đây là đặc sản số 1 của người Khmer Tri Tôn, có lúc nông dân ở đây trồng trên 2.000 héc-ta, tập trung ở xã Núi Tô và Ô Lâm. Trong canh tác, đồng bào Khmer chỉ sử dụng phân chuồng để bón cho lúa, gần như không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng hạt gạo rất thơm ngon. Tuy nhiên, thời hoàng kim của Nàng Nhen đã qua.
Chủ tịch UBND xã Núi Tô Neáng Sambô cho biết: “Là xã đứng đầu của huyện Tri Tôn sản xuất lúa Nàng Nhen với hàng ngàn héc-ta, nay còn chỉ khoảng 150 héc-ta của mùa vụ trước và tới đây chắc khó giữ được diện tích trên. Loại lúa này chỉ tập trung ở ấp Tô Thuận và một ít ở ấp Tô Trung. Nguyên nhân do bà con không còn tập quán bón cho lúa bằng phân chuồng, mà thay vào đó là phân hóa học và sử dụng thuốc trừ sâu. Thêm vào đó, năng suất lúa chỉ 15-20 giạ/công, 4-5 tháng mới thu hoạch mà giá cả không hơn mấy so lúa thường nên nhiều hộ chuyển sang làm rẫy, canh tác lúa thường và trồng cây ăn trái. Ngoài ra, dự án hồ Soài Chék đang xây dựng cũng đã khai tử một phần diện tích đất trồng lúa Nàng Nhen. Tuy nhiên, huyện và xã đang có kế hoạch bảo tồn, phát triển loại lúa thơm ngon này vì nó cũng chính là một phần tâm hồn, tính cách của người Khmer”.
Ông Chau Ngớt (74 tuổi, ngụ ấp Tô Thuận) nhớ lại: “Trước đây, xứ này ai có đất cũng đều trồng lúa Nàng Nhen. Lúa này không bao giờ bị bệnh, lúc mưa xuống ném hạt giống vài ngày là nảy mầm. Đến khi thu hoạch xong, lấy rơm cho bò ăn. Gạo Nàng Nhen ít bị gãy, gió lên nhà ai nấu cơm là mọi người lân cận đều biết. Nay thì chất lượng gạo và mùi thơm đã giảm đáng kể: Cơm không dẻo, ngon, khi nguội thì hạt cứng và khô…”.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Lý Văn Chính cho biết: “Để bảo tồn, phát triển giống lúa Nàng Nhen nổi tiếng thơm ngon này, năm 2000, địa phương đã phục tráng lại nguyên chủng. Lúc đầu, đem về sản xuất cho ra thành phẩm còn hơi hướng nguyên chủng nhưng sau một, hai vụ thì trở lại như hiện trạng ban đầu. Trước mắt, huyện đã ký hợp đồng với Công ty Ecopharm bao tiêu diện tích 40 héc-ta. Chúng tôi đang đặt hàng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc phục tráng, bảo tồn để quy hoạch phát triển giống lúa quý hiếm này”.
Bài, ảnh: Nguyễn Rạng/ Báo An Giang
Không có nhận xét nào: