» » » Tiêu thụ lúa ở Kiên Giang: Đăng ký nhiều, thu mua ít

Vụ lúa ĐX 2013-2014, toàn tỉnh có 9 DN đăng ký ký kết hợp đồng bao tiêu khoảng 100.000 tấn lúa, tổng diện tích gần 15.000 ha. Nhưng thực tế chỉ có 6 DN chính thức ký hợp đồng bao tiêu diện tích 9.570 ha.

Dù có hợp đồng bao tiêu nhưng nhiều nông dân ở Tân Hiệp phải kéo lúa về nhà bán cho thương lái do DN không triển khai thu mua

Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ lúa ĐX 2013-2014, toàn tỉnh có 9 DN đăng ký ký kết hợp đồng bao tiêu lúa với các nhóm, hộ nông dân, hợp tác xã… với tổng diện tích gần 15.000 ha, sản lượng dự kiến lên đến 100.000 tấn.

Thế nhưng, thực tế đến thời điểm này chỉ có 6 DN chính thức ký hợp đồng với nông dân bao tiêu diện tích 9.570 ha. Trong đó, Cty CP Nông lâm nghiệp Phan Minh ký bao tiêu 3.100 ha, Cty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kiên Giang 2.900 ha, Cty CP Kinh doanh Nông sản Kiên Giang 1.786 ha, Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Kiên Giang 784 ha, Cty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Kiên Giang 500 ha, Cty TNHH Thương mại Kiên An Phú 500 ha.

Theo ông Nhịn, nguyên nhân thu mua lúa theo hợp đồng còn nhiều hạn chế là do DN chưa chuẩn bị các điều kiện thực hiện, mặt khác nông dân đặt ra các yêu cầu về phương thức đầu tư, cách thức thu mua lúa chưa phù hợp nên DN khó thực hiện.

Ngay cả những diện tích đã được ký hợp đồng hẳn hỏi nhưng nông dân cũng không thể bán lúa cho DN. Ông Lê Văn Chi, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng cho biết, 2 DN ký kết hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân trên đại bàn huyện là Cty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kiên Giang và Cty CP Nông lâm sản Kiên Giang với tổng diện tích 2.000 ha. Thế nhưng, khi nông dân thu hoạch lúa thì chẳng thấy có DN nào triển khai thu mua.

Lý do họ đưa ra là phải chờ phân bổ chỉ tiêu cũng như mức giá ấn định thu mua cho nông dân. Trong khi đó, nông dân cần bán lúa ngay sau khi thu hoạch nên họ không thể chờ được, buộc phải bán cho thương lái bên ngoài.

Tương tự, tại huyện Gò Quao, diện tích được các DN bao tiêu là 1.000 ha nhưng nông dân cũng không bán được lúa. Ông Cao Văn Kề, Phó trưởng phòng NN-PTNT Gò Quao cho biết: “DN đặt ra yêu cầu thu mua lúa tại kho nhà máy chứ không mua tại ruộng. Nhưng khi nông dân chở lúa đến thì họ lại làm khó, đánh giá độ ẩm cao, chê lúa bẩn để hạ giá thu mua thấp hơn giá thị trường. Do đó, nông dân chán nản và hợp đồng bị bể”.

Tại huyện Tân Hiệp, có đến 7 DN đăng ký bao tiêu lúa cho nông dân với diện tích lên đến 6.790 ha nhưng gần hết vụ lúa mới chỉ có 1.000 ha được bao tiêu. Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp Lê Văn Mạnh thì lý do DN bao tiêu lúa triển khai thu mua chậm là do họ thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu lò sấy nên không thể thu mua hết lúa cho nông dân như hợp đồng đã ký, trong khi thời gian thu hoạch lại rất ngắn.

Đ.T.Chánh/ nongnghiep.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: