Gần 5 năm triển khai chương trình áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đến nay diện tích trồng cây theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ chiếm một phần nhỏ với 5 nhóm sản phẩm: Rau, hoa quả, lúa, chè, cà phê. Nhiều chuyên gia nhận định các sản phẩm VietGAP vẫn chưa có mức tiêu thụ tương xứng với nhu cầu của thị trường.
Rau trồng tại Hà Nội áp dụng công nghệ VietGAP.
Còn 13/27 tổ chức được chứng nhận VietGAP
Theo rà soát của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) và Sở NNPTNT chỉ định đến hết tháng 10.2013 còn 13/27 đơn vị đủ điều kiện tiếp tục hoạt động, 6 đơn vị đang trong giai đoạn khắc phục sau đánh giá chỉ định lại.
Đến tháng 12.2013, tổng diện tích chứng nhận VietGAP có khoảng 14.500ha. Trong đó, riêng thanh long của Bình Thuận chiếm hơn 7.000ha. Đến nay, 575 giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực với diện tích là hơn 8.228ha, tập trung vào 5 nhóm sản phẩm: Chè, lúa, càphê, hoa quả, rau. Ngoài sản phẩm được chứng nhận VietGAP nói trên, sản phẩm sản xuất an toàn theo hướng VietGAP khoảng 10.000ha.
Nói về nhu cầu và thị trường sản phẩm an toàn, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Trưởng phòng Giao dịch của Sàn Giao dịch rau quả và Thực phẩm an toàn Hà Nội - cho biết: “Đến nay có gần 100 đơn vị sản xuất của 15 tỉnh, thành phố cung ứng rau quả, thực phẩm an toàn cho sàn. Sàn đã hỗ trợ kết nối giao dịch với khoảng 150 siêu thị, cửa hàng và 78 điểm phân phối ở khu vực dân cư, cơ quan. Thực tế cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) đối với rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là rất lớn. Thế nhưng, các cơ sở sản xuất mặc dù được đầu tư nhiều nhưng không phát triển được như kỳ vọng”.
Tìm đầu ra cho sản phẩm VietGAP
Mặc dù việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn hạn chế, theo ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: “Đi lên từ một nền sản xuất nhỏ lẻ, phần lớn người nông dân không áp dụng VietGAP vì quy trình dài, phức tạp, chi phí lớn. Bản thân người nông dân không hài lòng với giá bán sản phẩm có ứng dụng VietGAP và sản phẩm không ứng dụng VietGAP trên thị trường”.
Còn nói về vấn đề tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Tân Lộc - Viện Nghiên cứu Rau quả - cho rằng: “Bộ NNPTNT còn thiếu một chương trình đồng bộ về phát triển sản xuất rau, quả an toàn. Còn thiếu sự liên kết dọc và ngang giữa các đơn vị trong ngành nên chưa giải quyết tốt được khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhiều năm qua chúng ta xuất khẩu nhưng vẫn bị một số thị trường cảnh báo về nhiễm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta cần phải xem lại quy trình VietGAP vì nó khó với nông dân thực hiện mà vẫn chưa đủ điều kiện đáp ứng thị trường quốc tế”.
Qua thực tế tiếp cận thị trường, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Trưởng phòng Giao dịch Sàn Giao dịch rau quả và Thực phẩm an toàn HN - khẳng định, 3 vấn đề khiến cho sản phẩm VietGAP chưa tìm được đầu ra là: Bất cập về quản lý làm khủng hoảng lòng tin của NTD (thị trường RAT nói chung rất “loạn”, gần như không kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc kể cả những hệ thống được coi là đảm bảo như siêu thị).
Thứ hai là mạng lưới phân phối rau quả an toàn ở Hà Nội và các tỉnh còn yếu kém và dưới góc độ nào đó có thể nói “gần như chưa có gì” về cả chất lượng và số lượng. Ngoài ra, giá rau VietGAP vẫn còn cao, cần cắt giảm các chi phí để giảm giá thành (riêng khâu bao gói chiếm khoảng 30%...). Đây chính là yếu tố quan trọng để quyết định VietGAP “sống”.
Để triển khai phát triển VietGAP, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định: “Bộ NNPTNT vẫn tiếp tục triển khai chương trình sản xuất nông sản sạch, an toàn theo chuỗi, kiểm soát từ khâu vật tư, con giống, quy trình cho tới khâu phân phối để chứng nhận được nguồn gốc và xác định được chất lượng của sản phẩm. Đề án đang thực hiện xây dựng mô hình ở các địa phương như Hà Nội, Lâm Đồng... phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các mô hình đó và nhân rộng chương trình”.
Theo Cục Trồng trọt: Phiên bản VietGAP V2 (sửa đổi) được nghiên cứu trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, mở rộng các nội dung, môi tường và xã hội; các tiêu chuẩn ATTP quốc tế cùng các chứng nhận nông sản tiên tiến trên thế giới nên được kỳ vọng sẽ đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Trên cơ sở đó chứng nhận VietGAP theo nhóm (SAZ). Mỗi nông dân trong SAZ được cấp mã số riêng. Trong số 54 điều khoản của VietGAP hiện tại sẽ có 16 điều khoản mới và loại bỏ 28 điều khoản không còn phù hợp.
Thu Hà/ Báo Lao Động
Tôi có cửa hàng bán thực phẩm sạch, tôi thường xuyên tìm hiểu các thông tin về nơi nào sản xuất ra sản phẩm VietGAP để tìm mua, nhưng không có cách nào để liên hệ với người sản xuất cả. Theo tôi thì các phương tiện truyền thông khi đưa tin về sản phẩm đạt VietGAP cần có thông tin liên hệ (tên chủ nhiệm HTX, số ĐT, tất nhiên có lần tôi đã tìm được số ĐT của HTX nhưng khi gọi đến thì được biết chủ nhiệm HTX đi vắng thường xuyên không biết khi nào mới về (^_^) vì vậy tôi đâm ra băn khoăn không biết bà con nông dân sản xuất ra sản phẩm và có muốn bán không nữa)
Trả lờiXóa