Xuất khẩu gạo Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn khi lượng gạo xuất khẩu giảm 22% so với cùng kỳ, và giá gạo cũng giảm khoảng 15%.
Nhằm bàn biện pháp tháo gỡ, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ và khẳng định: “Việc đưa tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp hiện nay là giải pháp có ý nghĩa quyết định.
Chỉ có làm tốt điều này, mới giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân”.
Thực trạng hiện nay là, giống lúa xác nhận đạt tiêu chuẩn ở nước ta chỉ chiếm 40%, còn lại là giống chất lượng thấp. Nhiều DN trong nước phải nhập khẩu bắp để làm thức ăn chăn nuôi, không phải vì chúng ta không trồng được bắp mà do chi phí nhập khẩu thấp hơn giá bán trong nước.
GS-TS Võ Tòng Xuân - một chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp - cho rằng: “Chúng ta không thiếu những nhà khoa học giỏi cũng như các ứng dụng KHCN tiên tiến, mà điển hình là chúng ta có rất nhiều giống lúa chất lượng cao, cho năng suất lớn.
Tuy nhiên, điều oái ăm nhất là không được nông dân áp dụng một cách triệt để. Người nông dân cứ trồng lúa theo ý của mình, mà không theo các quy trình KHCN tiến bộ, điển hình là quy trình Viet GAP, Gobal GAP. Họ bón phân, xịt thuốc vô tội vạ, thu hút nhiều sâu bệnh, đẩy giá thành hạt gạo lên cao, đó là chưa kể việc phá vỡ quy hoạch đất đai”.
“Nông dân mình chỉ chịu áp dụng các quy trình Viet GAP hay Gobal GAP khi đã có hợp đồng”, GS-TS Võ Tòng Xuân phân tích. Chính vì thế theo ông, phải tập hợp người nông dân lại với nhau trên cơ sở gắn chặt với DN, đưa họ trở thành những “nông dân lớn” và bắt buộc họ làm đúng theo những quy trình khoa học.
Khi DN đã nắm rõ thị trường nằm ở đâu, cần tiêu thụ loại lúa gì, họ sẽ thiết kế ra quy trình từ các khâu chăm sóc đến bón phân… để nông dân thực hiện. Sau đó, các DN tiến hành thu mua lúa của nông dân, và thực hiện các khâu sau thu hoạch với công nghệ tiên tiến, để cho ra thị trường những sản phẩm tốt nhất.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN, ít nhất phải có sự nỗ lực từ hai phía - các nhà khoa học và người nông dân. Người nông dân áp dụng tiến bộ KHCN một cách triệt để sẽ mang lại hiệu quả cho chính họ.
Bởi theo GS-TS Võ Tòng Xuân, thực tiễn đã cho thấy những nơi trồng lúa áp dụng quy trình Viet GAP hay Gobal GAP giá thành sản xuất chỉ ở mức 2.200 - 2.800 đồng/kg; còn những nơi mạnh ai nấy làm giá thành bị đẩy lên cao đến 3.800 - 4.000 đồng/kg.
Trần Lưu/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: