Thời gian gần đây nhiều hộ dân ở tỉnh Đồng Tháp thả nuôi tôm thẻ chân trắng ngay ở vùng nước ngọt thuộc huyện Tam Nông, thị xã Hồng Ngự.
Người dân khoan giếng để đưa nước mặn vào ao tôm.
Mặc dù Đồng Tháp không có một kilomet bờ biển nào nhưng người dân ở đây vẫn khoan cây nước mặn, đổ muối xuống ao để nuôi tôm. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc làm này sẽ gây hậu quả khôn lường cho môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa.
Hơn 1 tháng nay, gia đình bà Lâm Thị Thu ngụ ấp Phú Bình (xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) thả nuôi trên 3 triệu con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 3 ha của gia đình. Trước đây, toàn bộ diện tích này đều được nuôi tôm càng xanh và trồng lúa. Để nuôi được tôm thẻ chân trắng thích nghi vùng nước mặn, gia đình bà Thu phải đầu tư khoan cây nước mặn cung ứng cho ao nuôi tôm. Chưa hết, gia đình bà Thu còn dùng muối rải khắp ao nuôi để cho nước đủ độ mặn cho con tôm thẻ chân trắng sinh sống.
Ngay cả những người nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú lâu năm ở vùng nước lợ, nước mặn ven biển cũng phải choáng ngợp trước “sáng kiến” của người dân nơi đây. Ao nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước lợ, nước mặn chỉ thiết kế khoảng 4.000 đến 5.000 m2 và có hệ thống quạt, ao lắng xử lý bài bản thì ở huyện Tam Nông ruộng đồng mênh mông nên nông dân đào mỗi ao tới 1 ha. Bà Thu cho biết: “Do người anh bên thị xã Hồng Ngự khoan cây nước mặn, rải muối xuống ao để nuôi tôm nước mặn hiệu quả nên tôi mới làm theo. Tuy nhiên, mới nuôi vụ đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm chủ yếu vừa làm vừa học”. Theo bà Thu, sau vụ tôm thẻ chân trắng sẽ xả nước để tiếp tục nuôi tôm càng xanh nước ngọt.
Rất nhiều hộ dân ở xã Phú Thành B chuyển từ nuôi tôm càng xanh nước ngọt sang tôm thẻ chân trắng vì giá cao. Gia đình ông Đỗ Văn Nhì ngụ ấp Phú Bình cũng mới thả nuôi 1 ha tôm thẻ chân trắng trên ao nuôi tôm càng xanh bằng cách rải muối xuống ao để biến nước ngọt thành nước mặn. Hầu hết các hộ nuôi đều tự phát trong thời gian hơn 1 tháng nay và chính quyền địa phương cũng chưa có giải pháp để can thiệp.
Ông Huỳnh Văn Đỡ- Trưởng ấp Phú Bình, xã Phú Thành B- cho biết: “Trước đây toàn ấp có 33 ha diện tích mặt nước thả nuôi tôm càng xanh. Một số hộ dân có lời khá nhưng cũng có hộ bị thua lỗ do tôm bị bệnh, chậm lớn… Hơn 1 tháng nay, một số hộ dân chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng bằng cách đưa muối, khoan cây nước mặn”. Theo ông Đỡ, hiệu quả chưa biết thế nào vì người dân mới thả nuôi. Đồng thời chính quyền địa phương chỉ báo về trên để có hướng xử lý vì nuôi không có quy hoạch sợ ảnh hưởng tới vùng sản xuất lúa, màu của địa phương.
Theo chi cục thủy sản Đồng Tháp, việc nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ là lợi thế của Đồng Tháp và đã được quy hoạch phát triển lâu dài. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng chỉ phù hợp với vùng đất ven biển có nước mặn. Vì vậy, việc nuôi tôm thẻ chân trắng bằng cách đưa muối xuống ao tôm sẽ gây hậu quả khôn lường về lâu về dài vì không những phá vỡ quy hoạch mà còn ảnh hưởng tới môi trường, các vùng sản xuất lúa của địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Nông, cho biết: “Nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ mới tự phát trong thời gian gần đây ở thị trấn Tam Nông, xã Phú Thanh B với diện tích khoảng 20 ha chủ yếu trên diện tích ao nuôi cá tra giống, tôm càng xanh trước đây”. Theo ông Hồng, ngành nông nghiệp đã xin ý kiến và được Tổng cục thủy sản có văn bản trả lời tuyệt đối nghiêm cấm việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt.
Việc nuôi tôm thẻ chân trắng nếu không ngăn chặn kịp thời thì vùng nước ngọt sẽ biến thành nước mặn bằng muối sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện tại, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đang tìm giải pháp xử lý, quản lý chặt chẽ việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt để không ảnh hưởng môi trường sinh thái, phá vỡ quy hoạch ở địa phương.
Kim Thư/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: