» » » Ngành mía đường: Cung thừa, giá giảm, doanh nghiệp lao đao

Dư thừa lớn, giá giảm sâu là tình hình mía đường hiện nay. Trong khi, cả khâu trồng míasản xuất đường vẫn chưa được cải thiện nhiều, giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh khiến không ít nhà máy lao đao.

Do thời tiết thuận lợi nên sản lượng mía đường vụ 2013-2014 cao hơn vụ trước 200 ngàn tấn

Số liệu khảo sát của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, nguồn cung đường mía trong nước đã thừa so với nhu cầu tiêu dùng. Cụ thể, niên vụ 2012-2013, lượng đường dư thừa lên tới 400.000 tấn và dự kiến niên vụ 2013-2014, lượng dư thừa sẽ lên đến 600.000 tấn.

Theo ông Hà Hữu Phái - Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường tại Hà Nội, do thời tiết thuận lợi, vùng mía không bị bão lụt nên nguyên liệu mía dồi dào, sản lượng mía đường vụ 2013 - 2014 cao hơn vụ trước 200 ngàn tấn. Ngoài ra chúng ta còn nhập khẩu theo cam kết WTO và còn một lượng không ít đường nhập lậu cộng với tồn kho năm trước, hiện nay lại đang chính vụ nên lượng cung đang thừa khoảng 500 ngàn tấn. Trong khi dự báo thị trường tiêu thụ trong nước chỉ tăng nhẹ, năm 2014 dự kiến khoảng 1,4 triệu tấn (năm 2013 khoảng 1,3 -1,35 triệu tấn).

Theo thống kê của VSSA, mỗi ngày có hàng trăm tấn đường lậu được “tuồn” qua biên giới vào nội địa. Trung bình mỗi năm, lượng đường nhập lậu chiếm khoảng 30% thị phần trong nước (khoảng 300.000-400.000 tấn/năm) và có giá rẻ hơn so với giá đường trong nước.

Lượng đường tiêu thụ của các nhà máy từ ngày 15/1 - 15/2 là 163.210 tấn, thấp hơn so với năm trước 8.920 tấn. Trong khi nguồn cung thế giới dự báo vẫn ở mức dư cao. Vụ trước thừa 10 triệu tấn, vụ này sẽ thừa khoảng 4 triệu tấn. Trung Quốc dự báo sẽ sản xuất 14 triệu tấn phục vụ cho vụ 2012- 2013 và cân bằng cung - cầu. Dịp Tết Nguyên đán, Trung Quốc đã tạm đóng cửa biên giới và đến nay việc xuất khẩu đường qua đường tiểu ngạch sang nước này vẫn chưa hoạt động. Giá đường thế giới dù có nhích hơn so với tháng trước nhưng vẫn dao động ở mức 465,9 USD/tấn (giá tại thị trường London). Ở trong nước giá bán buôn đã giảm từ 17-18 ngàn đồng/kg (năm 2013) xuống còn quanh mức 13 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Phái, giá mía trong nước hiện nay vẫn ở mức 800 ngàn - 1 triệu đồng/tấn (khoảng 40-50 USD/tấn), ở Thái Lan giá mía khoảng 35 USD. Tiêu thụ chậm, tồn kho cao khiến nhiều nhà máy lao đao. Hiện đã có 2 nhà máy ngừng hoạt động hơn 1 tháng là Nhà máy đường Long Mỹ Phát (Hậu Giang) và nhà máy đường ở Kiên Giang.

Trước thực trạng đó, VSSA kiến nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện để ngành đường được xuất khẩu cả hai loại đường RE và RS, không nên khống chế thời gian XK vì nếu như vậy phía Trung Quốc biết về thời gian sẽ ép giá.

Nhận định về tình hình thế giới, ông Khái cho rằng, vừa qua rét đậm kéo dài tại Việt Nam và cả nước này khiến mía của Trung Quốc chết nhiều nên sản xuất đường ở Trung Quốc có thể cũng sẽ khó khăn, đó có thể là cơ hội để chúng ta có thể xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ông cũng dự báo, triển vọng thời gian tới đây, giá đường sẽ nhích lên bởi biểu đồ giá thế giới theo hình sin hiện đã xuống đáy và có thể bắt đầu lên.

Mặc dù vậy, với trình độ và năng lực sản xuất mía đường như hiện nay nếu không được cải thiện thì ngành đường vẫn chưa hết lo.

Hồng Dương/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: