» » Mất cân đối cung cầu gia cầm “sạch”

Việc người tiêu dùng cảnh giác trước sản phẩm gia cầm vào thời điểm hơn 20 tỉnh có xuất hiện ổ dịch cúm là đương nhiên. Tuy vậy, sự cảnh giác “cao độ” này vô tình làm ảnh hưởng đến việc mua bán sản phẩm gia cầm. Thậm chí, những sản phẩm đã qua kiểm dịch cũng có chiều hướng bị “phớt lờ”. Người chăn nuôi méo mặt vì phải chịu cảnh thua lỗ nặng. Thương lái thu mua gà, vịt giảm giá, ép giá, dù nơi đó không xảy ra ổ dịch.

Cơ sở giết mổ gia cầm an toàn

Cần đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn

Hiện nay người chăn nuôi gia cầm cả nước đang phải chịu sức ép rất lớn khi các sản phẩm gia cầm như thịt, trứng càng bán càng lỗ, một phần do sức mua của thị trường, một phần do bị tư thương ép giá. Cộng với việc xiết chặt đầu ra ở các vùng có dịch, sự tràn lan của gia cầm nhập lậu, nhập tiểu ngạch giá rẻ càng khiến cho người chăn nuôi bỏ chuồng, trại. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sau 2 - 3 tháng nữa sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, giá sẽ tăng vọt, nhập lậu gia cầm sẽ tăng lên.

Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đang lo ngại trong thời gian tới sẽ khan hiếm sản phẩm gia cầm do người chăn nuôi không tái đàn kịp. Bởi thực tế cho thấy hiện giá con giống gà, vịt đã xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 1.500 - 5.000 đồng/con, nhưng người chăn nuôi không dám nhập để nuôi do lo ngại bệnh dịch. Vì vậy, đàn gia cầm sẽ không quay vòng kịp và thị trường thực phẩm dự báo sẽ mất cân đối. Cục Chăn nuôi đã ban hành công văn khẩn đề nghị các tỉnh có dịch bên cạnh công tác phòng chống dịch quyết liệt thì cũng cần đẩy nhanh việc tái đàn theo hướng khuyến khích các mô hình chăn nuôi an toàn, cách ly và phòng dịch tốt. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải chú ý đến việc lưu thông nội địa tốt, luân chuyển giữa vùng nhiều, vùng ít và tiếp tục quản lý chặt việc nhập khẩu gia cầm do chênh lệch giá gây ra. Điều quan trọng nhất tới đây là phải tiếp tục đẩy mạnh mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, với con giống đầu vào tốt, chất lượng thức ăn tốt và quy trình chăn nuôi tốt thì sẽ có những sản phẩm đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Để người dân yên tâm khi sử dụng sản phẩm

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh, không để người hoang mang, quay lưng lại với các sản phẩm gia cầm; khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, nghiêm túc kiểm soát những nơi xảy ra dịch, không để tình trạng bán chạy bán tháo do dịch bệnh. Với những chỗ không xảy ra dịch, thì khuyến khích người dân tiếp tục sản xuất. Bởi trên thực tế, bên cạnh những nguy cơ, những khuyến cáo, có thể khẳng định với gà, vịt, trứng đã được tiêm phòng đầy đủ, kiểm dịch đúng quy trình, có nguồn gốc xuất xứ thì khả năng mang virus cúm hầu như bằng không. Hiện nay, dịch cúm gia cầm chỉ xảy ra ở các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ do không thực hiện đúng quy trình như quy định. Các trang trại của doanh nghiệp lớn đều có giấy chứng nhận trại an toàn dịch do Cục Thú y cấp. Do đó, điều quan trọng là phải tuyên truyền để người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm an toàn, những sản phẩm có thương hiệu uy tín yên tâm sử dụng. Nếu không thông tin rõ ràng, người tiêu dùng không dám sử dụng thì không chỉ doanh nghiệp mà ngành chăn nuôi sẽ bị thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có động thái để người dân tin tưởng, không đánh đồng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ với gia cầm an toàn. Đó cũng  chính là biện pháp để "cứu" người chăn nuôi và bình ổn thị trường tiêu dùng.

P.V Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: