Ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp phải hạn “đa chấn thương” do giá “rơi” trong thời gian kéo dài và rơi quá sâu, đẩy hàng ngàn doanh nghiệp, hàng triệu hộ gia đình chăn nuôi, trong đó có rất nhiều gia đình chăn nuôi gia cầm ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất, thậm chí phá sản...
Tuyên truyền để bà con yên tâm chăn nuôi
Thực trạng không vui
Chúng tôi đến Yên Thế - “thủ phủ” chăn nuôi gia cầm lớn nhất ở miền Bắc vào tuần đầu tháng 3. Điều đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy là người chăn nuôi trong tình cảnh chán nản, ngần ngại tiếp người lạ vào thăm những “đồi gà”, bởi một phần vì lo ngại đưa đến mầm dịch bệnh, nhưng quan trọng là do giá gà “chìm” sâu và kéo dài 5 - 6 tháng nay.
Hai chủ hộ: Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Văn Tụ - thôn Hồng Lạc - xã Đồng Tâm than thở: Giá gà mía lai hiện chỉ bán 43.000 đồng, trong khi phải 50.000 đồng mới hòa vốn, vì vậy nhà anh Tụ lỗ gần 100 triệu đồng. Ở xã vùng cao đặc biệt khó khăn Canh Nậu còn thảm cảnh hơn. Chủ tịch UBND xã Canh Nậu - ông Chu Văn Phặt cho biết, xã có 15 thôn bản với gần 7 ngàn dân, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 58% (chủ yếu người Nùng). Vài năm trước, Canh Nậu nuôi tới mấy trăm ngàn con gà, nhưng năm nay có 71.000 con, vì giá cả thấp, gà ri mía 34.000 - 35.000 đồng, ri lai chỉ bán được không quá 37.000 - 38.000 đồng do đi lại khó khăn, ít khách vào mua. “Nếu gà được giá sẽ tác động tốt cho việc xóa đói giảm nghèo, nhiều nhà cũng xây dược nhà tầng. Nhưng 2 năm nay giá thấp, tái nghèo xuất hiện, dân chán lắm. Hiện nhiều người đã bỏ chăn nuôi, đi làm thuê mướn trả nợ tiền cám, có người 50 - 60 tuổi cũng phải đi làm thuê lấy tiền trả nợ, vì nuôi 1.000 con lỗ 30 - 35 triệu đồng trở lên, có hộ nuôi 1.800 con lỗ hơn 70 triệu đồng” - Ông Phặt nói thành thật.
Ở xã Xuân Lương, dân tộc thiểu số chiếm 30% số dân cũng lâm vào cảnh tương tự. Trước đây 40 - 50% người dân nuôi gà đồi, bây giờ không còn mấy do mất cân bằng về giá. Người dân đang rất khó khăn, vì chủ yếu làm nông nghiệp, cuộc sống lay lắt, đi làm thuê, làm việc linh tinh, gặp gì làm việc ấy.
Theo Chánh Văn phòng UBND huyện - Đinh Công Hưng, giá thành một cân gà mía lai và ri lai - 2 sản phẩm đăng ký thương hiệu gà đồi khoảng 50.000 đồng, nhưng bây giờ chỉ bán trên dưới 40.000 đồng. Tình trạng này kéo dài 5 - 6 tháng nay, dẫn đến nhiều hộ thua lỗ hàng trăm triệu, thậm chí có nhà phá sản…
Khẩn thiết những đề xuất, kiến nghị
Nuôi gà là một nghề sống còn, nghề chính ở Yên Thế. Hiện cả huyện có khoảng 17.000 gia đình, chiếm trên 61% số hộ dân nuôi gà đồi. Con gà là nguồn thu lớn giúp hàng chục gia đình, trong đó khá nhiều bà con dân tộc thiểu số và giảm nghèo thoát nghèo, đi lên làm giàu cho nhiều hộ. Mặc dù thua lỗ nặng, nhưng người dân ở đây vẫn buộc phải vào đàn để giữ nghề. Do đó, tất cả người trực tiếp chăn nuôi, đến ngành chuyên môn, cơ quan quản lý chúng tôi tiếp cận, đều khẩn thiết đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi gia cầm Yên Thế nói riêng, cũng như ngành chăn nuôi nói chung.
Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm Yên Thế - Phạm Công Văn cho hay, giá gà đồi Yên Thế đang có xu hướng nhích dần lên. Nhưng hiện tại, người chăn nuôi gà ở đây cứ nuôi 1.000 con thì khả năng phải bù lỗ 10 - 15 triệu đồng, càng nuôi nhiều thì càng lỗ. Do vậy, rất cần các cấp, các ngành tạo điều kiện khuyến khích cho ngành chăn nuôi gà Yên Thế phát triển bằng cơ chế hỗ trợ, để tạo điều kiện cho chăn nuôi đỡ thua lỗ. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế - Thạch Văn Chung có những đề nghị với riêng cơ quan truyền thông, tuyên truyền phản ánh khách quan, đầy đủ và vô tư, để quá trình nuôi gà của bà con nông dân Yên Thế, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều tác dụng. Thứ nhất, nói lên khó khăn trong quá trình chăn nuôi mà về phía chủ quan mà bà con nông dân, hay chính quyền sở tại không có khả năng điều tiết. Thứ hai, qua tuyên truyền rất mong muốn có hiệu ứng tích cực, để cổ vũ phong trào nuôi gia cầm không chỉ ở Yên Thế và làm cho nhân dân nói chung, bà con trực tiếp nuôi gà nói riêng có niềm tin khi chăn nuôi và người tiêu dùng có niềm tin khi mua gia cầm sử dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc dịch cúm đang xuất hiện.
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cảnh báo: “Không tháo gỡ kịp thời, cứ để doanh nghiệp và người chăn nuôi thua lỗ kéo dài, thì người dân không tiếp tục chăn nuôi gối vụ những lứa gia cầm tiếp theo. Nếu để tình trạng này xảy ra, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung là điều khó tránh khỏi. Điều này xảy ra cũng sẽ tạo cơ hội cho gia cầm lậu tràn vào nước ta, mang theo mầm dịch bệnh hết sức nguy hiểm”.
Xuân Phú - Hoàng Duân/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: