» » Cuộc khủng hoảng tại Ukraine khiến giá ngũ cốc tăng

Theo báo Thư tín địa cầu ngày 20/3, mùa Đông giá lạnh kéo dài tại Bắc bán cầu, sản lượng đậu tương giảm do thời tiết khô hạn tại Brazil, hạn hán ở Australia và nhất là cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã đẩy giá lúa mì kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago phiên ngày 19/3 tăng lên 7,19 USD/bushel, mức cao nhất trong 10 tháng qua. 

Sản lượng ngũ cốc của Ukraine có thể bị ảnh hưởng do căng thẳng gia tăng tại Crimea. (Ảnh: AFP)

Ukraine là quốc gia sản xuất ngô lớn thứ ba thế giới, đứng thứ sáu về sản lượng lúa mì. Trên thực tế, Ukraine hiện là nguồn cung cấp ngô, lúa mì và cải dầu cho châu Âu.

Chỉ mới một tháng trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự đoán rằng giá ngũ cốc có thể giảm do diện tích trồng ngô và lúa mì được mở rộng sau khi giá hai mặt hàng này tăng lên mức cao kỷ lục của hai năm trước. 

Tháng 2/2014, chuyên gia kinh tế trưởng của USDA dự báo giá lúa mì ở mức trung bình là 5,30 USD/bushel. Nhưng kể từ đó, thời tiết lạnh và khô ở Nam bán cầu, vấn đề vận chuyển tại Canada và việc Nga sáp nhập Crimea đang khiến giá ngũ cốc tăng lên. 

Thời tiết và đất đai của Ukraine tương đối giống với vành đai ngô tại Mỹ, nhưng người nông dân Ukraine không có kiến thức, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng để đạt được năng suất cao như ở Bắc Mỹ. Sản lượng ngô tại Ukraine hiện chỉ bằng 60% so với các đối thủ Bắc Mỹ. 

Tuy nhiên, trong năm năm qua, sản lượng ngô của Ukraine đã tăng 17% và các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia của Mỹ đang quay sang đầu tư tại Ukraine. 

E.I. du Pont de Nemours & Co. cho biết việc gián đoạn bán hạt giống tại Ukraine có thể ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Cargill Inc. đang xây dựng các kho thức ăn gia súc và một nhà máy sản xuất dầu ăn thực vật tại Ukraine . 

UkrLandFarming PLC hiện có 1,6 triệu mẫu Anh tại Ukraine để trồng ngô, lúa mì, lúa mạch, củ cải đường và hoa hướng dương. Trong khi đó, trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng tăng cường các nỗ lực tìm thuê đất nông nghiệp tại Ukraine, đề nghị các khoản cho vay đổi lấy các nguồn cung cấp thức ăn gia súc lâu dài cho Trung Quốc. 

Ký ức về nạn hạn hán dẫn đến việc giá ngũ cốc tăng vọt hồi năm 2012 vẫn còn tươi mới tại các thị trường nông sản và các chính phủ. Tình trạng thiếu cung đã trở nên trầm trọng hơn khi các quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn như Nga và Ấn Độ đã bảo vệ nguồn cung trong nước bằng việc cấm xuất khẩu. 

Những thông tin chính xác về sản lượng đang giúp những người nông dân phản ứng nhanh chóng với giá cả, nhưng đồng thời, những thông tin đó đã làm gia tăng sự hoảng loạn và các rào cản đối với thương mại, có thể biến tình trạng thiếu lương thực thành nạn đói./.

Dương Hoa (TTXVN/ Vietnam+)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: