» » » Chủ động đầu ra nông sản: làm sao?

Việc ùn ứ các xe chở hàng nông sản tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), gần như là chuyện “cơm bữa”. Tuy nhiên, hơn 2.000 xe tải chở dưa hấu bị ách tắc ở cửa khẩu này hơn tuần qua là kỷ lục và như “giọt nước làm tràn ly”, khiến dư luận phải đặt câu hỏi: nguyên nhân của hiện tượng này và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu trước gia nghiệp của người nông dân?

Thu hoạch dưa hấu tại huyện Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: Thanh Hải.

Theo ghi nhận của TBKTSG Online, ùn tắc xe chở dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân.

Bà Đặng Thị Vân, chủ xe hàng dưa ở Bình Định cho hay, trước khi bị ứ, dưa hấu đều bán được ở mức 3-5 nhân dân tệ/kg (tương đương 10-16 nghìn đồng/kg); nhưng hiện nay khách Trung Quốc chỉ trả 2-2,5 nhân dân tệ/kg do dưa hấu bị héo cuống, nẫu do ùn tắc lâu ngày, thậm chí họ còn không mua nên nhiều đầu nậu phải mang hàng bán tống bán tháo ngay tại cưa khẩu.

“Vẫn biết việc vận chuyển dưa qua đây là đánh bạc nhưng biết làm sao khi  trong nước không tiêu thụ được” – bà Vân than thở.

Thông tin không xuất được hàng sang Trung Quốc khiến giá dưa hấu trong nước cũng giảm thê thảm. Tại một xã trồng dưa hấu của tỉnh Phú Yên, giá dưa đã giảm từ 4.500 đồng/kg tuần trước xuống còn 1.500 đồng/kg, thậm chí 1.000 đồng/kg vào ngày 29-3 mà không ai đến mua.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, dưa hấu bị ách tắc ở cửa khẩu Tân Thanh có hai nguyên nhân chính: dưa hấu được mùa ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên nhưng tiêu thụ trong nước giá thấp, phải chuyển tiêu thụ qua biên giới với giá cao hơn. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại cấm biên bốn trong năm cửa khẩu chính khiến lượng hàng hóa bị ùn ứ do không thể thông quan kịp.

Đây cũng là lý do mà phía UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, song song với các biện pháp trong nước, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cử đoàn công tác sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để đàm phán, đề nghị cho Việt Nam được xuất hàng trái cây vào Trung Quốc ở nhiều cửa khẩu của tỉnh tại Lạng Sơn như cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Chi Ma (huyện Lộc Bình), Bình Nghi, Nà Nưa (Tràng Định)… chứ không chỉ đi qua duy nhất cửa khẩu Tân Thanh như hiện nay.

Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế giải quyết sự việc chứ không phải là giải pháp lâu dài cho ngành nông sản.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của sự việc là do chúng ta không dự báo được cung cầu thị trường nông sản và để nông dân tự bơi theo kiểu “thích trồng gì thì trồng”.

Về vấn đề này, ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho hay, hiện nay nhà nước chỉ quy hoạch và dự báo cung cầu cho một số mặt hàng chủ lực như lúa gạo; những loại nông sản khác như dưa hấu, Bộ chỉ tư vấn cho các địa phương hàng năm nhưng việc sản xuất và tiêu thụ như thế nào lại do nông dân và thương lái quyết định.

Ông Trần Công Thắng, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho hay, nông sản là mặt hàng mang tính mùa vụ nên vào thời điểm thu hoạch lượng cung sẽ tăng đột biến. Hơn nữa, sản phẩm nông sản của chúng ta chủ yếu là nông sản tươi sống, chưa qua chế biến và xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Chính vì vậy mới dẫn tới hiện tượng cứ đến mùa thu hoạch nông sản nào đó thì lại xảy ra hiện tượng ách tắc tại các cửa khẩu.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, bến bãi tại cửa khẩu của chúng ta và Trung Quốc đều thấp, năng lực thông quan yếu kém khiến xe tải chở nông sản phải xếp hàng dài trên các con đường quốc lộ. Ví dụ như cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày chỉ thông quan được 300 xe tải là con số rất thấp.

Đặc biệt, tập quán buôn bán của các thương lái còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Hiện nay buôn bán nông sản chủ yếu theo hình thức đưa hàng lên biên giới, làm thủ tục thông quan chở hàng sang Trung Quốc, sau đó tiểu thương Trung Quốc lựa hàng và trả giá như ở chợ khiến hàng nông sản nhiều khi bị ép giá và rủi ro ách tắc ở cửa khẩu vào thời gian cao điểm của vụ thu hoạch” – ông Thắng nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho hay, tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu diễn ra lâu nay hoàn toàn do sự quản lý yếu kém của các cơ quan nhà nước. “Tôi đã từng nhiều lần kiến nghị về vấn đề này. Chúng ta đừng để nông dân phải bươn chải bằng con đường tiểu ngạch, không chính thức nữa mà phải có bàn tay can thiệp của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, cụ thể phải có ký kết với các tỉnh vùng biên giới để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản”.

Ngoài ra, nông dân cần trang bị kiến thức cho mình để chủ động trong khâu tiêu thụ nông sản, chẳng hạn như nông dân nên tích cực tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác xã ngành hàng để có sức mạnh, tiếng nói quyết liệt hơn trong khâu tiêu thụ nông sản. Việc này là hết sức cần thiết để tiêu thụ sản phẩm ngay cả thị trường trong nước chứ không chỉ xuất khẩu.

Ông Trần Công Thắng cho hay, song song với việc sản xuất theo chuỗi liên kết nông sản thì cơ sở hạ tầng ở các cửa khẩu cần phải nâng cấp để tăng công suất thông quan. Hơn nữa, phải tăng cường khâu sơ chế, bảo quản để tránh tình trạng tăng nguồn cung đột biến khi vào chính vụ.

Còn theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, các tỉnh nên có kế hoạch gieo trồng nông sản lệch nhau để không có hiện tượng thu hoạch cùng một lúc như hiện nay.

Dưa hấu tại TPHCM giữ giá

Theo khảo sát của phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại chợ Thủ Đức, chợ Bình Triệu, chợ Hiệp Bình Phước, dọc đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức), cuối đường Phạm Văn Đồng, một số chợ nhỏ tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc B, Bình Chánh; chợ Hóc Môn... dưa hấu từ miền Tây đưa lên có giá từ 6.000 đồng – 10.000 đồng/kg; dưa hấu miền Đông giá khoảng 4.000 đồng – 5.000 đồng/kg.

Theo những người bán, dưa hấu tại TPHCM vào thời điểm này, giá ổn định trong khoảng 4.000 – 10.000 đồng, tùy loại dưa, tùy thời tiết từng ngày. Những ngày nắng nóng, ngày Rằm, ngày cuối tuần thì giá bán cao hơn ngày thường khoảng 1.000 – 1.5000 đồng/kg.

Vừa dỡ dưa hấu trên xe tải xuống chiếc bạt căng ngay trên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức), anh Minh (Long An) cho biết: “Tôi phải đi xuống Gò Công lựa từng trái mang lên đây bán. Trung bình cứ hai ngày là bán khoảng 4 tấn dưa. Giá dưa ổn định chứ có giảm đâu. Giảm là ngay sau Tết kìa. Trước Tết giá từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, giờ mất phân nửa rồi, chỉ còn chừng 7.000 – 10.000 đồng/kg”. Vũ Yến

Thùy Dung/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: