VINAGRI News - Với đường biên giới kéo dài và có nhiều cửa khẩu, Cao Bằng được đánh giá là địa phương có nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập rất lớn. Để ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm qua biên giới, các lực lượng chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh lập các chốt kiểm soát ở những thị trường trọng điểm.
Lấy mẫu chuẩn bị tiêu hủy gà, vịt không rõ nguồn gốc
Chốt chặn đường biên
Đại úy Nguyễn Hữu Thảo- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tà Lùng - cho biết: Việc vận chuyển buôn bán gia cầm nhập lậu tại Cao Bằng không ồ ạt mà chỉ là những chuyến hàng vận chuyển nhỏ lẻ gia cầm sống, con giống hoặc hàng thương phẩm. Tuy nhiên, “tích tiểu thành đại”, chỉ tính 2 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng tại đây đã bắt giữ gần 2 tấn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu. Điển hình như ngày 26/2, tại khu vực mốc 942 thuộc địa phận xóm Pò Tập, thị trấn Tà Lùng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đã bắt giữ vụ vận chuyển 84 kg vịt đã giết mổ nhập lậu qua biên giới. Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã bắt 4 vụ vận chuyển gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc từ Trà Lĩnh ra TP. Cao Bằng, thu giữ 285 kg vịt thương phẩm, 180 kg gà. Chính vì thế, công tác quản lý thị trường (QLTT), ngăn chặn nhập lậu gia cầm qua biên giới đã được địa phương quyết liệt thực hiện.
Hiện nay, bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng đã thành lập 2 chốt kiểm soát tại Ngọc Côn (Trùng Khánh) và Nà Đoỏng (Trà Lĩnh). Lực lượng QLTT tỉnh cũng thành lập các đoàn kiểm tra tại các huyện: Trùng Khánh, Thạch An và TP. Cao Bằng để kiểm soát tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu.
Cũng theo đại úy Nguyễn Hữu Thảo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tà Lùng tại huyện Phục Hòa có 22,7km đường biên giới, trong đó có 8,7km đường biên giới trên sông, công tác chống thẩm lậu gia cầm qua biên giới được các lực lượng chức năng phối hợp quản lý tốt. Các xã biên giới đều thành lập chốt do các lực lượng chức năng phối hợp quản lý và được triển khai đồng bộ chặt chẽ. “Đối với đường biên giới trên sông, lực lượng chức năng, đặc biệt là bộ đội biên phòng đã thay phiên nhau trực vào giờ cao điểm như 18 giờ đến 22 giờ và 4 giờ đến 9 giờ hàng ngày. Việc chống gia cầm nhập lậu ở đường biên, lối mở phải rất kiên trì, mặc dù lượng hàng không lớn nhưng nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh rất cao nên phải luôn bám sát địa bàn, thu thập thông tin từ người dân để ngăn chặn kịp thời”- ông Thảo nói.
Phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng
Theo ông Nông Văn Xứng - Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Cao Bằng, công tác kiểm soát thị trường, chống nhập lậu và vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép được tiến hành thường xuyên. Ngay sau khi Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh có văn bản yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn, các lực lượng chức năng đã thành lập những đoàn kiểm tra. Trao đổi với phóng viên trong chuyến kiểm tra tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng, ông Xứng cho biết: Để ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm từ biên giới vào tiêu thụ nội địa, các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng hải quan, biên phòng, công an, QLTT đã tích cực triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà các cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các cặp chợ biên giới, các tuyến đường trọng yếu trên địa bàn. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra tại các điểm tập kết gia cầm nhập lậu và các lò giết mổ, lực lượng chức năng của Cao Bằng đã thành lập 18 chốt chặn trên các tuyến biên giới và tuyến đường huyết mạch từ biên giới về thành phố Cao Bằng và các tỉnh lân cận.
Duy Minh/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: