Thấy tôi tần ngần cầm chùm cà chua chín đỏ vừa được vặt và rửa sạch tại ruộng, anh Nguyễn Văn Dùng - chủ nhân của khu vườn thuộc dự án rau sạch được tổ chức JICA của Nhật Bản hỗ trợ - quả quyết: “Cà chua sạch này ăn sống ngon lắm. Không có thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đâu!”
Vườn cà chua sạch theo dự án được Nhật Bản hỗ trợ.
Quá thiếu lòng tin…
Có lẽ, nét mặt tôi lúc đó trông thật buồn cười, khi nửa muốn thử cái vị chua ngọt man mát từ quả cà chua đỏ mọng mới hái tại ruộng, nửa nghi ngờ liệu chùm quả đỏ mọng này có thực là không có thuốc BVTV. Chẳng bù cho những ngày tuổi thơ, mỗi lần được bố mẹ cho về quê chơi, niềm vui thích lớn nhất của lũ trẻ chúng tôi là hái trộm quả tại ruộng, chùi chùi vào vạt áo và ăn ngon lành.
Dường như hiểu nỗi lo của tôi, chuyên gia Nhật Bản Numata Mitsuo của dự án JICA nói: “Khó khăn lớn nhất khi áp dụng mô hình rau an toàn tại Việt Nam là xây dựng “lòng tin” của cả khách hàng và người nông dân”. Vấn đề, theo ông, là bởi thị trường Việt Nam đã quá thiếu lòng tin vào chất lượng của rau, củ, quả được bày bán. Đây đang là cả một vấn đề lớn, vì Việt Nam chưa quan tâm đến “cầu nối” giữa người tiêu dùng và người trồng rau.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, các chủ trang trại thường đến thăm các khu chợ để tiếp thu ý kiến đánh giá của người tiêu dùng. Họ thường xuyên mời khách hàng đến thăm trang trại của mình để thị sát cách họ trồng rau. “Khách hàng luôn có tiếng nói rất lớn trên thị trường. Điều này giúp tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa khách hàng và người trồng rau”.
Chuyên gia Mitsuo bật cười khi tôi hỏi: “Liệu ở Nhật có mô hình rau an toàn?”. Câu trả lời là, với người Nhật, an toàn là yếu tố cơ bản của lương thực. Vì vậy, đã là rau củ thì phải an toàn. “Sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đều có chung chất lượng. Không có sự khác biệt” - ông nói.
Đây là một trong những lý do Chính phủ Nhật, thông qua JICA, đã quyết định hỗ trợ dự án trồng rau sạch cho các tỉnh phía bắc của Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và khả năng sản xuất sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dự án tập trung chủ yếu vào rau củ, hỗ trợ khu sơ chế, hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, thời gian, liều lượng, cách sử dụng phân bón, đặc biệt là thuốc BVTV và chất kích thích sinh trưởng. Ruộng cà chua của anh Nguyễn Văn Dùng cũng nằm trong khuôn khổ dự án. Anh Dùng thật thà: “Tham gia dự án cái được nhất là hiểu rõ hơn về thuốc BVTV.
Trước thì dùng nhiều thuốc, giờ hạn chế thôi. Ngày trước, cứ đánh thuốc được 2 ngày là thu hoạch. Còn giờ là phải từ 10 ngày trở lên mới thu hoạch”.
Đây cũng là chia sẻ của chị Hồng - 48 tuổi, chủ nhân ruộng cải bắp bạt ngàn ngay cạnh vườn cà chua của anh Dùng: “Trước khi tham gia dự án thì cứ đánh bừa thuốc BVTV đi. Ví dụ hôm nay phun thuốc, ngày mai đã thu hoạch để bán cho tư thương đến mua. Nhưng từ khi tham gia hiểu biết hơn thì hạn chế sử dụng thuốc”.
Đi hàng cây số để mua thuốc BVTV rẻ hơn... 200 đồng
Giữa thời điểm rau sạch, rau bẩn lẫn lộn, việc tham gia dự án khiến những mảnh ruộng bắp cải và vườn cà chua của chị Hồng, anh Dùng luôn đông khách tìm đến mua. Mỗi sào cà chua anh Dùng có thể thu về 15 triệu đồng mỗi vụ. Cứ sau lứa cà chua, ruộng của anh lại xanh rì những vườn mướp đắng, bầu, bí.
Quan trọng nhất, sức khỏe của anh cũng được cải thiện, vì ít chịu tác động từ việc phun thuốc BVTV. Điều này khiến nhiều nông dân khác cũng nhìn theo kinh nghiệm của anh để làm theo. “Giờ ai cũng muốn giảm tốc độ sử dụng thuốc BVTV. Chứ cứ đánh bừa, phun bừa thì mình chịu trước, vì mình là người phun thuốc. Rồi đến ăn cũng chẳng dám ăn”, anh Dùng nói.
Dự án rau sạch đã được JICA hỗ trợ triển khai tại 6 tỉnh phía Bắc, trong đó 3 tỉnh thí điểm là: Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh; và 3 tỉnh vệ tinh là: Hòa Bình, Thái Bình, Hải Phòng. Dù mô hình dự án đã phát huy những tác động tích cực, song diện tích “phủ an toàn” còn quá ít nếu so với số hộ trồng rau tại địa bàn. Đơn cử, ở tỉnh Hưng Yên, quy mô dự án chỉ mới tác động được trên 3 hécta trồng rau, so với tổng diện tích 180 hécta rau tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Tráng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển NT tỉnh Hưng Yên, những thời vụ áp lực sâu bệnh cao, trái vụ, người nông dân dùng nhiều thuốc BVTV để trừ sâu. Trong khi đó, người bán sản phẩm thuốc BVTV và phân bón chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nên sẵn sàng khuyên nông dân sử dụng những loại thuốc rẻ, cần có thời gian cách ly dài và độ độc cao.
“Thuốc tốt cần 8.000 đ/bình, nhưng thuốc rẻ chỉ cần 2.500 đ/bình. Đôi khi, người nông dân có thể đạp xe đến hàng cây số để mua loại thuốc bảo vệ thực vật rẻ hơn có 200 đồng. Đó là tính lợi nhỏ, mà bỏ lợi lớn” - anh chua xót.
Bà Nguyễn Thị Hằng, chuyên gia Bộ NN&PTNT tham gia dự án rau an toàn của JICA, cũng chia sẻ: Trước khi có dự án, nông dân thu hoạch rất tùy tiện sau khi phun thuốc. “Có người còn hồn nhiên rằng, thấy thuốc BVTV hướng dẫn dùng 1 gói, nhưng tôi làm cả 2 cho nhanh”.
Theo ông Trần Xuân Định - Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp, chỉ có nền nông nghiệp hữu cơ mới hoàn toàn nói “không” với thuốc BVTV. Còn rau an toàn thì vẫn dùng thuốc BVTV, nhưng có sự quản lý chặt chẽ về liều lượng và cách sử dụng. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc quản lý thuốc BVTV hiện nay vô cùng bức xúc và còn nhiều bất cập như danh mục quá nhiều, cùng hoạt chất nhưng tên thương mại thì la liệt...
“Vì vậy các chuyên gia dự án đã thiết kế các loại sổ ghi nhật ký dành cho việc quản lý sản xuất. Hay như sổ nhật ký đồng ruộng cho người sản xuất để lưu giữ hồ sơ sử dụng phân bón, thuốc BVTV, nhằm tạo thành “một gác chắn” giúp kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất” - ông nói. Song ông thừa nhận, nếu nông dân có nói dối, thì dự án cũng… đành chịu.
“Tốt xuất, xấu tiêu thụ trong dân”
Theo ông Định, thị trường rau củ quả nội địa đang thiếu hơn 90% sản phẩm thực sự an toàn. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao các nước, ví dụ như Nhật, tiếp cận theo hướng ưu tiên sản phẩm tốt cho nội địa trước, rồi mới xuất. Còn ở VN thì ngon, tốt xuất, xấu tiêu thụ cho dân”.
Ông Định cho biết, kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy họ có rất nhiều tiêu chuẩn GAP. Mỗi địa phương đều đề riêng ra những tiêu chí GAP chặt chẽ cho riêng mình, rồi các công ty cũng ban hành tiêu chuẩn. Các nước khác như Thái Lan và Indonesia về tổ chức cũng có rất nhiều GAP.
Còn Việt Nam ban hành chỉ mỗi VietGap với 65 tiêu chí. Theo ông Định, tiếp cận ban đầu như vậy là quá cao và phức tạp. Ông ví von việc bắt nông dân sử dụng GAP giống như bắt “một người có sức khỏe yếu phải nhảy liền 2 - 3 bậc thang, thay vì hướng dẫn cho lên từng bậc một”.
Theo Trưởng Đại diện JICA - Mori Mutsuya - trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tăng thêm viện trợ ODA trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. “Người dân Việt Nam phải mất thời gian và công sức để mua được thực phẩm an toàn, do trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng hóa chất và phân hóa học quá nhiều…
Là một người sinh sống tại Việt Nam, tôi cũng cảm nhận được sâu sắc vấn đề này” - ông chia sẻ. Ông Mutsuya cho biết, Nhật Bản đang đề xuất áp dụng mô hình GAP cơ bản (Basic GAP) nhằm hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trong sản xuất nông sản an toàn, để ngay cả các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ cũng có thể áp dụng một cách dễ dàng.
Mớ rau vài nghìn, chứng nhận an toàn vài triệu
Một điều rõ ràng là những hộ nông dân làm theo hướng dẫn của dự án đã không còn phụ thuộc nhiều vào thuốc BVTV. Bà Hằng cho rằng, đó là mục đích của dự án: Nâng cao nhận thức phải từ nông dân. Hành động là từ người sản xuất. Song chuyên gia này cũng thừa nhận: “Dự án chỉ như đốm lửa”. Bà Hằng cho rằng dự án JICA đã chọn cách tiếp cận đơn giản, chú trọng đến việc thay đổi nhận thức và hiểu biết của nông dân, vì họ mới là người làm ra sản phẩm..
“Khi chúng ta ra về, còn lại trên đồng ruộng là nông dân, người sẽ chịu trách nhiệm về rau sạch. Nếu không giúp nông dân thay đổi nhận thức, sản xuất sản phẩm cây trồng an toàn và hiệu quả thì khi kết thúc là tất cả lại trở về số không. Người nông dân lại phun thuốc, lại thu hoạch ngay sau đó vì lợi nhuận trước mắt” - bà nhận định.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Hằng, các cơ quan, chính quyền cần phải hỗ trợ nông dân phân tích sản phẩm, để chứng nhận là nó an toàn. Đây là kinh nghiệm mà bà thấy được khi sang tham quan mô hình tại các nước khác. “Ở Thái Lan, nông dân chỉ cần nói tôi sản xuất theo ThaiGap, và đăng ký online là xong. Còn các ban ngành sẽ phải xuống đồng ruộng, lấy các mẫu đất, rau rồi cấp chứng chỉ, tem nhãn cho nông dân là ThaiGap” - bà Hằng cho biết.
Đây là lý do giúp Thái Lan tự tin rằng 100% sản phẩm của họ là ThaiGap, vì họ giúp đỡ nông dân đến tận cùng. Trong khi ở Việt Nam, VietGap được ban hành từ 2008, nhưng đến nay số lượng sản phẩm được chứng nhận VietGAP còn rất hạn chế, logo VietGAP thì chưa có. “Nông dân sẽ chẳng mấy ai muốn đi chứng nhận sản phẩm an toàn, vì mỗi mẫu phân tích phải mất mấy triệu, trong lúc người dân bán mớ rau được có mấy nghìn” - bà Hằng nói.
Tô Phương Thủy/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: