VINAGRI News - Với mong muốn làm gạo hữu cơ “vì dinh dưỡng và sức khỏe con người”, gần 5 năm qua, ông Khải đã “đổ tiền” vào hơn 320 ha đất giữa rừng U Minh (thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) để nghiên cứu, cải tạo, mở rộng diện tích gieo trồng loại lúa siêu sạch, cho ra sản phẩm gạo hữu cơ Việt Nam mang chất lượng quốc tế.
Ông Võ Minh Khải giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ Hoa sữa
Khai hoang trồng lúa chuẩn quốc tế
Ông Võ Minh Khải- Giám đốc Công ty CP&TM Viễn Phú- chia sẻ, trước đây, ông chủ yếu đầu tư phát triển kinh doanh các loại phân bón hữu cơ vi sinh. Trong các lần tham dự hội thảo ở nước ngoài ông đã được giới thiệu về mô hình trồng lúa hữu cơ siêu sạch ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ đó ông và các đồng nghiệp ấp ủ mơ ước xây dựng những cánh đồng lúa hữu cơ tại Việt Nam. “Sau nhiều năm trăn trở, năm 2009, tôi quyết định đầu tư trồng lúa hữu cơ, song bước đầu gặp rất nhiều khó khăn khi chưa tìm được vùng đất sạch. Vì theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và các nước châu Âu, để đạt được Giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ thì các chỉ tiêu phân tích về đất, nước và khoáng chất phải tuyệt đối đảm bảo ở mức độ cho phép. Qua nhiều lần tìm kiếm, khảo sát thực địa, tôi đã chọn vùng đất thuộc huyện U Minh vì ở đây dân cư còn thưa thớt, môi trường tự nhiên còn hoang dã, lại cách xa các khu công nghiệp hiện đại, rất thuận lợi để trồng gạo hữu cơ theo chuẩn toàn cầu” - ông Khải tâm sự.
Các loại gạo Hoa sữa đã được Công ty Control Union Hà Lan cấp Giấy chứng nhận là sản phẩm nông sản sạch, an toàn, dinh dưỡng theo tiêu chuẩn canh tác hữu cơ quốc tế của Hoa Kỳ và châu Âu với tên thương hiệu là Hoasuafood.
Khi bắt tay vào khai hoang vùng đất bìa rừng, Viễn Phú đã gặp phải rất nhiều thách thức. Ông Khải nhớ lại: “Khi bắt đầu xuống U Minh, chúng tôi không thể nào đi lại được. Tất cả tràn ngập lau sậy, tràm, đước cao ngút đầu người, không hề có một con đường nào để tiến vào khai hoang, lập thửa. Ban đầu chỉ có tôi và mấy anh em công nhân trong đội khai hoang dựng chòi ở bìa rừng để tiến hành san ủi. Buổi tối, hết thảy sinh hoạt như ăn, uống, ngủ, nghỉ đều phải làm trong màn vì ra ngoài là không thể nào chịu được do quá nhiều muỗi, rắn, rết và côn trùng”.
Cứ như thế, suốt 3 năm, bằng sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân công ty, đến nay Viễn Phú đã có một cánh đồng rộng lớn trên 320 ha, chuyên sản xuất lúa hữu cơ siêu sạch đạt chuẩn Hoa Kỳ. Trong đó có các giống lúa đặc trưng như: Gạo màu tím cẩm, gạo màu đen, gạo màu đỏ, gạo màu trắng đục sữa... Hiện tại, mỗi năm công ty có thể cung cấp trên 1.000 tấn gạo hữu cơ các loại mang thương hiệu Hoa sữa ra thị trường. “Để có sản phẩm gạo đặc thù, chúng tôi đã phải đầu tư rất nhiều từ dọn lau sậy vùng đất hoang sơ, đào kênh mương, cải tạo đất phèn, sau đó là triển khai dự án trồng lúa và xây dựng nhà máy chế biến ngay trên vùng nguyên liệu”- ông Võ Minh Khải cho biết.
“Theo cánh buồm đi xa”
Năm 2013, những tấn gạo Hoa sữa đầu tiên của công ty đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, biến giấc mơ canh tác và xuất khẩu gạo hữu cơ của ông Khải thành hiện thực. Năm 2014, Viễn Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu và hợp tác với nhiều nông trại khác để nhân rộng mô hình sản xuất gạo hữu cơ các loại nhằm xây dựng thương hiệu gạo Hoa sữa trên thị trường quốc tế.
“Hiện nay, 4 loại gạo hữu cơ mang thương hiệu Hoa sữa (Hoa sữa đen, Hoa sữa đỏ, Hoa sữa tím và Hoa sữa trắng) đã được Công ty Control Union Hà Lan cấp Giấy chứng nhận là sản phẩm nông sản sạch. Các nhà khoa học đánh giá cao về hàm lượng dinh dưỡng và khoáng chất của gạo Hoa sữa. Nhiều ý kiến còn cho rằng, trong tương lai, nếu đầu tư mở rộng sản xuất, rất có thể thương hiệu gạo hữu cơ sản xuất tại Việt Nam sẽ là một trong những loại thực phẩm chức năng được thị trường quốc tế ưa chuộng” - ông Khải vui mừng thông báo.
Điều quan tâm, trăn trở nhất của ông Khải hiện nay là việc nhân rộng mô hình ra các xã của huyện U Minh lên 30.000 ha đất canh tác. Theo ông Khải, hiện nay khả năng mở rộng diện tích gieo trồng lúa hữu cơ của huyện U Minh ước khoảng 20.000 ha. Nếu mở rộng ra các huyện lân cận thì tiềm năng phát triển lúa hữu cơ của tỉnh Cà Mau có thể lên tới 50.000 ha.
“Nếu tỉnh hỗ trợ đầu tư cải tạo, xây mới hệ thống kênh, mương, thủy lợi theo mô hình của công ty đang làm tại xã An Khánh cho các xã khác, chúng tôi sẵn sàng liên kết xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ để nông dân làm giàu trên vùng đất U Minh. Viễn Phú sẵn sàng hướng dẫn, bàn giao quy trình công nghệ gieo trồng nông nghiệp xanh, cung cấp các giống lúa mà công ty đang có cho nông dân, cũng như bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu nếu người dân làm đúng phương pháp”-ông Khải nói.
Mai Ca/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: