» » » Thương hiệu làm nên chất lượng nông sản

VINAGRI NewsNiềm vui đến với 3 địa phương cho 3 cây trồng chủ lực của Lâm Ðồng, việc được cấp nhãn hiệu, thương hiệu “Hoa Ðà Lạt”, “Trà B’lao”, “Cà phê Di Linh”… đã góp phần tôn vinh giá trị sản phẩm nông nghiệp, đề cao chất lượng hàng Việt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số vấn đề đặt ra.

UBND thành phố Đà Lạt trao giấy chứng nhận nhãn hiệu Hoa Đà Lạt cho các đơn vị, doanh nghiệp

Ông Tôn Thiện San - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt

Thời gian qua, UBND thành phố Đà Lạt đã tổ chức lễ công bố cấp thí điểm quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hoa Đà Lạt đối với hoa Địa Lan và 5 loại hoa: Cúc, Hồng, Cẩm chướng, Cát tường, Layơn… nhằm quảng bá rộng rãi đến người dân, đây là tiền đề cho sự phát triển của ngành hoa Đà Lạt nói riêng và của ngành nông nghiệp Đà Lạt nói chung. 

Để thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển bền vững nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) Hoa Đà Lạt,  trong thời gian tới thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng công tác quản lý NHCN hoa đối với hoa Địa lan và 5 loại hoa, đồng thời phát triển thêm các loại hoa đặc trưng là thế mạnh được mang NHCN Hoa Đà Lạt. Phát triển thương hiệu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm đối với các loại hoa mang NHCN, nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch; vận động, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp chủ động đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến đổi mới công nghệ, gắn lợi ích của đơn vị, doanh nghiệp với lợi ích người tiêu dùng… Khuyến khích xây dựng mô hình sản xuất liên kết giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội, nhà sản xuất, nhà khoa học… để có đủ năng lực tổ chức sản xuất, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu và thuận lợi hơn trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại.

Nâng cao vai trò hoạt động của các hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội Hoa Đà Lạt làm cầu nối thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và để tăng cường các hoạt động phục vụ phát triển NHCN hoa Đà Lạt trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng cần tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với chuẩn mực và quy định quốc tế về vấn đề bảo hộ quyền tác giả, việc sử dụng các giống hoa nhập nội, đồng thời tích cực lai tạo thêm các giống hoa mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sớm hình thành chợ hoa và đưa vào hoạt động nhằm  xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Ông Bùi Thắng - Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc


Là địa phương có truyền thống về trồng và chế biến trà với nhiều cơ sở doanh nghiệp lớn, hầu hết các đơn vị đã quan tâm đến việc đăng ký để được bảo hộ nhãn hiệu của mình với những nhãn hiệu nổi tiếng như: Trà Đỗ Hữu, Trà Quốc Thái, Trà Ngọc Trang, Trà Thiên Thành, Trà Tâm Châu, Chè Lâm Đồng, Trà Hằng Sơn Điền… Tuy nhiên, để tạo thành thương hiệu mạnh, mang tính chất phổ biến và đặc thù của địa phương mang tính cộng đồng, có đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, phương thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác, được sự quan tâm hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, ngày 9/11/2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 13 Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Trà B’Lao” cho sản phẩm trà chế biến tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng.

Để phát huy hơn nữa việc sử dụng NHCN “Trà B’Lao” trong thời gian sắp tới, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa đơn vị quản lý (Nhà nước) doanh nghiệp - cơ sở chế biến kinh doanh và người trồng trà. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá NHCN “Trà B’Lao” sâu rộng trong tỉnh, và mở rộng phạm vi cả nước nhằm nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm mang NHCN “Trà B’Lao”. Hỗ trợ việc xúc tiến thương mại cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các tổ chức, sự kiện nhằm quảng bá sâu rộng sản phẩm và hình thành các kênh tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường khâu hậu kiểm, kiểm tra, đánh giá các cơ sở đã được cấp quyền sử dụng NHCN “Trà B’Lao” nhằm ổn định về chất lượng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tiếp tục phát triển, cấp thêm quyền sử dụng NHCN “Trà B’Lao” cho các cơ sở doanh nghiệp đủ điều kiện, cũng như xúc tiến đăng ký NHCN “Trà B’Lao” ra nước ngoài, nhằm bảo hộ NHCN “Trà B’Lao” phạm vi quốc tế.

Đối với doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị, để luôn nâng cao chất lượng sản phẩm. Đăng ký tham gia áp dụng quy trình quản lý chất lượng ISO, HACCP để chứng minh quy trình sản xuất mang đẳng cấp quốc tế. Hình thành và mở rộng vùng nguyên liệu, chú trọng đầu tư thâm canh và sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đối với người trồng trà cần áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP, ứng dụng công nghệ sinh học và các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. 

Ông Nguyễn  Canh - Chủ tịch UBND huyện Di Linh


Di Linh là một địa bàn chuyên canh cà phê với diện tích khoảng 42.000 ha, năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha, tổng sản lượng gần 100 ngàn tấn/năm, trong đó chủ yếu là cà phê Robusta với chất lượng vượt trội so với cà phê cùng loại ở các địa phương khác. Chính vì vậy, Di Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sở hữu Nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Cà phê Di Linh” nhằm phát triển nhãn hiệu chứng nhận đến cộng đồng các cơ sở, doanh nghiệp, khai thác các giá trị thương mại của nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Cà phê Di Linh. Mục tiêu cơ bản khi đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Cà phê Di Linh là nhằm khai thác giá trị về thương hiệu đã được định danh, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký sử dụng vì mục tiêu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm cà phê Di Linh, mở rộng thị trường và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Từ thực tế cho thấy, tác động của nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Cà phê Di Linh đối với cộng đồng các doanh nghiệp thu mua chế biến cà phê còn ở phạm vi hẹp. Nguyên nhân chính một phần là do nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích mang lại khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Cà phê Di Linh còn hạn chế, mặt khác còn do công tác tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Cà phê Di Linh mới được triển khai bước đầu, nên mức độ tác động đến nhà sản xuất và người tiêu dùng chưa mạnh mẽ.  

Trong thời gian qua, được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành của tỉnh, đã giúp Di Linh xây dựng Đề án “Tuyên truyền và quảng bá nhãn hiệu cà phê Di Linh” nhằm quảng bá phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Cà phê Di Linh trên phạm vi rộng rãi hơn với các hình thức truyền thông đa dạng. Qua đó, thúc đẩy và khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Cà phê Di Linh, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, cũng như ràng buộc trách nhiệm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng, góp phần bảo vệ uy tín và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Cà phê Di Linh”.

Nguyệt Thu/ Báo Lâm Đồng

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: