VINAGRI News - Ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân các địa phương đã nô nức xuống đồng gieo cấy lúa đông xuân cho kịp thời vụ. Tính đến nay, toàn tỉnh Đăk Nông đã gieo cấy được gần 4.000/4.592 ha lúa theo kế hoạch, số diện tích còn lại sẽ được các địa phương tập trung hoàn thành ngay trong tháng 2.
Vụ đông xuân năm nay, huyện Đắk Mil có kế hoạch gieo cấy 655 ha lúa nước tập trung tại các xã Đức Minh, Đức Mạnh, Thuận An… Giống lúa được bà con sử dụng chủ yếu là các giống ngắn ngày như TH3-3, Nghi hương 2308, OM 3536, OM 6976, Bắc thơm số 7, RVT…
Nông dân Đức Minh (Đắk Mil) cấy lúa vụ đông xuân
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì để chủ động đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ đông xuân 2013-2014, ngay từ đầu vụ, đơn vị chuyên môn đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, theo dõi, kiểm tra, sửa chữa kịp thời các hạng mục công trình thủy lợi.
Riêng tại các cánh đồng lúa trọng điểm của huyện, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đắk Mil đã tiến hành nạo vét 40 km kênh chính, khắc phục những hạng mục công trình bị hư hỏng nhỏ và vận động nông dân phát dọn cây cối, tu bổ thêm. Nhờ đó đến thời điểm này, việc điều tiết nước để nông dân cày ải, lấy nước gieo cấy đang được diễn ra thuận lợi.
Hiện tại, ngành Nông nghiệp huyện cũng đang tích cực kiểm tra, hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo cấy từng giống lúa, cách chăm sóc, bảo đảm toàn bộ diện tích lúa được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.
Anh Trần Thanh Lâm, xã Đức Minh cho biết: “Nhà tôi có 8 sào ruộng, theo đúng lịch thời vụ, ăn tết xong, mùng Bốn tết là gia đình đã xuống đồng cấy lúa. Thời tiết năm nay thuận lợi, đầu xuân tiết trời có nắng ấm nên mạ phát triển tốt và đến hôm nay thì gia đình gần như hoàn thành diện tích đó rồi”.
Tại các cánh đồng lúa nước của huyện Đắk Glong, Đắk Song… nông dân cũng đang tranh thủ thời tiết nắng ấm nhổ mạ để gieo cấy theo tinh thần chỉ đạo của ngành Nông nghiệp.
Chị H’Ben, xã Đắk Mol (Đắk Song) cho biết: “Mấy ngày nay, thời tiết nắng ấm nên việc gieo cấy lúa rất thuận lợi. Gia đình tôi cấy 2 sào, chủ yếu là giống lúa Tạp giao 1. Để đảm bảo cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, gia đình đã luôn tuân thủ tốt những hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, hi vọng sẽ đạt kết quả cao”.
Theo UBND xã Đắk Môl thì do địa phương là nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ canh tác lúa còn nhiều hạn chế nên xã đã tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Theo đó, nông dân đã dần thay đổi nhận thức trong sản xuất lúa, không còn “làm đại” mà đã chuẩn bị kỹ từ khâu làm đất, cày ải và biết chọn các giống lúa chất lượng vào gieo cấy. Cùng với đó, xã cũng đã tập trung chỉ đạo các bon có công trình thủy lợi quản lý chặt nguồn nước, điều tiết lượng nước hợp lý nên tiến độ gieo cấy đạt theo yêu cầu đề ra.
Còn tại huyện Krông Nô, Tuy Đức…, bà con cũng đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân. Hiện, nông dân đang thường xuyên thăm đồng, điều tiết nguồn nước tại ruộng và kiểm tra tình hình sâu bệnh. Theo các hộ dân thì mặc dù lúa có hiện tượng đạo ôn, ốc bươu vàng nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp nên tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT thì từ nay cho tới cuối tháng 2, ngành sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành gieo cấy lúa nhằm tránh hạn cuối vụ.
Trước mắt, các địa phương cần tổ chức tốt lấy nước phục vụ làm đất gieo cấy, đổ ải đến đâu, tổ chức làm đất và gieo cấy để đuổi kịp khung thời vụ, đồng thời điều tiết, khoanh vùng và có phương án hợp lý lấy nước cho các vùng trũng, vùng gieo sạ, gieo vãi, không để tình trạng úng làm chết lúa mới cấy.
Sau khi gieo cấy xong, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và phòng bệnh, chăm sóc lúa kịp thời. Vụ đông xuân thường khan hiếm nguồn nước, do vậy ở những chân ruộng cao, khả năng thiếu nước lớn thì các địa phương nên hướng dẫn bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày có nhu cầu nước tưới ít hơn như khoai lang, ngô…
Bài, ảnh: Thùy Dương/ Báo Đăk Nông
Không có nhận xét nào: