VINAGRI News - “Bể dâu” là “phận” của nghề tằm tang, nhưng giữa thương trường, “nghiệp” chè cũng lắm lúc nghiệt ngã chẳng thua kém. Kể từ khi hội nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), thì chè lẫn dâu đều cùng chung một “số phận”!
Một vùng nguyên liệu sản xuất chè Oolong ở Bảo Lộc
Thực trạng chưa phát huy hết tiềm năng
Cách đây 7 năm, khi ngành chè bắt đầu hội nhập WTO, ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng, trao đổi một điều mà chúng tôi cho là rất chí lý: “Cả ngành chè lúc này cần liên kết lại và cùng nhau đóng “bè” để ra biển lớn!”. Và, rồi mới đây, tại một cuộc Hội thảo bàn giải pháp phát triển ngành chè Lâm Đồng, ông Đoàn Trọng Phương cũng đưa ra một hình ảnh rất thực tế và khá ấn tượng đối với ngành chè hiện nay là: “Cá nhỏ rỉa chết cá lớn!”.
Tại cuộc Hội thảo khoa học do Sở NN - PTNT Lâm Đồng phối hợp với các ngành của tỉnh vừa tổ chức mới đây tại thành phố Bảo Lộc, Sở NN - PTNT đã đưa ra 5 nhóm giải pháp để phát triển ngành chè Lâm Đồng là: Công tác qui hoạch, tổ chức sản xuất, tổ chức chế biến, tổ chức thị trường và đào tạo nguồn nhân lực. Tại Đại hội 4 của Hiệp hội Chè Việt Nam vừa tổ chức vào trung tuần tháng 10/2013, cũng đã có Đề án và giải pháp phát triển ngành chè Việt Nam đến năm 2030. Đây là những giải pháp hết sức cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện các giải pháp đó một cách hữu hiệu nhằm “vực” lại “nghiệp” chè, nếu không thì cũng chỉ dừng lại trên bàn nghị sự!
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 62 doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến chè theo dạng công nghiệp (trong đó, có 21 DN Đài Loan, 1 DN Nhật Bản sản xuất, chế biến khoảng 40 ngàn tấn chè búp tươi thành 8 ngàn tấn chè thành phẩm/năm); trong khi đó, có tới 200 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chế biến thủ công với khối lượng sản xuất chế biến chè hàng năm không nhỏ. Trong “làng” chè Lâm Đồng, trước đây Công ty Chè là một DN Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Từ giữa năm 2005 trở về trước, Công ty Chè Lâm Đồng quản lý 12 DN trực thuộc (gồm các nhà máy và các công ty), với 1.700 ha chè, năng lực sản xuất và tiêu thụ 5 - 6 ngàn tấn chè (thành phẩm)/năm. Sau khi thực hiện chủ trương “cổ phần hóa”, đơn vị trở thành công ty cổ phần, chỉ còn lại 6 DN: Cầu Đất (Đà Lạt), 2/9 (Di Linh), 1/5, Rồng Vàng, Hà Giang (Bảo Lộc) và Minh Rồng (Bảo Lâm). Lúc đó, vốn cổ phần Nhà nước chỉ chiếm 45%. Còn Nhà máy Chè 19/5 (Bảo Lộc), trước đây, năng lực sản xuất chỉ được 800 tấn chè đen/năm. Sau khi cổ phần hóa, Nhà máy Chè 19/5 đầu tư 15 tỷ đồng lắp đặt 2 dây chuyền công nghệ mới để sản xuất chè CTC và nâng năng lực sản xuất chè OTD, đưa công suất nhà máy lên 3 ngàn tấn/năm, nhưng thực tế chỉ sản xuất được 2/3 công suất. Như thế hàng năm, các đơn vị này xuất khẩu còn thiếu một lượng chè khá lớn (khoảng 4 - 5 ngàn tấn/năm).
Xuất phát từ nhu cầu của thị trường và bạn hàng “truyền thống” của các nước nhập khẩu chè ở Trung Đông, Nga, Mỹ và các nước châu Á, Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng phải liên kết với các DN và các đại lý trong tỉnh để mua nguyên liệu chế biến, nhưng cũng chỉ chế biến được 2 ngàn tấn/ năm. Như thế, công ty còn thiếu 3 ngàn tấn chè thành phẩm, nên phải mua từ các DN khác để cắt sàng chè xuất khẩu. Nhờ vậy, năm 2010, công ty xuất khẩu được 5,5 ngàn tấn; nhưng từ năm 2011, 2012 lại giảm dần. Năm 2013, công ty chỉ xuất khẩu được khoảng 4 ngàn tấn.
Một góc phân xưởng chế biến chè ở DNTN Phương Nam
Mất cân đối giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, ông Đoàn Trọng Phương cho biết: Là do trong ngành chè đã có sự phát triển mất cân đối giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Đối với Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng (cũng như nhiều DN khác) thiếu nguyên liệu chè búp tươi. Trong khi đó, các nhà máy, cơ sở chế biến chè “mọc” lung tung, thiếu quy hoạch. Công suất chế biến của các nhà máy hiện gấp 3 - 4 lần nguồn nguyên liệu, dẫn đến hiện tượng tranh mua, tranh bán chè búp tươi. Các cơ sở sản xuất chế biến nhỏ lẻ có lợi thế hơn, vì đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị gọn nhẹ, “mọc” ngay trong vùng nguyên liệu, nên dễ thu gom chè búp tươi. Còn những nhà máy chế biến lớn hơn thì rất khó để có thể “xoay chuyển” được tình thế. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cá nhỏ rỉa chết cá lớn”. Mặt khác, các DN chỉ đơn thuần kinh doanh xuất khẩu hiện phát triển quá nhiều (kể cả tư thương). Họ vào tận kho các nhà máy chè để tranh mua chè. Các nhà máy lại tranh nhau hạ giá để “lôi kéo” khách hàng, khiến giá chè “đầu ra” không thể tăng, trong khi chi phí “đầu vào” liên tục tăng. Các nhà máy chế biến muốn có lợi nhuận, không còn cách nào khác, là phải “rơi” vào tình huống làm giảm chất lượng chè!
Lâm Đồng có nhiều lợi thế so sánh để sản xuất chè, là tỉnh hiện đứng đầu cả nước về diện tích. Toàn tỉnh hiện có 23.177 ha chè, năng suất bình quân đạt 9,3 tấn/1 ha và sản lượng đạt khoảng 210 ngàn tấn búp tươi/năm, chiếm trên 20% về diện tích và 24% về sản lượng chè cả nước. Hàng năm, ngành chè Lâm Đồng giải quyết việc làm cho khoảng 5,5 vạn lao động trong tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT): “Diện tích chè được chứng nhận an toàn chỉ mới có 85 ha; chứng nhận VietGAP có 15 ha, chứng nhận GolobalGAP có 30 ha và các nhà máy chế biến được cấp chứng nhận HACCP, ISO… thì còn rất ít. Mặt khác, thiết bị máy móc chế biến chè không đồng bộ hoặc đã cũ; thiếu phương tiện kiểm soát kỹ dư lượng các loại hóa chất còn tồn đọng trong nguyên liệu chè búp tươi trước khi đưa vào nhà máy chế biến”. Như vậy, nó đồng nghĩa với việc chất lượng vườn chè chưa được cải thiện tốt; chất lượng sản phẩm cũng vì thế không thể ổn định và giá cả chè phổ biến ở mức thấp. Riêng giá chè xuất khẩu chỉ bán với giá 60% so với giá chè các nước khác trên thế giới. Và, cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn: “Nguy cơ sản xuất chè mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn. Điều đó sẽ làm giảm giá bán, nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời”.
Sản xuất chè an toàn - một hướng đi cấp thiết
Doanh nghiệp tư nhân Phương Nam (TP Bảo Lộc) hiện đứng đầu “bảng xếp hạng”, là DN đầu tiên và duy nhất của ngành chè Việt Nam đạt được 3 tiêu chuẩn: GolobalGAP (chứng nhận nguyên liệu an toàn), HACCP (sản xuất chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) và ISO 9001 - 2008 (hệ thống quản lý chất lượng). Ngoài các loại sản phẩm trà Oolong, DN còn sản xuất các loại trà hương, trà đen, trà xanh… Thời gian gần đây, DN đổi mới, đa dạng về sản phẩm và cải tiến về mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường. DN đã đầu tư trang thiết bị để sản suất trà Oolong túi lọc, trà Sencha (trà dẹp). Hàng năm, DN sản xuất, chế biến và tiêu thụ khoảng 1.200 tấn sản phẩm. Trong đó, trà Oolong chiếm trên 10%, trà xanh: 60% và trà đen: 20%. Thị trường truyền thống của Phương Nam là Singapore, Đài Loan, Trung Đông… và nội tiêu. Tuy có những nỗ lực như thế, nhưng trong bối cảnh chung hiện nay, DNTN Phương Nam vẫn còn đó những khó khăn, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhất là “áp lực” cực mạnh về giá cả, nên sức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã giảm đi rõ rệt. Ông Phạm Đình Nguyên - Giám đốc DNTN Phương Nam, cho chúng tôi biết: “Trong bối cảnh chung, năm 2013 là năm cực khó. Chưa bao giờ gặp khó khăn như thế, DN tôi chỉ xuất khẩu được dưới 50% lượng chè so với mọi năm!”. Và, nói về khó khăn chung của ngành chè Việt Nam, ông Phạm Đình Nguyên cho biết, các nước trong khối EU là thị trường “khó tính”. Họ đòi hỏi tới 80 chỉ tiêu về chất lượng, nên chè Việt Nam không thể xuất sang các nước này được, mà chỉ phổ biến là xuất sang các nước Trung Quốc, Apganistan, Pakistan… Nguyên nhân là do còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Nếu không khắc phục, thì giá cả chè Việt Nam không thể xuất bán đúng với giá trị của nó được. Còn với Lâm Đồng, muốn áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP, thì mỗi vùng sản xuất nguyên liệu chè phải có ít nhất từ 30 ha trở lên. Nhưng thực tế, ở Lâm Đồng phổ biến là do sản xuất chè tự phát, diện tích phân tán, manh mún và nhỏ lẻ, nên vùng nguyên liệu chè rất khó áp dụng VietGAP.
Khi đang còn làm Giám đốc Công ty Vina Suzuki (Công ty Chè Nhật Bản đóng tại huyện Di Linh), ông Suzuki Tomoji trao đổi với chúng tôi: “Vina Suzuki là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất theo quy trình chè “sạch”, thân thiện với môi trường và theo tiêu chuẩn ORGANIC (quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không dùng bất cứ một loại hóa chất nào) để xuất khẩu chè sang nước Nhật. Bởi vì yêu cầu của người tiêu dùng nước Nhật rất cao, đòi hỏi phải đảm bảo yêu cầu 456 thành phần về tiêu chuẩn chất lượng”. Trước mắt, chúng ta chưa thể kỳ vọng sản xuất được sản phẩm chè “sạch” đạt chuẩn ORGANIC, nhưng vẫn có thể sản xuất được theo hướng “an toàn” GolobalGAP hoặc VietGAP. Trong tầm tay có thể, nhưng những người đã gắn với “nghiệp” chè tại sao không đồng lòng, mà cứ để ngành chè… “lênh đênh” mãi giữa… “bể dâu”.
Bùi Trưởng/ Báo Lâm Đồng
Không có nhận xét nào: