VINAGRI News - Xuất khẩu gạo chính ngạch của Việt Nam trong năm 2013 giảm mạnh so với năm 2012 nhưng xuất khẩu tiểu ngạch qua các cửa ngõ biên giới lại tăng mạnh.
ĐBSCL sắp bước vào thu hoạch vụ đông xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm. Ảnh minh họa: TC.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của cả năm 2013 chỉ đạt khoảng 6,6 triệu tấn, giảm đến hơn 1,1 triệu tấn so với cả năm 2012.
Từ đầu năm đến hết ngày 26-12, cả nước xuất khẩu được 6,446 triệu tấn gạo, thu về hơn 2,78 tỉ đô la Mỹ theo giá FOB. Theo kế hoạch của hiệp hội đặt ra hồi đầu tháng 12, xuất khẩu gạo của cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 6,6 triệu tấn.
Tuy nhiên, từ đầu tháng đến ngày 26-12, xuất khẩu gạo chỉ đạt hơn 303.000 tấn, thu về hơn 130 triệu đô la Mỹ tính theo giá FOB (giao hàng tại mạn tàu). Theo một chuyên gia về lúa gạo, chỉ với 5 ngày cuối cùng của năm 2013, khả năng các doanh nghiệp xuất khẩu thêm gần 200.000 tấn gạo để đạt kế hoạch 6,6 triệu tấn của cả năm 2013 hầu như là rất thấp.
Xuất khẩu gạo chính ngạch của năm 2013 mặc dù chưa đạt đến 6,6 triệu tấn, thấp hơn 1,1 triệu tấn so với năm 2012, nhưng xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc trong năm nay ước đạt từ 1,4 đến 1,6 triệu tấn, gấp 4 lần so với năm 2012.
Trong 11 tháng đầu năm 2013, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất, chiếm khoảng 32% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, tăng nhẹ so với năm ngoái. Tiếp theo là thị trường châu Phi, chiếm gần 30%, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
VFA nhận định xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Phi đã tăng trong thời gian qua tuy nhiên chưa thể bù đắp được thiếu nhu cầu từ các thị trường truyền thống trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia như các năm trước.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề một hội nghị về chuỗi giá trị lúa gạo ở TPHCM, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận xét xuất khẩu gạo tiểu ngạch chứa đựng nhiều vấn đề như phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng khu vực biên giới và chính sách của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, ách tắc hàng hóa thường xuyên xảy ra, gây nguy cơ cao đối với phẩm cấp và giá trị hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lâu nay phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch do thị trường này tương đối dễ dãi về chất lượng hàng hóa. Vì thế sản phẩm lúa gạo khó xây dựng thương hiệu.
Bộ Công Thương cũng cho biết chủ trương của bộ đối với hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới sẽ tiếp tục “bám” vào các đầu mối xuất khẩu của các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam như các nước nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, khuyến khích các thương nhân mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trao đổi với TBKTSG, đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo được phép xuất khẩu của Bộ Công Thương, cho biết họ không chọn kinh doanh qua lối tiểu ngạch vì rủi ro lớn, mà chỉ chọn đối tác lâu năm, xuất khẩu chính ngạch.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cho biết năm nay nhiều đối tác nhập khẩu lớn của Trung Quốc ngưng mua, thay vào đó là những thương nhân mới, nhập khẩu với số lượng ít hơn.
Chuyên trang lúa gạo Oryza thông tin giá chào gạo xuất khẩu loại cao cấp 5% tấm của Việt Nam hồi cuối tuần rồi dao động từ 405- 415 đô la mỹ/tấn, giảm ngang giá với gạo cùng phẩm cấp của Ấn Độ nhưng thấp hơn 25 đô la Mỹ/tấn so với gạo 5% của Thái Lan. Như vậy giá chào gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh khoảng 25 đô la Mỹ/tấn sau khi vượt Thái Lan hồi cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua.
Từ đầu năm đến nay, giá trung bình xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt 432 đô la Mỹ, giảm khoảng 5% so với giá của năm 2012.
Phạm Thái/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: