VINAGRI News - Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, không kể các nguồn vốn lồng ghép khác, từ đầu năm 2011 tới cuối năm 2013 ngân sách nhà nước (tỉnh và huyện) chỉ chi 12,24 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương trong tỉnh triển khai các dự án phát triển giống cây trồng - vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến có ứng dụng công nghệ cao, nhưng hàng ngàn hộ nông dân đã tự đầu tư bằng vốn tự có hoặc vốn tín dụng để nhân rộng các dự án và mô hình này sau khi đã kiểm chứng hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế trên diện tích xấp xỉ 35.000ha cây trồng (trong đó có 11.888ha rau đậu các loại, 2.415ha hoa, 14.835ha cà phê và 5.635ha chè chất lượng cao và chè năng suất cao). Cùng với cây trồng, Chương trình Nông nghiệp Công nghệ cao còn được bà con nông dân áp dụng cả với lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản mà nổi bật nhất là trong chăn nuôi bò sữa (tổng đàn bò sữa của tỉnh hiện là 6.271 con) và nuôi cá nước lạnh (hiện có 35 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó 17 doanh nghiệp đã đầu tư nuôi trên diện tích 40 ha và 184 lồng bè).
Lúa chất lượng cao mang thương hiệu Cát Tiên đang được tiêu thụ trên thị trường
Cái khó nhất của ngành nông nghiệp cũng như của các doanh nghiệp nông nghiệp địa phương thời gian qua là tìm kiếm thị trường cho nông sản sau thu hoạch, nhất là nông sản chất lượng cao. Từ thực tế hoạt động của Hiệp hội, ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho hay, cái khó mà người trồng hoa theo công nghệ cao ở Đà Lạt đang trăn trở là nguồn cây giống chất lượng cao và tiêu thụ hoa cao cấp. Theo ông Đường, trừ lượng hoa của các doanh nghiệp (chiếm khoảng 11% sản lượng hoa sản xuất hàng năm của tỉnh) được chủ yếu dùng cho xuất khẩu, thì gần 100% sản lượng hoa do nông dân thành phố sản xuất hàng năm đều đang được nội tiêu, trong đó 10% bán trực tiếp cho các nhà buôn, 20% bán cho các đại lý ở các thành phố lớn có thỏa thuận giá cả; trên dưới 70% gửi cho các vựa tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nhưng không được thỏa thuận giá cả “gần như quan hệ một chiều”. Sở dĩ có tình trạng này là vì “trên 90% sản lượng hoa thu hoạch của Đà Lạt “chưa được xử lý sau thu hoạch mà bó hoa như bó củi, và 90% được vận chuyển bằng xe tải thông thường… nên mặc dù được canh tác theo quy trình công nghệ cao nhưng khi tới tay người tiêu dùng thì chất lượng đã giảm sút, và cũng không còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”. Không chỉ với cây hoa, tình trạng này cũng tồn tại ở nhiều loại nông sản khác như rau, chè, cà phê… Khắc phục những tồn tại này, tại các vùng nông nghiệp công nghệ cao trọng điểm của tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã có vốn, kỹ thuật, khả năng mở rộng thị trường với các hộ nông dân để từng bước khép kín quy trình sản xuất nông sản theo hướng công nghệ cao từ khâu sản xuất - thu hoạch - chế biến và bảo quản sau thu hoạch tới tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX Anh Đào (Đà Lạt) cho biết, phương châm sản xuất - kinh doanh của HTX là “tìm đầu ra cho sản phẩm bằng việc thực hiện tốt yếu tố đầu vào, đó là sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”. Với phương châm này, HTX đã tiến hành thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng 8ha nhà lưới nhà kính, đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng khu chế biến nông sản và mua sắm xe chở nông sản chuyên dùng, xây dựng thương hiệu Rau hoa Anh Đào Đà Lạt, đồng thời tiến hành đầu tư liên kết với trên 60 lao động là người DTTS tại huyện Lạc Dương canh tác 28 ha rau thương phẩm theo hướng công nghệ cao. Bình quân mỗi năm HTX Anh Đào đã cung ứng cho các hệ thống siêu thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trên 7.000 tấn rau sạch và được Siêu thị Coop Mark đánh giá là “Nhà cung cấp tiềm năng”. Tại huyện Đức Trọng, Trang trại Phong Thúy sau khi được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) hỗ trợ cũng đã đầu tư nâng cấp khu vực sơ chế, đóng gói nông sản, tiến hành liên kết với nhiều hộ nông dân và các trang trại nhỏ trong vùng để sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu trên dưới 6.000 tấn rau sạch/năm sang thị trường Nhật Bản và Malaysia. Được biết, hiện nay các doanh nghiệp nông nghiệp có vốn đầu tư ngoài nước như Dalat Has Farm, Bonie Farm… cũng đang phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh theo hướng liên kết với hộ nông dân, mở ra hướng tiêu thụ bền vững lâu dài cho nông sản được sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. UBND tỉnh cho biết, những đơn vị đi đầu trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu (và cả nội tiêu cao cấp) để tiêu thụ nông sản sạch cho nông dân bằng hợp đồng kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua là Trang trại Phong Thúy, HTX Anh Đào, HTX Xuân Hương, HTX Thanh Nghĩa, HTX Tân Hội (với sản phẩm rau); Công ty Công nghệ Rừng Hoa (trên cây hoa); Công ty Phương Nam, Công ty Hai Yih (trên cây chè); Công ty Thái Hòa, Công ty Olam (với sản phẩm cà phê)…
Như vậy, thực tế đã cho thấy, việc tiêu thụ nông sản sản xuất theo hướng công nghệ cao chỉ có thể thực hiện được khi tăng nhanh được sản lượng xuất khẩu bằng việc liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX là những cơ sở có công nghệ, phương tiện chế biến và vận chuyển nông sản sau thu hoạch với nông dân.
Đức Hưng/ Báo Lâm Đồng
Không có nhận xét nào: