» » » Hỗ trợ nông dân phát triển cà phê bền vững

VINAGRI NewsTrong dịp hiếm hoi ông Huber Weber - Chủ tịch cà phê Toàn cầu của Mondelèz International đến Lâm Ðồng để thúc đẩy chương trình phát triển cà phê bền vững, Pv Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn ông về các hoạt động cụ thể của chương trình này. 
  
Ông Jean-Christophe Mani, Tổng Giám đốc ACOM và ông Huber Weber - Chủ tịch Cà phê Toàn cầu của Mondelèz International (từ trái sang) trao đổi với nông dân trồng cà phê đã được chương trình huấn luyện

Thưa ông, vì sao Tập đoàn cà phê Mondelèz International lại chọn Bảo Lộc - Lâm Đồng để khởi đầu cho chương trình phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam?

- Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Mondelèz International là công ty cà phê lớn thứ 2 trên thế giới với các thương hiệu nổi tiếng như: Jacobs, Carte Noire và Kenco. Công ty chúng tôi đã gặt hái thành công ở châu Âu, đang phát triển thị trường mới và có những thành công bước đầu tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Mục tiêu quan trọng trong kinh doanh cà phê của chúng tôi là đảm bảo cung ứng ổn định và bền vững. Chúng tôi quyết định bắt đầu từ Việt Nam trong hành trình thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững. Tôi đến Việt Nam cùng với các đồng nghiệp của tôi cách đây 2 năm trong một chuyến đi tham quan tìm hiểu về thị trường cũng như về nơi để thực hiện ý tưởng về phát triển ngành cà phê bền vững,  chúng tôi đã đến đây (Lâm Đồng - PV) và rất có ấn tượng tốt về nơi này. Vì  ở đây, chúng tôi thấy được sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với chương trình phát triển cà phê bền vững. 

Hành trình chúng tôi bắt đầu từ xã Lộc Nga - Bảo Lộc (Lâm Đồng), phát triển từ kết quả đạt được của Tập đoàn cung ứng cà phê ACOM (Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam - KCN Lộc Sơn, Bảo Lộc), xây dựng Trung tâm tập huấn trồng cà phê đầu tiên dành cho nông dân nhằm thúc đẩy hoạt động canh tác và kinh doanh cà phê bền vững tại Việt Nam. Trung tâm đào tạo này là bước quan trọng đầu tiên trong khuôn khổ chương trình phát triển bền vững của công ty có tên gọi Coffee Made Happy (Cà phê khởi nguồn hạnh phúc) với cam kết đầu tư tối thiểu 200 triệu USD để hỗ trợ 1 triệu nông dân trồng và kinh doanh cà phê từ nay tới năm 2020. 

Ông kỳ vọng gì vào dự án đầu tiên của chương trình phát triển cà phê bền vững “Coffee Made Happy”?

- Kỳ vọng của tôi là người nông dân sẽ tiếp cận với những kỹ thuật mới, áp dụng kỹ thuật tiến bộ đối với vườn cà phê của mình, mục tiêu là giảm chi phí đầu tư nhưng mà tăng sản lượng và đạt được sự gắn bó với cây cà phê lâu dài. Chúng tôi tập trung hỗ trợ nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ bởi họ cung ứng 80% sản lượng cà phê thế giới. Cùng với Hiệp hội 4C và nhà cung cấp ACOM, chương trình sẽ đào tạo 1.500 nông dân về thực hành nông nghiệp tốt giúp họ gia tăng sản lượng cà phê và nâng cao chất lượng hạt. Thông qua chương trình này, Mondelèz International đã cam kết đầu tư ít nhất 200 triệu USD làm lợi cho 1 triệu nông dân trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020. Các khoản đầu tư này sẽ giúp người nông dân có khả năng cung ứng khoảng 7.000 tấn cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn 4C. Chương trình này cũng góp phần cải thiện đời sống của khoảng 5.000 hộ gia đình trong cộng đồng nông dân trồng cà phê. Chương trình hướng trọng tâm tới thế hệ nông dân tiếp theo thông qua đào tạo thúc đẩy các kỹ năng, công cụ và phương pháp trồng trọt, kinh doanh cà phê, nâng cao năng lực và các chương trình cải thiện đời sống cho cộng đồng nông dân trồng cà phê.

Như vậy, tham gia chương trình cà phê bền vững của Tập đoàn Mondelèz International, người nông dân trồng cà phê sẽ trở thành những doanh nhân trồng cà phê?

- Mục đích của Coffee Made Happy là truyền cảm hứng, đổi mới và khuấy động cách thức tiến hành kinh doanh bền vững cho các công ty cà phê và người trồng cà phê. Đó là cách tiếp cận mới thể hiện những thông lệ và giá trị cốt lõi của Mondelèz International: Biến đổi công việc trồng trọt trở thành một nghề nghiệp hấp dẫn hơn. Chúng tôi sẽ tập huấn nông dân trồng cà phê thành những doanh nhân trồng cà phê tại Trung tâm tập huấn nông dân ở Lâm Đồng - là trung tâm tập huấn nông dân cà phê đầu tiên trong hệ thống của Tập đoàn Mondelèz International. Từ khởi đầu này, chúng tôi sẽ triển khai chương trình tập huấn và hỗ trợ nông dân cà phê trên khắp thế giới. Tại Lâm Đồng, chúng tôi mở đầu chương trình bằng việc mang lại niềm vui trồng cà phê cho 1.500 nông dân, xây dựng 6 mô hình điểm, hỗ trợ nông dân quản lý 3.000ha cà phê. Chúng tôi sẽ tập huấn cho nông dân cách canh tác và quản lý hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh cà phê của mình như những người kinh doanh cà phê thực thụ. Thông qua trao đổi, chia sẻ kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, chúng tôi sẽ trang bị cho họ những kỹ năng nhằm quản lý tốt vườn cây, đất đai và đạt hiệu quả cao trong thời gian dài. Theo đó, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn về canh tác nông nghiệp bền vững, quản lý và đổi mới trong kinh doanh, bao gồm: Quản lý nguồn tài nguyên đất, ủ phân, bón phân, tưới nước, quản lý dịch hại tổng hợp; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; các quy trình cấp chứng nhận, bao gồm 4C, UTZ Certifiel, Rainforest Alliance, bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động, các kỹ năng quản lý kinh doanh và tài chính cho các hộ sản xuất quy mô nhỏ, các kỹ năng sáng tạo, đổi mới. 

Thưa ông, bên cạnh việc hỗ trợ người nông dân trồng cà phê ở Việt Nam trở thành những doanh nhân thành công hơn thì Mondelèz International cũng sẽ đạt được gì trong mục tiêu hoạt động của mình?

- Công ty chúng tôi là một trong những khách hàng thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam. Vì thế quy mô hoạt động của công ty có thể tạo ra tác động lớn. Dự án đầu tư ở Việt Nam là giúp Mondelèz thực hiện mục tiêu phát triển nguồn cung cấp bền vững cho 100% lượng cà phê của công ty ở Tây Âu tới năm 2015. Hiện tại, công ty đã đi được hai phần ba quãng đường tiến tới mục tiêu trên. Cách đây 10 năm (đầu năm 2003), Mondelèz khu vực châu Âu đã mở rộng phạm vi hoạt động ra các thị trường Trung Âu và Đông Âu với trên 50% tổng lượng cà phê hạt của khu vực này đều có nguồn gốc bền vững. Trong 2 năm tới, công ty dự định đầu tư trên 1 triệu đô-la Mỹ ở Việt Nam và Indonesia để hỗ trợ các chương trình của Coffee Made Happy (ở Việt Nam), cùng với chương trình Cà phê bền vững của IDH (ở Indonesia) nhằm gia tăng lượng cà phê có nguồn gốc bền vững ở cả 2 quốc gia này. 

Cùng với các thương nhân cà phê tại cơ sở, Coffee Made Happy tiến hành đào tạo phát triển kỹ năng cho các hộ nông dân quy mô nhỏ. Chương trình Coffee Made Happy cũng phối hợp với cộng đồng và các tổ chức khác như Ecom và công ty thành viên là ACOM, Pronatur, 4C và Rainforest Alliance để nghiên cứu nhu cầu địa phương, giúp đỡ các nhà nông trẻ đạt được tiềm năng lớn nhất của mình. Hợp tác để nâng cao tầm nhìn và trọng tâm thương mại của hoạt động canh tác ở Việt Nam, Indonesia, Peru, Brazil, Honduras và các thị trường cà phê quan trọng khác, Mondelèz International đang có kế hoạch minh bạch hóa toàn bộ và phát triển bền vững toàn bộ chuỗi cung ứng “từ hạt cho tới cốc cà phê”.

Ông Trần Cao Độ (thứ ba từ phải sang) vinh dự được ông Huber Weber - Chủ tịch Cà phê Toàn cầu của Mondelèz International trao tặng Bằng khen nông dân sản xuất giỏi đóng góp tích cực trong chuỗi cung ứng cà phê bền vững ACOM

Huấn luyện rất nhiều kỹ năng thực hành nông nghiệp tốt

Ông Trần Cao Độ, ở thôn 11, xã Lộc An (huyện Bảo Lâm) là nông dân sản xuất giỏi, có những đóng góp tích cực trong chuỗi cung ứng cà phê bền vững ACOM, cho biết: “Tôi tham gia chương trình này được 3 năm, đã áp dụng thành công kỹ thuật được tập huấn từ Trung tâm trên trang trại của mình có diện tích 2,6 ha. Điều quan trọng nhất tôi cảm nhận được là chi phí thấp nhưng sản lượng cà phê vẫn giữ được. Trước đây, chúng tôi hiểu về khái niệm “bền vững” rất mơ hồ, nhưng sau này chúng tôi mới biết được rằng: À, “bền vững” là phải có cây che bóng cho cà phê, rồi con phải đến trường, rồi bảo vệ môi trường, rồi công tác xã hội… rất là nhiều thứ. Chương trình giúp nông dân chúng tôi ghi nhật ký nông hộ, thực hành nông nghiệp tốt. Họ đã huấn luyện cho nông dân chúng tôi rất nhiều kỹ năng để thực hành nông nghiệp tốt, chính vì vậy mà chi phí giảm đi rất nhiều. Trước đây nông dân chúng tôi cứ nghĩ sao làm vậy thôi, muốn bón phân kiểu gì thì bón, chả biết cách gì cả! Bây giờ chúng tôi đã hạch toán được thu chi, chúng tôi biết được sản xuất ra 1 kg cà phê bao nhiều tiền và lợi nhuận bao nhiêu. Ví dụ: Năm 2010 nhà tôi đã tự ghi chép và thấy được rằng sản xuất ra 1 kg cà phê khoảng vào 14.700 đồng và năm sau do giá cà phê, giá phân bón và nhân công tăng nên chi phí sản xuất ra 1 kg cà phê hết 16.500 đồng”.   

Diệu Hiền/ Báo Lâm Đồng (thực hiện)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: