VINAGRI News - Mía là một trong những cây trồng chủ lực ở Hậu Giang, là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ dân trong tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, thu nhập của người trồng mía không ổn định do ảnh hưởng của kỹ thuật canh tác và giá cả thị trường. Chính vì vậy, cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao lợi nhuận, góp phần ổn định cuộc sống cho người trồng mía.
Với yêu cầu làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người trồng mía, nên đề tài “Ứng dụng hệ thống hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp (DSSAT) để tăng năng suất và chất lượng mía ở Hậu Giang” do Tiến sĩ Trần Văn Dũng, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm được triển khai thực hiện nhằm tìm ra hướng đi mới cho bà con nông dân. Từ đó, không chỉ góp phần giữ vững diện tích trồng mía, mà còn không ngừng phát triển đời sống kinh tế cho người dân địa phương. Vì vậy, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu đánh giá hiện trạng trồng mía ở Hậu Giang. Đồng thời, xác định các yếu tố kỹ thuật và môi trường làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng mía thời gian qua. Trên cơ sở đó, tìm ra giải pháp tối ưu để cải thiện năng suất và chất lượng cây mía, giúp bà con nông dân ổn định thu nhập.
Trồng mía với mật độ từ 4-8 hom/m2, tưới nước và bón phân hợp lý sẽ cho năng suất cao hơn trước.
Qua tìm hiểu của nhóm nghiên cứu cho thấy, giống mía ROC 16 là giống mía được nhiều nông dân ưu chuộng và mật độ trồng phổ biến của bà con là 4 hom/m2. Trong thời gian trồng mía, một số hộ dân đã ít sử dụng phân kali và phân hữu cơ để bón cho mía. Song song đó, số lần tưới nước và lượng nước tưới ở đầu vụ cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của cây mía. Do đó, ảnh hưởng đến năng suất mía. Vì vậy, để giúp người dân cải thiện được tình trạng trên, nhóm nghiên cứu đã trồng thử nghiệm giống mía ROC 16, với mật độ 6 hom/m2. Đồng thời, tăng cường lượng nước tưới vào đầu vụ, sử dụng phân hữu cơ để bón cho rẫy mía. Bởi vì, phân hữu cơ có khả năng cải tạo độ phì nhiêu và tăng độ pH của đất. Ngoài ra, phân đạm, lân, kali có vai trò quan trọng quyết định đến chiều cao, mật độ cây, trọng lượng thân và năng suất mía. Vì vậy, khi bón phân hợp lý sẽ giúp mía phát triển tốt và thu được năng suất cao. Cụ thể, năng suất mía trồng theo phương pháp truyền thống của nông dân chỉ khoảng 140 tấn/ha, còn khi áp dụng phương pháp của nhóm nghiên cứu, năng suất đạt khoảng 187 tấn/ha. Cho nên, người trồng mía hết sức phấn khởi. Như vậy, năng suất và chất lượng mía trên địa bàn tỉnh có nhiều khả năng được nâng cao hơn nữa, nếu các điều kiện kỹ thuật canh tác được cải thiện và phân bón được sử dụng hợp lý hơn.
Tại hội đồng nghiệm thu đề tài, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Sơn, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, nhóm nghiên cứu đã chứng minh được sự ảnh hưởng của mật độ trồng, lượng nước tưới đầu vụ đến năng suất mía. Qua nghiên cứu cho thấy, nếu mía được trồng với mật độ từ 4-8 hom/m2, lượng nước tưới đầu vụ được tưới 10 ngày/lần và tưới 14 lần đều nhau sẽ cung cấp đủ nước giúp tăng năng suất mía đáng kể so với thời gian trước. Khi thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp điều tra hiện trạng sản xuất và yếu tố hạn chế trong canh tác mía để tìm ra giải pháp cải thiện. Nhìn chung, các phương pháp nghiên cứu được trình bày một cách chi tiết, số liệu được kiểm định thống kê nên có độ chính xác cao. Vì vậy, đề tài đã mở ra hướng mới nhằm giúp người dân thu được năng suất, chất lượng cao trong quá trình trồng mía.
Theo tiến sĩ Cao Văn Phụng, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, các số liệu được nhóm nghiên cứu khảo sát để ứng dụng trong nghiên cứu bao gồm các thông số về đặc tính giống, kỹ thuật canh tác, thời vụ, đặc tính đất đai và khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất, nên đề tài có tính thực tiễn cao. Vì vậy, khi triển khai ra thực tế sẽ giúp nông dân thu được năng suất và chất lượng mía cao hơn. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững…
Bài, ảnh: Bích Châu/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: