» » » Giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản

VINAGRI NewsSản xuất nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh Hậu Giang, tuy nhiên hiện nay, khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản có thể nói là vẫn còn “lép vế” trên thị trường. Vậy cần có giải pháp gì để tiếp sức cho hàng hóa nông sản chủ lực?

Đây cũng là câu hỏi đặt ra trong buổi Hội thảo Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển với chủ đề “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản”.

Thực trạng nông sản chủ lực Hậu Giang

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, sau 10 năm thành lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 7,79%/năm. Đây là mức tăng trưởng khá cao. Tỉnh đã xây dựng được các vùng chuyên canh nguyên liệu với quy mô khá lớn, đáp ứng yêu cầu nội địa và xuất khẩu như vùng lúa chất lượng cao có diện tích 82.000ha, mía 14.000ha, khóm 1.500ha, vùng cây ăn trái đặc sản 2.500ha và vùng nuôi trồng thủy sản 1.500ha…

Cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực.

Hiện nay, Hậu Giang đã xây dựng được kế hoạch phát triển 10 loại nông sản chủ lực của tỉnh. Xét ở góc độ so sánh vùng, thực tế cho thấy một số sản phẩm chủ lực của Hậu Giang cũng được các địa phương khác chọn làm sản phẩm chủ lực. Vì vậy, hàng hóa nông sản của Hậu Giang khó vượt rào cản cạnh tranh. Mặt khác, theo nhiều ngành chức năng thì các sản phẩm, như: bưởi Năm Roi, khóm Cầu Đúc, quít đường Long Trị, cá thát lát, cá rô đầu vuông, lúa… chưa khẳng định được giá trị của mình trên thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến giá trị hàng nông sản thấp là do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá cả bấp bênh, kết cấu hạ tầng yếu kém, vùng chuyên canh chưa đồng bộ…”.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển từng loại cây trồng, vật nuôi còn khá chậm chạp. Tình trạng này dẫn đến lúc “thừa hàng dội chợ”, lúc “cung chẳng đủ cầu”. Chính vì thế, thời gian qua việc khẳng định vị thế nông sản hàng hóa của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng và năng lực cạnh tranh. Chỉ trong vòng 3 năm (2010-2013), sự thay đổi về diện tích ở một số loại cây trồng, vật nuôi đáng báo động, như: bưởi Năm Roi giảm từ 3.000ha xuống còn 1.600ha, khóm Cầu Đúc giảm từ 2.500ha xuống còn 1.500ha, riêng cá rô Hậu Giang còn khoảng hơn 100ha… Cá thát lát cườm hiện đang giữ nguyên diện tích nuôi nhưng giá cả lên xuống thất thường nên bà con chưa mạnh dạn đầu tư.

Đầu tư có chiều sâu, hướng tới liên kết vùng

Đến thời điểm này, một số loại đặc sản của tỉnh cũng khẳng định được vị thế và bước đầu tạo thành thương hiệu được thị trường biết đến như bưởi Năm Roi, khóm Cầu Đúc, quít đường Long Trị... Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp Hậu Giang cần tiến hành đầu tư theo chiều sâu và tập trung tạo bước đột phá mới. Tuy nhiên, cũng cần đặt ra yêu cầu cho Hậu Giang là phải vừa nâng cao năng lực cạnh tranh từ “thế yếu” (nhỏ về quy mô, sản lượng) sang đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng bằng hàm lượng chất xám, quy hoạch kết nối sản xuất gắn với thị trường. Đồng thời phải hướng đến cạnh tranh liên kết bằng cách tăng cường liên kết vùng.

Xác định công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm được xem là mũi nhọn và giữ vai trò chủ yếu trong cơ cấu giá trị công nghiệp của tỉnh. Vấn đề quan trọng là phải biến thế mạnh nông nghiệp đang có thành điểm mạnh để tiến lên bậc thang trong phân khúc với giá trị gia tăng cao hơn. Để làm được điều này phải dựa vào khoa học công nghệ, lấy khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: “Cần tăng cường hợp tác khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Qua đó lựa chọn công nghệ tiên tiến và phù hợp để áp dụng tại địa phương. Ngoài việc nâng chất lượng hàng hóa nông sản, cũng cần chú ý đến việc tạo thương hiệu”.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cũng chỉ ra hướng đi mới: “Từ khi Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu đi vào hoạt động đã cho thấy nền tảng kinh tế của vùng không chỉ ở nông nghiệp lúa gạo mà còn tận dụng tài nguyên gió, biển, thương mại, dầu khí để phát triển”. Điều này khẳng định trong phát triển kinh tế cần chú trọng tính đa dạng và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, hướng đến liên kết vùng. Có như vậy mới nâng cao giá trị nông sản làm ra, từng bước sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tóm lại, để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản, ngành nông nghiệp Hậu Giang cần sản xuất theo hướng liên kết các địa phương và tập trung vào ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, để làm được điều đó, đầu tư cơ sở hạ tầng là vấn đề đáng lưu tâm, trong đó việc tận dụng lợi thế lớn nhất của Hậu Giang là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Bài, ảnh: Kim Điều/ Báo Hậu Giang

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: