VINAGRI News - Số lượng hợp đồng bán gạo tập trung cho các nước liên tục giảm, đã kéo giá bán gạo giảm theo.
Đây là lý giải của ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Tổng kế hoạt động 2013 và phương hướng 2014 của VFA tại TPHCM. Ông Bảy đã nói rõ về những thuận lợi, khó khăn của xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong năm nay.
Ông Phạm Văn Bảy. Ảnh: Ngọc Hùng
Trong hội nghị hôm nay, đã có một số doanh nghiệp kiến nghị không cho các doanh nghiệp chào bán gạo vào các thị trường tập trung, thay vào đó, chỉ những doanh nghiệp nào được chỉ định mới được đàm phán hợp đồng vào những thị trường này. Vì sao doanh nghiệp có kiến nghị này, thưa ông?
-Theo nghị định 109/2010/NĐ-CP, trong thời gian hai chính phủ đàm phán về mua, bán gạo ở cấp chính phủ thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo không được tìm kiếm hợp đồng mua bán gạo ở thị trường này. Còn sau đó, doanh nghiệp được tự do tìm kiếm hợp đồng mua bán gạo với các doanh nghiệp nhập khẩu nước đó.
Thị trường tâp trung được hiểu là thị trường mà ở đó hai chính phủ trực tiếp đàm phán mua bán gạo lẫn nhau, sau khi thống nhất giá cả, chính phủ hai nước sẽ chỉ định một vài doanh nghiệp đứng ra thực hiện hợp đồng mua bán. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp được chỉ định cùng chính phủ tham gia đàm phán hợp đồng tập trung chỉ được nhận 20% số lượng gạo theo giá trị hợp đồng, còn 80% sẽ phân bổ về cho các doanh nghiệp khác.
Ví dụ, nếu Việt Nam và một nước A nào đó có hợp đồng tập trung trong năm 2014 là 2 triệu tấn gạo, doanh nghiệp tham gia đàm bán cùng chính phủ chỉ được xuất vào thị trường này 400.000 tấn (20% giá trị hợp đồng), còn lại để cho các doanh nghiệp khác.
Tại sao Chính phủ đàm phán bán gạo cho thị trường tập trung lại quan trọng?
- Vì trong những năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp cùng chào bán vào thị trường tập trung và để có hợp đồng các doanh nghiệp cạnh tranh giá bán với nhau.
Một lý do khác là trong những năm qua, chính giá bán gạo vào thị trường tập trung sẽ tác động đến giá bán gạo ở các hợp đồng thương mại.
Trước đây, thị trường tập trung chiếm khoảng 50% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam nhưng trong năm 2013 lượng gạo xuất khẩu vào các thị trường tập trung chỉ còn 14%. Đây cũng là một lý do khiến giá bán gạo của Việt Nam trong thời gian qua cũng giảm theo.
Có cách nào khác để thay đổi điều này?
- Lâu nay, thị trường tập trung của Việt Nam chủ yếu là các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) như Philippines, Malaysia, Indonesia. Tuy nhiên, trong năm 2013, Indonesia không có một đàm phán nào để mua gạo từ Việt Nam ở cấp độ chính phủ mà chỉ tập trung vào hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp với nhau. Nhiều khả năng, nước này quay lại đàm phám mua gạo ở cấp chính phủ vào khoảng tháng 7-2014.
Để bù đắp sự thiếu hụt ở những thị trường ASEAN, Việt Nam đang đàm phán với một số nước ở châu Phi, châu Mỹ ở cấp chính phủ. Hy vọng, những thị trường tập trung này sẽ bù đắp lại phần giảm sút ở thị trường ASEAN.
Đó là những vấn đề của thị trường tập trung, còn trên tổng thể thị trường xuất khẩu gạo năm 2014 sẽ như thế nào?
- Hiện Thái Lan đang tìm mọi cách bán ra một lượng gạo lớn để xả hàng tồn kho. Vì thế, thời gian qua giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan khoảng 30 đô la Mỹ/tấn.
Dự báo sản lượng gạo của quốc gia này trong vụ mùa 2013-2014 đạt 20 - 21 triệu tấn, tăng 1-2%, và mức tồn kho có thể tăng lên 20 triệu tấn. Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 8,5 triệu tấn trong năm 2014, tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2013.
Bên cạnh đó, Ấn Độ có kế hoạch bán ra thị trường khoảng 10 triệu tấn, cao hơn 400.000 tấn so với năm trước. Còn Pakistan là 3 triệu tấn và Myanmar là 750.000 tấn. Vì thế, xét trên khía cạnh tranh canh giữa các quốc gia thì Thái Lan sẽ là đối thủ chính trong năm nay của Việt Nam.
Tóm lại, năm 2014 sẽ là một năm khó khăn cho các quốc gia xuất khẩu gạo vì nguồn cung đang dư thừa, buộc các nước cạnh tranh với nhau, đặc biệt là cạnh tranh về giá để tìm kiếm thị trường.
Điều này đồng nghĩa với việc giá lúa gạo trên thị trường nội địa khó được giá cao, nhất là vào thời điểm thu hoạch lúc cao điểm.
Thường mỗi năm chúng ta đều có kế hoạch tạm trữ lúa gạo vào vụ đông xuân và hè thu để tránh giá lúa trên thị trường xuống quá thấp vào thời điểm thu hoạch cao điểm. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có những tranh luận xung quanh vấn đề là có nên bỏ hay tiếp tục mua tạm trữ lúa gạo vào mỗi vụ. Ý kiến của VFA như thế nào?
Về vấn đề tạm trữ, VFA đợi thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT). Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, Bộ NN – PTNT, Bộ Công Thương hay Ban điều hành xuất khẩu gạo sẽ có những giải pháp để người dân trồng lúa có lãi sau mỗi vụ.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,61 triệu tấn gạo, thu về 2,95 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,4% về lượng và 19,7% về giá trị so với năm 2012. Trong khi đó, Ấn Độ đã xuất khẩu được 9,6 triệu tấn, còn Thái Lan là 6,8 triệu tấn. Như vậy, Việt Nam trở thành nước đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng của năm nay là 441,2 đô la Mỹ/tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ.
Ngọc Hùng/ TBKTSG thực hiện
Không có nhận xét nào: