VINAGRI News - Năm 2013 là một năm khó khăn của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế. Và mặc dù xuất khẩu được đánh giá là điểm sáng của bức tranh kinh tế 2013 song xuất khẩu gạo lại sụt giảm mạnh mẽ. Số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2013, xuất khẩu gạo đã giảm cả lượng và chất.
Năm 2013, xuất khẩu gạo giảm - Ảnh: Hoàng Long
Sụt giảm nhiều thị trường
Cụ thể, theo thống kê của Bộ NN& PTNT, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2013 ước đạt 6,61 triệu tấn, với tổng giá trị là 2,95 tỷ USD, giảm 17,4% về khối lượng và giảm 19,7% về giá trị so với năm 2012.
Theo Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu trung bình 11 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt mức 441,2 USD/tấn, con số này đã giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2013 là do sự giảm mạnh về nhu cầu từ các thị trường truyền thống như Malaysia, Philippines và Indonesia. Sự sụt giảm mạnh nhất được ghi nhận tại thị trường Indonesia khi quốc gia này tụt xuống vị trí thứ 7 về nhập khẩu gạo từ Việt Nam so với vị trí thứ 3 năm 2012. Tương tự, Philippines giảm từ vị trí nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam năm 2012 xuống vị trí thứ 5 năm 2013. Malaysia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam. Song, khối lượng gạo xuất vào quốc gia này cũng sụt giảm trông thấy khi chỉ đạt 453.240 tấn, với trị giá 225,5 triệu USD trong 11 tháng đầu năm. Như vậy, giảm 39,05% về khối lượng và giảm 42,49% về giá trị so với năm 2012.
Khó có "cửa vào” Nhật Bản
Mặc dù là nước có vị trí địa lý không quá xa Việt Nam, cũng là nước nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, song riêng đối với ngành lúa gạo, Việt Nam khó có "cửa” nào có thể đặt chân được vào đất nước Mặt trời mọc này.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Tham tán Công sứ Việt Nam tại Nhật Bản, không ở đâu có chế độ bảo hộ nông sản, đặc biệt là hạt gạo nghiêm khắc như ở quốc gia này.
Trong 50 năm qua, chính sách bảo hộ gạo của Nhật Bản khiến cho hiếm có gạo của một nước nào có thể đặt chân được vào đất nước này. Ông Dũng đưa ra dẫn chứng: Trung bình một năm Nhật Bản tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn gạo, nhưng Chính phủ Nhật chỉ cho phép nhập khẩu 770.000 tấn. Số gạo nhập này được thực hiện theo phương pháp đấu thầu. Điều này cũng có nghĩa, "cửa” nhập khẩu vẫn được mở nhưng là mở hẹp. Và với phương án qua đấu thầu mới được nhập khẩu vào nước này, theo ông Dũng, "cửa” dành cho gạo Việt Nam vào Nhật Bản là không có.
Hai lần hạ mục tiêu xuất khẩu
Nhìn bao quát, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Khối lượng gạo Việt Nam xuất sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, đạt trên 2 triệu tấn với giá trị đạt 849,36 triệu USD, chiếm 30,93% tổng kim ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng lần lượt là 6,22% và 2,74%.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên ẩn chứa nhiều rủi ro. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang biên giới phía Bắc chiếm 1.200.000 tấn.
Việc xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch được giới chuyên gia trong ngành đưa ra khuyến nghị, tuy có thể đẩy được giá gạo lên và giúp nông dân tiêu thụ được lúa gạo, song sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến lượng gạo xuất khẩu chính ngạch.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tiêu thụ lúa, gạo cho người nông dân sản xuất lúa, cuối tháng 5 năm 2013, Bộ Công Thương đã đồng ý thực hiện thí điểm xuất khẩu gạo qua một số khu vực biên giới thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai trên nguyên tắc thương nhân xuất khẩu phải đảm bảo các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định và đảm bảo điều kiện hạ tầng cũng như thực hiện công tác quản lý cần thiết phục vụ xuất khẩu để không ảnh hưởng đến việc giao hàng và chất lượng hàng hóa.
Tuy nhiên, bản thân Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận về những rủi ro ẩn chứa trong việc xuất khẩu qua con đường này khi ông cho rằng: Sự xuống cấp về chất lượng, quá tải, ách tắc trong bảo quản, vận chuyển, nguy cơ bị ép giá và rủi ro thanh toán... Bên cạnh đó, theo VFA, xuất khẩu bằng con đường này cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của hạt gạo Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy, khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng không chỉ các lĩnh vực kinh tế trong nước mà ngay cả hạt gạo, một trong những thế mạnh của Việt Nam cũng đã gặp không ít thăng trầm. Và mục tiêu xuất khẩu gạo đã không ít lần bị điều chỉnh giảm trong năm nay. Trước đó, ngày 11-11, VFA đã phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2013 xuống 6,7 triệu tấn, giảm 11% so với kế hoạch ban đầu (khoảng 7,5 triệu tấn). Lần điều chỉnh này là lần điều chỉnh thứ 2 của VFA trong năm 2013 đối với việc hạ mục tiêu xuất khẩu gạo.
Và chắc chắn những khó khăn này sẽ chưa thể dừng lại, vẫn còn tiếp diễn sang cả năm 2014.
Xác định được những khó khăn này, VFA cho biết: Để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2014, VFA đã chỉ đạo các DN xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo nhằm bảo đảm nguồn hàng chất lượng tốt, nhất là những giống lúa thơm mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, tổ chức này cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập quỹ hỗ trợ cho các mô hình liên kết và DN xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới cũng là điều cần phải nỗ lực hơn nữa đối với không chỉ các nhà làm quản lý mà cả các DN xuất khẩu gạo trong năm 2014 sắp tới.
Duy Phương/ Báo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào: