VINAGRI News - Mặc dù đang vào thời kỳ khai thác mủ, nhưng hiện nay nhiều vườn cao su ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức, Đăk Nông) đã bị rụng lá, xơ xác, năng suất rất thấp.
Ảnh minh họa
Theo ông Đặng Văn Cương, Phó Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Tuy Đức thì trên địa bàn huyện hiện có khoảng 187 ha cao su, chủ yếu ở Đắk Búk So, do nông dân trồng và đang trong thời kỳ khai thác, nhưng năng suất rất thấp, chỉ đạt khoảng từ 5-7,3 tạ mủ/ha/năm, thậm chí có vườn dưới 4 tạ/ha/năm.
Nguyên nhân là do đa số các vườn cao su trồng ở những vùng đất có độ cao từ 700 – 800 m so với mực nước biển, nhiệt độ thấp, chất đất không phù hợp, sức gió mạnh nên dẫn đến lượng mủ ít, chất lượng mủ kém. Không những vậy, cao su còn thường bị bệnh phấn trắng, trong quá trình khai thác mủ thường bị loét miệng cạo dẫn tới cây dễ bị suy thoái.
Hầu hết các vườn cao su trên địa bàn xã Đắk Búk So được nông dân trồng từ 8-9 năm mới cho khai thác, nhưng phải đầu tư tới 60-80 triệu đồng/ha, gồm tiền mua cây giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh và công chăm sóc. Do năng suất thấp, cộng với giá mủ cao su từ đầu năm đến nay giảm mạnh, có thời điểm chỉ 14.000 - 15.000 đồng/kg, nên chỉ huề vốn hoặc lỗ.
Hiện nay, trên địa bàn xã Đắk Búk So còn có Công ty Cổ phần cao su Daknoruco (Đắk Mil) cũng tham gia trồng cao su, nhưng năng suất cũng rất thấp.
Anh Dương Văn Định, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 1, Đội sản xuất Tuy Đức, thuộc công ty cho biết: “Trên địa bàn huyện Tuy Đức, công ty đang có trên 500 ha cao su, trong đó, diện tích khai thác của tổ 1, ở địa bàn xã Đắk Búk So là 180 ha. Thế nhưng, hiện nay, có 130 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, nhưng năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 8 tạ/ha, chất lượng mủ cũng kém, lỏng chứ không đặc như trồng ở các vùng khác. Với giá mủ cao su hiện nay thì chỉ đủ trả lương cho công nhân chứ không có lời”.
So sánh về chất lượng vườn cao su trồng ở Đắk Búk So với các địa phương khác, anh Ngô Văn Hợp, Đội trưởng Đội bảo vệ Công ty Cổ phần cao su Daknoruco cho biết: “Cũng chất lượng cây giống cao su và đầu tư chăm sóc như nhau, nhưng trồng ở các vùng khác thì năng suất hơn hẳn. Cao su đạt năng suất mủ cao phải từ 2,5-3 tấn mủ/ha/năm mà nếu thấp cũng khoảng 1 tấn/ha/năm. Vậy mà cao su ở Đắk Búk So thì chất lượng cây quá kém, thân nhỏ và năng suất mủ còn thấp hơn. Công ty cũng đã tìm hiểu nguyên nhân và thấy chủ yếu do chất đất kém, không phù hợp với cây cao su, gió mạnh... Hiện nay, mới đầu mùa khô, nhưng cây đã rụng gần hết lá, trông tiêu điều nên làm ảnh hưởng đến chất lượng mủ”.
Qua tìm hiểu được biết, thực tế, trước đây, UBND huyện, các cơ quan chuyên môn cũng đã từng khuyến cáo nông dân không nên trồng cao su ở những vùng đất không phù hợp, trong đó có xã Đắk Búk So. Thế nhưng, vẫn có những hộ dân đã không nghe theo lời khuyến cáo mà vẫn cứ cố tình trồng và kết quả hiện nay đã thấy rõ, một diện tích lớn cao su đã lâm vào tình trạng năng suất, chất lượng kém.
Đây thực sự là bài học kinh nghiệm cho huyện, xã cũng như nông dân trong việc sản xuất, bố trí cây trồng cho phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Sau khi thấy những hộ trồng trước không hiệu quả thì hiện nay nông dân cũng hạn chế trồng cao su ở những vùng mà huyện đã khuyến cáo. Huyện có kế hoạch phát triển cao su ở những vùng có độ cao từ dưới 600 m so với mực nước biển và luôn khuyến cáo người dân không nên trồng ở độ cao trên 700 m. Đối với vùng Đắk Búk So, huyện đang khuyến khích nông dân trồng cây mắc ca vào những vườn cao su kém chất lượng để có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thanh Nga/ Báo Đăk Nông
Không có nhận xét nào: