VINAGRI News - “Ngày xưa, tôi suy nghĩ ấu trĩ, tôi ước mơ muốn có thị trường 200 triệu USD như Thái Lan, nhưng nay tôi nghe con số nhập mấy trăm triệu USD thuốc trừ sâu, tôi giựt mình vì thấy nó đe doạ đến môi trường”, ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cho biết.
Xu hướng quay trở lại với nền nông nghiệp hữu cơ, với việc tăng cường sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học (chế phẩm sinh học) thân thiện với môi trường, đặc biệt không độc hại đến sức khoẻ người sử dụng. Ảnh: tstcantho.com.vn
Con số tử thần
Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam vừa công bố những tiến bộ từ chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường: từ 35.000 – 37.000 tấn thuốc trừ sâu bệnh/năm (trước năm 2006) và tăng gấp ba lần vào năm 2008 (110.000 tấn). Theo tính toán của các chuyên gia, tại Việt Nam, lượng bao bì thuốc BVTV chiếm 14,86%, riêng lượng thuốc bám dính bao bì từ 1,85% – 2%, tương đương 195 tấn thuốc BVTV. Theo một nghiên cứu của trường đại học An Giang, năm 2010, tỉnh An Giang sử dụng 5.693 tấn thuốc BVTV, trong đó phần lớn rác thải vứt ngoài đồng, thả xuống sông rạch hoặc đốt.
TS Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng cục BVTV, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết Quốc hội đã thông qua luật BVTV, trong đó tại điều 75 có quy định phải thu gom bao bì sau khi sử dụng thuốc BVTV. “Theo luật BVTV, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV phải có trách nhiệm đóng góp bằng 2% tổng doanh thu thuốc BVTV. Nếu sử dụng 70.000 tấn nông dược/ năm, thì 10% là bao bì, tương đương 7.000 tấn, tiêu huỷ mất 200 tỉ đồng, thực ra thu 2% cũng chỉ đủ để tiêu huỷ bao bì. Viện Môi trường nông nghiệp sẽ nghiên cứu công nghệ tiêu huỷ, nhưng các doanh nghiệp cũng phải tính toán để bao bì đựng thuốc BVTV dễ thu gom, dễ xử lý, tái sử dụng, tái chế”, TS Hồng cho biết.
Theo ông Hồ Minh Chiến, giám đốc trung tâm BVTV phía Nam, từ khi có nhiều giống nhiễm rầy, như vàng lùn – lùn xoắn lá, lượng thuốc BVTV tăng rất cao so với năm 1992. Năm 2008, các doanh nghiệp chi 150 triệu USD để nhập thuốc BVTV. ThS Lê Quốc Cường, phó giám đốc trung tâm BVTV phía Nam, nói rằng ý thức bảo vệ môi trường từ cộng đồng trong thời gian qua vẫn còn thấp do sử dụng thuốc BVTV không đúng cách.
Tiêu huỷ cũng không đơn giản
Được AGPPS tài trợ từ tháng 9.2012, chương trình Cùng nông dân bảo bệ môi trường đã xây dựng mô hình ở các xã nông thôn mới thuộc 13 tỉnh/thành, trong đó có 200.000 nông dân được tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường và biết cách đo chỉ số tác động môi trường. Thực hiện chương trình này, tất cả các bao bì thuốc BVTV được thu gom từ các địa phương phải chuyển về nhà máy Holcim ở Kiên Lương và một điểm khác ở tỉnh Long An, bởi vì, chỉ có ở đây mới đủ tiêu chuẩn kiểm soát khí thải ra môi trường.
ThS Cường cho biết số lượng vỏ bao thu gom được ở 11 tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ tính đến tháng 10.2013 là trên 22.897kg, chưa kể 6.887kg thuốc bị cảnh sát môi trường phát hiện sai phạm, thu gom chờ tiêu huỷ. Tại tỉnh An Giang, chỉ riêng kinh phí để tiêu huỷ rác thải thuốc BVTV đã lên đến 15 tỉ đồng. Theo lãnh đạo chi cục BVTV tỉnh Sóc Trăng, khi bàn về kinh phí xử lý rác thải của thuốc BVTV, chỉ có AGPPS tình nguyện, trong khi các công ty khác nói họ đã làm nghĩa vụ hết rồi, Chính phủ phải xuất tiền để xử lý rác thải của thuốc BVTV.
Ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch hội đồng quản trị AGPPS, kể TS Võ Mai từng hỏi ông: “Anh Thòn đang bán thuốc trừ sâu mà ủng hộ chương trình này, lạ chưa? “ và ông Thòn trả lời: “Đâu có gì lạ. 13 năm trước, AGPPS đã từng có nhiều cuộc tranh luận rằng có nên làm nữa hay dừng khi bàn về ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đến môi trường”. Ông Thòn cho biết nếu gạo có dư lượng thuốc BVTV thì giá không thể cao hơn những sản phẩm gạo không có dư lượng thuốc, chẳng hạn như: sản phẩm gạo mầm Vibigaba có giá cao gấp năm lần so với gạo bình thường và sản phẩm sau gạo là phần lãi cao hơn, chứ không phải kiếm lời từ việc bán thuốc trừ sâu. Do đó, ông Thòn cũng cho biết AGPPS vừa cho khởi công xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ và những hoạt chất đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Hoàng Lan/ Báo SGTT
Không có nhận xét nào: