» » San mặt ruộng bằng tia Laser, năng suất lúa tăng 28%

VINAGRI NewsRuộng được san bằng tia laser giúp giảm chi phí về: giống 37%, làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng 67%, bơm nước 62%.


Gần đây, việc nhiều nông dân An Giang bắt đầu chuyển hướng, chọn giải pháp tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm tiếp tục tạo ra bước tiến mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó, việc ứng dụng kỹ thuật san bằng mặt ruộng bằng tia laser mà ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà thực hiện đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của những người nông dân chân đất góp phần vào kỳ tích chung của vựa lúa.

Ông Nguyễn Lợi Đức

Bên cánh đồng lúa hơn 30 ha xanh mướt mắt trong vụ đông xuân 2013-2014, ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn đã không giấu được sự vui mừng khi việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp việc sản xuất lúa của gia đình ông ngày càng thuận lợi.

Năm 2006, Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp thuộc Trường Đại học Nông Lâm TPHCM phối hợp Cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện thí điểm kỹ thuật san bằng mặt ruộng bằng tia laser trên một số diện tích trong chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Kết quả đem lại rất khả quan trên đồng ruộng An Giang.

Năm sau, được sự giúp đỡ của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Lợi Đức đã được cho mượn bộ điều khiển laser để áp dụng thử trên đồng ruộng. Sau đó, ông đã tiếp cận kỹ thuật sử dụng, đầu tư thêm gàu sàn, lại có sẵn máy kéo nên chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã thuần thục. Sau hơn 1 năm nữa, trên 50 ha đất của ông Đức đã áp dụng san bằng mặt ruộng bằng kỹ thuật tia laser với kết quả ngoài mong đợi.

Nhờ thiết bị này mà mỗi vụ, ông Đức giảm chi phí sản xuất 1 triệu đồng/ha. Theo tính toán của ông Đức, khi sử dụng bộ thiết bị san bằng mặt ruộng sẽ giúp nông dân giảm chi phí bơm nước, giúp năng suất tăng lên từ 0,5-1 tấn/ha. Mấy mùa vụ gần đây, gia đình ông Đức sử dụng thiết bị này để san bằng mặt ruộng trên diện tích 150 ha đất.

Các nhà nông học đã xác định, một trong những yếu tố làm hạn chế năng suất cây trồng lớn nhất, đặc biệt trồng lúa chính là nước. Việc sử dụng kỹ thuật tia laser trong san bằng mặt ruộng làm cho mặt ruộng phẳng dễ hứng và thấm nước ở mức tốt nhất.

Bên cạnh đó, qua theo dõi thực hiện, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết chi phí trên các lô đất san bằng theo kỹ thuật tia laser giảm rất nhiều so với san bằng mặt ruộng bằng kỹ thuật truyền thống. Trong đó, phân bón, thuốc không giảm nhưng giống giảm 37%, công làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng giảm đến 67%, bơm nước giảm 62% chi phí, còn năng suất lại tăng đến 28%.

Nông dân Nguyễn Ngọc Anh, xã Lương An Trà cho rằng: “Ông Đức đem về áp dụng trước, ruộng mình kế bên thấy hiệu quả nên cũng làm. Tôi có 18 ha, sau khi sử dụng kỹ thuật này thấy năng suất cao hơn. Trước kia thấy bấp bênh lắm”.

Qua những kết quả từ thực tế, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá thiết bị san phẳng mặt ruộng định vị bằng tia laser đã mang lại hiệu quả cao giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa; đồng thời, góp phần đáng kể vào việc giảm thất thoát sau thu hoạch.

Từ những thành công của ông Nguyễn Lợi Đức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kết hợp một số địa phương như Cần Thơ, An Giang, Long An đầu tư thí điểm để đưa thiết bị hiện đại này vào đồng ruộng và có chính sách ưu đãi để khuyến khích nông dân ứng dụng. Trong đó, hiện nay những nông dân sau khi ứng dụng kỹ thuật mới này đều khẳng định hiệu quả mang lại cho đồng ruộng của mình./.

Thanh Tùng/ VOV

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: