VINAGRI NewsDo miền Nam đang bước vào mùa khô nên thị trường đang “khát” các chủng loại phân bón NPK tan nhanh. Được dịp, phân NPK một hạt của Trung Quốc lập lờ ghi nhãn mác đánh lừa người dùng là có xuất xứ từ châu Âu tung hoành.

Lập lờ nhãn mác bao bì

Bà C, chủ một đại lý cấp 1 ở thôn Văn Phong, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, sau khi "lệnh" nhân viên chở 10 tấn hàng NPK ngoại nhập xuống các đại lý cấp 2 đã quay sang nói với chúng tôi: "Ngoài loại phân NPK một hạt trong nước sản xuất thì loại hàng cùng chủng loại của Đức đang được nông dân trồng thanh long “mê” lắm dù giá cao!".

NPK của Đức mà bà C nói ngoài bao bì có hình biểu tượng "Con ong" rất bắt mắt với các dòng sản phẩm như 30-9-9, 15-9-20, 15-15-15... do Cty SX-DV-TM Trung Hiệp Lợi (KP1, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) nhập khẩu và phân phối. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ trên bao bì mới biết, đây thực chất là phân NPK của Trung Quốc nhưng lập lờ chữ nghĩa để người dùng tưởng là hàng châu Âu.

Sản phẩm German NPK 15-9-20 "Con ong" của Cty TNHH Trung Hiệp Lợi quảng cáo là "SX theo công nghệ của Đức) vừa bị tỉnh Bình Thuận xử phạt 40 triệu vì kém chất lượng

Mặt trước bao bì ghi "Standar of USA” (tiêu chuẩn Mỹ), nhưng mặt sau lại ghi nơi sản xuất tại "P.R.C" (viết tắt của từ People Republic of China" tức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Phía dưới bao bì còn “chua” thêm: "Nguyên liệu được nhập khẩu từ châu Âu và qui trình sản xuất được sự giám sát của các kỹ sư hàng đầu...".

Vì lẽ đó, khi nghe chúng tôi giải thích là phân NPK Trung Quốc, bà C mới giật mình nói: "Thế mà nhân viên tiếp thị của Cty Trung Hiệp Lợi lúc giao hàng cho chị nói là phân nhập khẩu từ châu Âu. Đâu dè của Trung Quốc!".

Phân NPK 30-9-9 "Con ong" của Cty TNHH Trung Hiệp Lợi mặt sau ghi nơi SX tại P.R.C, nguyên liệu được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu nhưng thực chất là của Trung Quốc

Tương tự, sản phẩm German NPK 15-9-20 cũng có cách ghi lập lờ như vậy, nhưng ghi lẫn cả tiếng Anh và tiếng Việt: "Products introduced by Agro Baltic Gmbh (tạm dịch: sản phẩm SX theo công nghệ của Đức); Add: Rungestrabe... Cộng hòa Liên bang Đức" (?!).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 1 tấn phân NPK một hạt từ Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam giá CFI (tại cảng) là 500-520 USD, cộng với 5% VAT thì chưa tới 12 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán của 2 loại này từ đại lý bán ra cho nông dân 420 ngàn đồng/bao (1 bao = 25kg). Tính ra, giá gần 17.000 đồng/kg. Trong khi đó, sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước có giá bán cao nhất chỉ 14.000 đồng/kg.

Mặt khác, theo ông Việt, giám đốc một công ty phân bón SX NPK một hạt, giá thành NPK một hạt 30-9-9 (30% N, 9% P205 và 9% K20) bằng công nghệ hơi nước chỉ ở mức 10.000-11.000 đ/kg. Rõ ràng, bằng cách lập lờ chữ nghĩa trên bao bì nhằm đánh lừa người dùng là hàng sản xuất tại châu Âu, phân NPK Trung Quốc đã đẩy trị giá lên từ 4.000-5.000 đồng/kg, tức 4-5 triệu đồng/tấn. Một số tiền chênh lệch không nhỏ so với giá trị thực của sản phẩm.

Cơ sở nhỏ đua nhau SX phân “hàng chợ”

Những tháng gần đây, trên thị trường còn xuất hiện thêm loại phân NPK "viên nén" (còn được các đại lý gọi là NPK mảnh). Ông Đảng, một chủ đại lý phân bón cấp 2 ở thôn 3, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc nói với chúng tôi, hiện nay một ngày ông tiếp xúc ít nhất 3-4 nhân viên tiếp thị của các công ty phân bón đến chào bán phân NPK, trong đó có khoảng 50% là hàng NPK "viên nén". Các mẫu phân bón mà các công ty đang chào hàng tại đại lý này có các tên gọi rất kêu như Hulo, Maybay, Rocket... với các công thức 13-13-17, 15-9-20, 15-15-15...

Nhân viên đại lý cấp 1 giao phân bón NPK xuống cửa hàng cấp 2

"Họ chào giá rẻ hơn so với NPK một hạt. Tuy nhiên, hàng mới quá nên chúng tôi không dám lấy vì chưa biết nó có thích hợp với vùng đạt trồng lúa và cây thanh long như ở đây không?" - ông Đảng nói.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, phân NPK "viên nén" được SX từ các nguyên liệu dạng bột như NH4Cl (a môn clo rua), SA, MAP và kali bột cùng các chất độn khác. Hình dáng viên nén như gạch vỡ có cạnh, không tròn đều như NPK một hạt. Về màu sắc khá đa dạng: xanh, nâu đỏ, trắng, tím... đều có cả. Ưu điểm của loại phân này là khi gặp ẩm sẽ tan vữa nhanh.

2 quả lô ép phân NPK "viên nén" nằm trong dây chuyền có trị giá 150 triệu

Loại phân này hiện được nhiều cơ sở nhỏ sản xuất trên dây chuyền rẻ tiền, công nghệ đơn giản được mua trong nước.

Toàn bộ thiết bị để sản xuất gồm 2 quả lô để ép và bộ phận đánh vỡ thành mảnh và sàng loại bột vụn nhỏ, trị giá chỉ có 150 triệu đồng. Dây chuyền này hiện đang phổ biến và được nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón nhỏ lẻ đổ xô đầu tư. Chính vì rẻ nên loại phân NPK do các cơ sở nhỏ sản xuất có chất lượng không bảo đảm. Nếu sử dụng nhiều sẽ không có lợi cho đất và cây trồng.

Phân NPK "viên nén" đem chào hàng ở đại lý

Trong khi đó, loại phân NPK một hạt do một số công ty lớn trong nước sản xuất thì họ phải đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công nghệ hơi nước với các nguyên liệu gồm urê, DAP, SA và kali hạt miểng. Công nghệ này rất phức tạp và giá thành sản xuất cao. Bù lại, chất lượng phân tốt. Khi bón, sẽ không hại đất.

"Ngày 4/11/2013, UBND tỉnh đã có quyết định số 49 xử phạt Cty TNHH Trung Hiệp Lợi 40 triệu về hành vi buôn bán phân bón NPK German 15-9-20 kém chất lượng, còn phân này có nguồn gốc từ Trung Quốc hay của châu Âu thì không rõ, còn đối với phân NPK "viên nén", tôi mới nghe nên chưa biết chất lượng thế nào" (ông Đỗ Văn Bảo, Phó Chánh thanh tra tỉnh Bình Thuận).

Đỗ Quyên/ Báo NNVN

Xem thêm Video thực hiện bởi VTV:

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: