» » Mùa lúa trời chín rộ

VINAGRI NewsLúa trời - một tặng vật thiên nhiên ở Đồng Tháp Mười còn có tên là lúa ma. Có lẽ là do lúa mọc tự nhiên, hoang dã, không trồng trọt mà có, nên được gọi là lúa trời. Còn gọi là lúa ma chắc là vì loại lúa này khi chín thì chỉ chín vài hạt, không chín hết cả bông và khi mặt trời lên khoảng vài sào lúc tám, chín giờ sáng thì tự nhiên rụng mất. Chính vì thế nên sách Gia Định thành thông chí còn gọi lúa trời là "Quỷ cốc”.

Thu hoạch lúa trời

Vào mùa này, khi ở phía bắc trời đông lạnh cắt da cắt thịt thì ở Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim lúa trời đã chín, đang vào mùa thu hoạch. VQG tổ chức cho du khách trải nghiệm thu hoạch lúa trời vào sáng sớm tinh mơ. Trên xuồng có người cầm sào chống xuồng lướt trên mặt nước, giữa đám lúa, có người ngồi trước mũi xuồng dùng cần đập nhịp nhàng vào bông lúa làm cho hạt lúa chín rơi xuống khoang không văng ra ngoài. Xuồng qua rồi, những hạt còn lại sẽ tiếp tục chín vào đêm sau. 

VQG Tràm Chim (thuộc huyện Tam Nông, Đồng Tháp) được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là chim hạc. VQG hiện đã có 5 chiếc xuồng chuyên "đập” lúa trời ở 134 ha ở khu vực trạm Phú Hiệp, Phú Đức, chiếm hơn 16% diện tích lúa trời có trong VQG. Điều này vẫn đảm bảo môi trường sinh thái và cho du khách hiểu hơn về sinh kế mùa nước nổi của cư dân Đồng Tháp Mười. Lúa thu hoạch về ngâm nước độ 3 hôm rồi đem phơi thì đuôi lúa sẽ rụng đi. Cũng có thể, sau khi gom lúa về, thì đem phơi, xong dùng chày giã nhẹ cho đuôi lúa gãy đi. Làm cách này, khi ra gạo nấu sẽ dẻo, thơm và ngon cơm hơn cách ngâm nước. 

Rõ ràng VQG Tràm Chim dành một diện tích bảo tồn cho loại lúa này như một bảo tàng tự nhiên đúng nghĩa trong Đồng Tháp Mười, để lưu giữ, duy trì một góc trời tự nhiên với môi trường sinh thái, động, thực vật vốn có, cho con cháu mai sau nghiên cứu, học tập, là đáng quý. Nhưng có phải nơi nào cũng làm được việc đó? Câu trả lời là chưa. Nhìn rộng cả nước, gần 900 loài loài động, thực vật đang bị đe dọa ở nhiều cấp độ và được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam. Tình trạng buôn bán trái phép ngày càng phức tạp và khó kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật hoang dã. 

Và mặc dù các cấp, các ngành được kêu gọi nhiều lần cần khẩn trương hành động, các nhà hoạch định chính sách tăng cường, củng cố khung pháp lý bảo vệ động, thực vật hoang dã và hỗ trợ tăng cường công tác thực thi pháp luật hiệu quả hơn, thì việc ngăn chặn n tiêu thụ, buôn bán động, thực vật hoang dã, làm thay đổi hành vi tiêu dùng và tiến tới tiêu dùng xanh vẫn quá khó. Bởi, người dân bản địa phải – đối tượng đầu tiên biết nâng niu, gìn giữ đặc sản quê hương mình, lại chưa mấy người được hưởng lợi từ việc bảo tồn này. Đã có những dự án hỗ trợ dân giữ rừng, giữ biển, khai thác bền vững nguồn lợi này, nhưng mô hình tốt chưa nhân rộng.

Chuyến này đến VQG Tràm Chim được trải nghiệm mùa thu hoạch lúa trời độc đáo và quý hiếm, lại tiếc cho những vùng đất quý đã bị thu hẹp sinh cảnh là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất nhiều loài ở Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã bị vạch mặt chỉ tên đã nhiều, nhưng rồi xử lý kiểu "chìm xuồng” là chính, làm sao có thể bảo vệ nghiêm ngặt động, thực vật hoang dã xứ ta?

Kim Liên/ Báo Đại Đoàn Kết

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: