VINAGRI News - Tôi há hốc mồm khi nghe bà Trịnh Ngọc Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy TX.Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) - cho biết, thu nhập bình quân đầu người ở xã nghèo “rớt mồng tơi” Tân Thành vừa đạt mức trên 25 triệu đồng/năm. Với nhiều địa phương trong cả nước, đó là chuyện thường, nhưng với Tân Thành, là một con số rất “khủng”. Tôi chưa hết ngạc nhiên, bà Thủy đã tiếp lời: “Lúc mới nghe báo cáo, lãnh đạo Thị ủy ai cũng bán tín, bán nghi, nhưng kết quả kiểm tra là sự thật 100%. Có được kỳ tích đó là nhờ cây cam sành”…
Thu mua cam ở Ngã Bảy
Những vườn cam bạc tỉ…
Xe tôi bon bon trên con đường ximăng phẳng phiu dẫn về ấp Đông Bình. Hai bên đường, những ngôi nhà mới được xây cất khang trang lẫn với màu xanh của những vườn cam trĩu quả. Đón khách trong “biệt thự” vừa xây cất gần 1 tỉ đồng, lão nông Nguyễn Hữu Phước (59 tuổi) cho biết đó là thành quả của những mùa cam bội thu. Vườn cam của ông có 7.000 cây trên diện tích 3ha. Đến mùa thu hoạch, sau khi trừ mọi chi phí, ông Phước thu lợi 800 triệu đồng/ha. “Tui trồng cam đã 6 năm, mỗi năm đều thu lợi trên 2 tỉ đồng. Cũng nhờ có cây cam mà cất được căn nhà hằng mơ ước” - ông Phước nói.
Cạnh nhà ông Phước là vườn cam của anh Trần Văn Công. 7 năm trước từ một vườn cây tạp, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam, với 6.500 cây trên diện tích 2,8ha. Vừa trồng, vừa tích lũy kinh nghiệm, vườn cam của anh không ngừng phát triển, cho năng suất tối đa lên đến 100 tấn/ha. Những năm gần đây, cam liên tục tăng giá, có lúc lên đến 27.000 - 28.000đ/kg, làm nức lòng các nhà vườn. Riêng vườn cam của anh Công thu lợi hơn 1 tỉ đồng/năm. “Tính từ tháng 2 đến nay, tui đã bán được 1,8 tỉ đồng, trừ chi phí, còn lợi 1,4 tỉ đồng. Cũng nhờ có cây cam mà nên nhà nên cửa” - anh Công hồ hởi khoe.
Dù cách trung tâm thị xã Ngã Bảy chưa đầy 10 cây số, nhưng chục năm về trước, Tân Thành chẳng khác gì một vùng “miệt thứ” hoang vu. Không chỉ cách trở đò sông, mà còn là khoảng cách phát triển kinh tế khá xa so với bên ngoài. Nói theo cách của lão nông Bảy Phước thì: “Xứ này đường chẳng có để đi, trẻ con phải lội sình đến lớp. Việc đi lại của người dân đều phụ thuộc vào ghe xuồng, nhưng không phải nhà nào cũng có”. Là một xã thuần nông, người dân Tân Thành chủ yếu bám vào mảnh vườn, thửa ruộng để mưu sinh. Họ trồng xoài, bưởi... nhưng hết sâu bệnh hoành hành, lại đến giá cả bấp bênh. Có nhiều hộ trồng mía, đầu vụ ứng trước tiền của nhà máy đường, đến mùa thu hoạch gặp phải lúc thất bát triền miên, nợ ngập đầu không trả nổi. Khoảng 7- 8 năm về trước, thấy cam sành có giá, một số hộ bắt đầu chuyển sang trồng. Tưởng “làm chơi”, nhưng nào ngờ “ăn thiệt”. Cứ mỗi vườn cam cho thu nhập từ hàng chục, hàng trăm triệu, đến hàng tỉ đồng/năm. Từ đó, người dân đổ xô trồng cam sành, và ai cũng đổi đời nhờ những vườn cam bạc tỉ...
Nhờ cây cam mà ông Nguyễn Hữu Phước xây được căn nhà gần 1 tỉ đồng
Mót cam cũng đủ giàu
Theo các nhà vườn, cam sành tương đối dễ trồng, không tốn nhiều công sức, chi phí cũng không cao. Mỗi gốc cam khi trồng đến 18 tháng tuổi là có thể thu hoạch lứa đầu tiên, thời gian cây cho trái hiệu quả nhất từ 3-5 năm. Lúc cao điểm, giá cam sành lên đến gần 30.000đ/kg, bà con thu lợi tiền tỉ là chuyện thường. Ngay cả khi giá cam được cho là sụt thê thảm, chỉ còn 5.000-6.000đ/kg thì nhà vườn cũng từ lời chút đỉnh đến huề vốn, gần như không có chuyện thua lỗ. Cây cam sành còn thu hút đông đảo người dân nơi khác đổ về “mua mão” vườn cam, còn chủ vườn chỉ việc ngồi rung đùi để... đếm tiền. Có thể hình dung việc mua bán này như sau: Người mua sau khi “thị sát” và đếm số lượng cây cam trong vườn, họ sẽ trả cho chủ vườn một số tiền theo thỏa thuận. Sau đó, họ tự thuê nhân công vào chăm sóc, đến kỳ thu hoạch, họ hái trái mang đi, rồi trả lại vườn cam cho chủ vườn.
Tháng 2 vừa rồi, chị Trần Thị Nguyệt (ấp Đông Bình) bán mão vườn cam cho một người dân ở Vĩnh Long (hơn 6.000 gốc cam trên diện tích gần 3ha) với giá trên 1,2 tỉ đồng. Chị Nguyệt kể: “Sau khi thu hoạch, họ trả lại vườn cam cho mình. Tui vào vườn mót những quả cam nhỏ còn sót lại, vậy mà cũng bán được hơn 100 triệu đồng, ở xứ này, giờ mót cam cũng sống được”. Chị Nguyệt vừa mua được căn nhà mới ngay trung tâm TX.Ngã Bảy trị giá 800 triệu đồng và 3 nền nhà ở xã Đại Thành trên 1 tỉ đồng. Chị khoe: “Mấy năm trước, tui cho thằng con trai theo học ngành nông nghiệp ở Trường ĐH Cần Thơ, giờ nó ra trường mở cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật gần nhà. Mỗi khi vườn cam bị sâu bệnh, nó liền chạy về coi, rồi “kê toa”, mua thuốc trị bệnh luôn, ngoài ra, nó không ngừng nghiên cứu để phát triển vườn cam. Trời ban cho mình chén cơm, mình phải đầu tư để giữ lấy, chú à”.
Loay hoay sắp xếp lại những cần xé cam đến hàng trăm tấn, anh Nguyễn Văn Châu - thương lái thu mua cam ở huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ - cho biết, cam sau khi phân loại, được chở về An Hữu (Tiền Giang), sau đó đóng vào thùng xốp đưa ra miền Trung và miền Bắc tiêu thụ. Anh nói: “Ra ngoài đó, cam chủ yếu được làm nước giải khát, cứ mỗi trái cam là một ly nước, nếu ở Hà Nội giá phải đến 30.000 - 40.000đ/ly. Cam ở miền Bắc cũng được trồng rất nhiều, nhưng cam của mình ngon, ngọt hơn nên được ưa chuộng hơn”. Những ngày này, cam đang vào đợt thu hoạch rộ, các thương lái đến tìm mua không kịp, còn nhà vườn thì đếm tiền đến... mỏi tay. “Tui đi mua cam hơn 10 năm nay, chưa từng thấy nơi nào trồng cam lại giàu như người dân xứ này” - anh Châu cho biết.
Đổi thay trên vùng đất nghèo...
Toàn xã Tân Thành có 1.803 hộ dân, thì hết 80% trồng cam với diện tích 1.077ha. Từ ngày có cây cam sành, nơi này đã không ngừng thay da đổi thịt. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nông dân xã Tân Thành, toàn xã hiện có 401 hộ nông dân có thu nhập từ 50 triệu đến hơn 1 tỉ đồng từ cây cam sành - một con số mà nhiều năm trước, có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ đến. Không chỉ vậy, nếu trong năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn đến 11,44% thì hiện chỉ còn 2,32% nhờ cây cam sành. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người ở xã lần đầu tiên đạt mức kỷ lục: 25,09 triệu đồng/năm. Tân Thành không chỉ đạt mà còn vượt xa hai tiêu chí: Thu nhập đầu người và tỉ lệ hộ nghèo theo bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Ngô Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành - cho biết: “Ở xã này, giờ nói chuyện thoát nghèo là xưa rồi, dân ở đây chỉ tính đến chuyện làm giàu thôi”. Khi cuộc sống của bà con được no ấm, họ tham gia đóng góp cho địa phương cũng nhiều hơn. Tính đến nay, người dân đã hiến đất làm đường với chiều dài 5km (mặt cắt ngang 3,5m), ngoài ra bà con còn đóng góp chi phí để bơm cát san lấp mặt bằng.
Ngoài Tân Thành, ở Ngã Bảy còn có xã Đại Thành, hay huyện Châu Thành kế bên được xem là những vùng trồng cam tỉ phú. Nhưng quả ngọt không phải tự dưng mà có. Theo lời của các nhà vườn đi tiên phong, những năm đầu trồng cam, bà con sợ nhất là khi nước lũ đổ về, các vườn cây đều ngập úng, nhà vườn không tài nào bơm nước ra nổi. Từ khi chính quyền địa phương đầu tư xây dựng tuyến đê bao khép kín, bà con mới thực sự yên tâm, lo làm giàu trên mảnh đất của mình. Ngoài ra, các cán bộ nông nghiệp, kỹ sư chuyên môn cũng đã có công rất lớn khi về làng hướng dẫn kỹ thuật giúp cho cây cam sành “lên ngôi”.
Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy - cho hay, tuyến đê bao được xây dựng vào năm 2008, ban đầu là đê bao tương đối, từ năm 2010 đến nay, thị xã đã đầu tư nâng cấp 99 công trình đê bao, cống thoát nước, với tổng chiều dài 117.618m, khối lượng 877.522m3, diện tích khép kín 6.229ha, tổng kinh phí 30 tỉ đồng. Riêng Tân Thành có gần 1.100ha vườn cam được khép kín toàn bộ. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định dù tốn bao nhiêu kinh phí cũng phải làm, bởi sự thành công của người dân cũng chính là sự thành công trong phát triển của địa phương” - ông Trí khẳng định.
Chưa vào được siêu thị
Cam sành Ngã Bảy vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, cam sành Ngã Bảy vẫn chưa đạt một số tiêu chuẩn để có thể cung ứng cho các siêu thị. Cam chủ yếu do thương lái đến vườn để thu mua. Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy - cho biết thêm: “Hiện địa phương đang chuẩn bị trồng cam theo mô hình VietGap để nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó, tìm đối tác lâu dài, đảm bảo đầu ra cho bà con”.
Trần Lưu/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: