VINAGRI News - Hội nghị Nuôi trồng thủy sản châu Á–Thái Bình Dương 2013 với chủ đề “Định vị hướng tới lợi nhuận” do Bộ NNPTNT phối hợp với Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản thế giới, Phân ban Châu Á–Thái Bình Dương phối hợp tổ chức từ 11-13/12.
Ảnh minh họa
Khu vực châu Á–Thái Bình Dương là nơi nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới. Thông tin tại Hội nghị cho thấy, năm 2010 có 8 nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đứng vào hàng 10 nước có sản lượng và giá trị thủy sản nuôi trồng cao nhất trên thế giới là: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh, Thái Lan, Myanmar, Philippines và Nhật Bản.
Hiện nay, mức tiêu thụ thủy sản trung bình của khu vực khoảng 29 kg/người/năm, tương đương khoảng 116 triệu tấn/năm. Ước tính tới năm 2020, nhu cầu này sẽ tăng lên khoảng 16-20 triệu tấn/năm và đến năm 2030 là 25 triệu tấn/năm. Cùng với đó, xu hướng chủ đạo sẽ là phát triển nuôi trồng thủy sản thay vì đánh bắt hải sản để đáp ứng nhu cầu tăng thêm. Đây là vấn đề được các quốc gia trong khu vực đặc biệt quan tâm.
Đối với Việt Nam, trong những năm qua, ngành Thủy sản Việt Nam, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2012 là 3,27 triệu tấn, chiếm 55,2% tổng sản lượng thủy sản, tăng 7,2% so với năm 2011, và 287,4% so với năm 2002.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về sản lượng thủy sản nuôi trồng và là một trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề cập đến các vấn đề của nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam cũng như trong khu vực. Trong đó các vấn đề cốt yếu được bàn đến là công nghệ về sản xuất giống, di truyền chọn giống, nuôi và quản lý môi trường nuôi, phòng trị bệnh cho tất cả các đối tượng, hệ thống và môi trường nuôi, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là nội dung tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy áp dụng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến cũng như tăng cường các chương trình giám sát quốc gia đối với độc tố sinh học và dư lượng hóa chất tại các vùng nuôi.
Theo chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 và quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam xác định ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, hiện đại, nâng cao chất lượng và bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới và thân thiện với môi trường.
Đỗ Hương/ chinhphu.vn
Không có nhận xét nào: