VINAGRI News - Chỉ trong 5 năm qua đã có gần 78.000 ha cây điều bị nông dân chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác như cao su, hồ tiêu. Nguyên nhân là do giá cả không ổn định, năng suất thấp, kèm theo những chính sách hỗ trợ phát triển cây điều không được sự quan tâm của từng địa phương đang khiến người dân quay lưng lại với cây điều.
Nông dân chặt bỏ cây điều mỗi năm lên đến 10.000 héc ta - Ảnh: Ngọc Hùng.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ hôm 24-12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết mỗi năm diện tích cây điều bị chặt lên đến hơn 10.000 ha.
Nguyên nhân chính, theo ông Phát, là do khâu tổ chức sản xuất kém hiệu quả, không thâm canh, năng suất vườn điều rất thấp, chưa đến 1 tấn/héc ta nên về lợi ích kinh tế thì thấp hơn so với cao su, sắn, dẫn đến nhiều nơi nông dân chặt bỏ cây điều.
Tại cuộc họp ngày 24-12, ông Phát lên tiếng kêu gọi nông dân tại các vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên nên tập trung tái canh cây cà phê và đặc biệt là thâm canh cây điều.
Riêng lượng điều xuất khẩu, vị lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết hiện Việt Nam đã chiếm được 50% thị phần của thế giới. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỉ đô la Mỹ sản phẩm hạt điều, nhưng lại nhập khẩu 650.000 tấn hạt điều từ châu Phi, trong nước sản xuất chỉ được 300.000 tấn. Do vậy, thành tích xuất khẩu điều nhờ vào nhập khẩu nguyên liệu để tái chế là chủ yếu.
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố mới đây, trong tổng số 330.000 héc ta trồng điều của cả nước hiện nay có hơn 24% diện tích cây điều già cỗi (trên 20 năm). Còn theo Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, Phân viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp phía Nam thì đến 97 - 98% hộ dân có điều già cỗi chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như cây cao su, hồ tiêu …
Theo báo cáo Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, năm 2005 năng suất điều trung bình cả nước là 1,07 tấn/ héc ta nhưng nay giảm xuống còn 0,85 tấn/héc ta. Do đó, lợi nhuận mang về chỉ ở mức 21 triệu đồng/ héc ta/năm, trong khi nếu trồng cao su sẽ thu về 62 triệu đồng/héc ta/ năm và đây là tín hiệu xấu cho ngành điều trong những năm tới.
“Năm 2014 bộ sẽ tập trung cao độ về khuyến nông, kỹ thuật hỗ trợ các địa phương, đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân khôi phục các vườn điều, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất”, ông Phát nói.
Điều cũng là một trong 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ trong năm bên cạnh gạo, cao su, cà phê, sắn, lâm sản và thủy sản.
Về sản lượng nông nghiệp cả nước trong năm 2013, theo ông Cao Đức Phát thì trong năm 2013 các sản phẩm nông sản đều có sản lượng tăng thêm, riêng lúa gạo có sản lượng tăng thêm 330 ngàn tấn. Năm nay đặc biệt là tôm được mùa được giá, riêng tôm thẻ chân trắng tăng gần 60%, chỉ trừ sản lượng cá tra có giảm vài chục ngàn tấn so với năm 2012.
“Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,7% so với năm 2012. Đảm bảo tiêu thụ nông sản và giữ được giá có lợi cho nông dân. Trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ đô la Mỹ gồm: gạo, cao su, cà phê, điều, sắn, lâm sản và thủy sản”, ông Phát nói thêm.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo đầu ngành nông nghiệp nước ta thừa nhận tốc độ tăng trưởng phát triển nông nghiệp năm nay chậm hơn năm 2012. Tăng trưởng về giá trị chỉ đạt 2,67% và tăng trưởng về tổng sản lượng chỉ đạt 2,95%. Trong khi bình quân 5 năm vừa qua giá trị gia tăng 3% mỗi năm.
Nhiệm vụ quan trọng ngành nông nghiệp trong năm 2014 là khôi phục tăng trưởng nông nghiệp bằng cách rà soát, tập trung phát triển các ngành hàng có thị trường sẵn có lợi thế.
Chẳng hạn như lúa gạo, ông Phát đề nghị các địa phương chỉ đạo sản xuất các loại lúa giống chất lượng cao, đặc biệt ĐBSCL hạn chế sản xuất lúa IR50404, đừng để như năm nay có địa phương gieo trồng đến 70% diện tích giống lúa này dẫn đến khó tiêu thụ, giá thấp.
Văn Nam/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: