VINAGRI News - Sức mua yếu, cùng với thời tiết rét đậm khiến hàng hoá tiêu dùng trong những ngày qua tương đối ảm đạm. Sáng 15.12, dạo qua một số khu chợ ở Hà Nội, ghi nhận của phóng viên là giá cả hàng hoá nhiều mặt hàng thiết yếu không tăng, đặc biệt, người tiêu dùng khá dè dặt với nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là rau, củ, quả...
Nguồn gốc thực phẩm luôn được NTD quan tâm khi chọn mua rau củ quả. Ảnh: D.Hà
Giá rau, củ, quả giảm nhẹ
Sau hai ngày không khí lạnh tăng cường tràn về, khu vực miền Bắc chìm trong mưa rét. Tại Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất trong ngày tụt xuống mức 14 độ C. Tuy nhiên, theo khảo sát tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội, thời tiết không làm ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung rau, củ, quả.
Giá rau xanh vẫn giữ ở mức bình thường, thậm chí còn giảm nhẹ do thời tiết mưa lạnh khiến sức mua của người dân giảm. Cô Thúy - nông dân vùng Chúc Sơn (Hà Tây cũ) cho biết: “Rau chẳng bị ảnh hưởng nhiều khi có không khí lạnh tràn về, được mưa lại tốt nên giá có phần rẻ hơn mấy hôm trước. Rau muống chỉ 4.000 - 5.000 đồng/mớ; bắp cải từ 10.000 - 12.000 đồng/kg; cải cúc chỉ 1.000 đồng/mớ”. Nhiều người dân có tâm lý ngại ra đường khi trời mưa lạnh nên hai hôm nay sức tiêu thụ rau yếu.
Giá những mặt hàng thịt, cá cũng tương đối ổn định. Thịt bò thăn, bắp ở mức 230.000 - 250.000 đồng/kg. Thịt lợn sấn, sườn, ba chỉ đang đứng ở mức từ 85.000 - 95.000 đồng/kg. Giá các loại quả cũng không đắt lên. Hiện tại giá cam canh, cam đường dao động từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, cam sành vẫn giữ nguyên giá 25.000 đồng/kg. Bưởi Năm Roi nhỏ được bán với giá 20.000 đồng/quả, chuối tiêu từ 800 - 1.200 đồng/quả.
Táo Trung Quốc được chào bán với giá 35.000 đồng/kg. Chị Ngọc (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi mới mua mấy chục quả bưởi Văn Giang ngọt với giá 35.000 đồng/quả và bưởi đào giá 25.000 đồng/quả. Mua sẵn để ăn dần đến tết, từ giờ đến cuối năm giá bưởi thế nào cũng tăng, đến mức 40.000 - 50.000 đồng/quả”.
Nguồn gốc thực phẩm được quan tâm
Điều mà người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm là nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều người bán hàng luôn quảng cáo rau, củ, quả là do gia đình tự trồng và mua thu gom từ nhà hàng xóm ở quê nên không dùng thuốc trừ sâu và chất bảo quản.
Hầu như ai cũng tránh nói đến nguồn gốc Trung Quốc và sản phẩm nuôi công nghiệp. Chị Trang - bán hàng tại chợ - cho biết: “Loại nấm dài này là của Trung Quốc đấy, có giá chỉ 12.000đ/túi thôi, nhưng chị khuyên em nên mua nấm mỡ này, của quê chị đấy. Giá đắt 90.000 đồng/kg nhưng rất ngon, an toàn”.
Chất lượng của các loại quả trồng từ đất Văn Giang khá tốt. Độ ngọt của một số vườn bưởi Văn Giang không kém gì những thương hiệu đặc sản nổi tiếng như bưởi Diễn và bưởi da xanh mà giá thành lại rẻ hơn nên được nhiều người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng.
Dù còn hơn một tháng rưỡi nữa là Tết Nguyên đán, nhưng đa phần người tiêu dùng chưa mua sắm nhiều. Theo báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), các chương trình bình ổn thị trường, dự trữ, chuẩn bị hàng hóa phục vụ cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán 2014 đang được triển khai. Thêm vào đó, sức mua còn yếu, tác động tăng giá do tâm lý được hạn chế là những yếu tố góp phần giảm áp lực tăng giá thị trường.
Nhìn chung, nhiều người bán hàng cho rằng sẽ không có nhiều biến động lớn về giá các mặt hàng rau, thực phẩm trong thời gian từ nay đến cuối năm. Người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu dẫn tới việc nguồn cầu không tăng đột biến. Chị Cúc - một người bán thịt ở phố Tuệ Tĩnh - nói: “Năm nay dân nghèo lắm, chẳng có nhiều tiền để mua hàng”.
Lan Hương/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: