VINAGRI News - Các chuyên gia ngành nông nghiệp cảnh báo, nguy cơ nông sản Việt bị mất chỗ đứng ngay trên sân nhà rất lớn, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức sản xuất, kể cả chính sách bảo hộ của nhà nước.
Được mùa nhưng người nông dân vẫn không thể làm giàu từ đồng ruộng
Trong nước, ngoài nước đều bấp bênh
Thị trường nông sản đang có nguy cơ mất chỗ đứng ngay chính trên sân nhà khi mà từng ngày, từng giờ, khắp nơi, đâu đâu người ta cũng nhìn thấy hàng Trung Quốc tràn ngập. Từ củ khoai tây, củ tỏi, củ hành… cho đến trái táo, trái lê, hồng xiêm, nho… những thứ mà người nông dân Việt Nam có thể trồng được, có thể làm ra được thì nay cứ ùn ùn kéo về từ Trung Quốc.
Đó là vấn đề trong nước, còn thị trường quốc tế thì sao? Xuất khẩu nông sản đã luôn đứng trong top đầu và được coi là một trong những lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, thực trạng xuất khẩu nông sâm thủy sản thời gian gần đây cho thấy những bất cập của ngành này ngày càng được bộc lộ. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay ước đạt 16,4 tỉ USD, giảm 6,3%. Trong đó, xuất khẩu cà phê giảm 24%; chè các loại giảm 5,1%; gạo giảm 14,1%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 27,9%, cao su giảm 13,7%...
Không khó để nhận ra một điểm yếu của chúng ta, đó là, đã từ lâu, các DN sản xuất cũng như xuất khẩu đều phải "tự bơi”. Người nông dân phải tự tìm đầu ra cho nông phẩm dẫn đến việc bị thương lái ép giá, và lẽ tất nhiên, không tránh khỏi tình trạng "được mùa mất giá” nhiều năm qua. Phía các DN xuất khẩu cũng vậy, hầu như họ phải tìm kiếm thị trường và cạnh tranh với các DN nước ngoài một cách yếu ớt. Có lẽ, đây chính là một phần nguyên nhân khiến thị trường nông sản của Việt Nam bấp bênh, thiếu sự ổn định, bền vững. Nguy cơ chúng ta phải trở thành người làm thuê trên chính quê hương mình trong lĩnh vực này là điều có thể xảy ra.
Bài học từ Nhật Bản
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Công sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản là nước có cách bảo hộ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của họ rất chặt chẽ với những rào cản kỹ thuật khắt khe để giảm thiểu các mặt hàng nhập khẩu từ các nước.
Đơn cử như sản phẩm gạo, chính sách bảo hộ sản phẩm này của Nhật Bản trong nhiều năm qua khiến cho hiếm có một nước nào có thể đặt chân được vào đất nước này. Ông Dũng đưa ra dẫn chứng, trung bình một năm Nhật Bản tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn gạo, thì Chính phủ Nhật chỉ cho phép nhập khẩu 770.000 tấn, và số gạo nhập này được thực hiện theo phương pháp đấu thầu. Điều này cũng có nghĩa, cửa nhập khẩu vẫn được mở nhưng là mở hẹp. Cũng theo ông Dũng, chính sách bảo hộ sản phẩm gạo của Nhật Bản nói trên đã được đất nước này thực hiện suốt 50 năm qua, và thực sự đã phát huy hiệu quả. Bởi, nhờ chính sách này, người trồng lúa ở Nhật Bản luôn được hưởng giá bán gạo cao vì không bị các sản phẩm ngoài nước nhảy vào cạnh tranh. Cũng nhờ chính sách duy trì mỗi năm chỉ phát triển sản lượng ở mức 8 triệu tấn gạo, mà gạo của họ được duy trì ở chất lượng cao, không phát triển ồ ạt, không bị cảnh "chạy theo số lượng” như ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tham gia các hiệp định thương mại tự do, Nhật Bản cũng đã thay đổi chính sách bảo hộ này. Nhưng, theo ông Dũng, đối với Chính phủ Nhật Bản, dù thế nào, mục tiêu bảo hộ ngành nông sản trong nước vẫn được đặt lên hàng đầu.
Câu chuyện về chính sách bảo hộ hạt gạo của Nhật Bản liệu có thể trở thành bài học hữu ích cho Việt Nam? Có lẽ, bài học lớn nhất ở đây chính là Chính phủ Nhật luôn sát cánh bên người nông dân, không để cho họ tự vật lộn với sản phẩm của mình làm ra, để rồi không biết hạt gạo, con tôm, con cá mình làm ra rồi sẽ có số phận như thế nào?
Đáng buồn là, lâu nay người nông dân Việt Nam vẫn luôn phải tự đánh bạc số phận với… ông trời. Chính bởi thế, mới có chuyện nông dân chán ruộng, chán vườn cây, ao cá, rời bỏ nông nghiệp để đến với những việc làm phi nông nghiệp như thời gian qua.
Duy Phương/ Báo Đại Đoàn Kết
Hay !
Trả lờiXóa