» » Ban điều phối ngành hàng cà phê: Nguy cơ bị “người ngoài”... thao túng

VINAGRI NewsKhi Bộ NN và PTNT công bố Ban điều phối ngành hàng Cà phê VN tới các DN sản xuất, kinh doanh cà phê thì nhiều DN... ngã ngửa. Thậm chí, nhiều DN còn cho rằng, nguy cơ thao túng của các DN ngoại đang thật sự hiển hiện.


Được thành lập theo Quyết định số 1729/QĐ-BNN-TCCB ngày 30/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNN-PTNN), sau khoảng 4 tháng, Ban điều phối ngành hàng Cà phê VN với danh sách các thành viên mới chính thức được thông báo tới các DN sản xuất, kinh doanh cà phê.

... ém thông tin ?

Nhiệm vụ của Ban điều phối là tham mưu, tư vấn chiến lược cho Bộ NN-PTNN về ngành hàng cà phê trong tầm nhìn quy hoạch phát triển ngành ngắn lẫn dài hạn.

Để có thể đảm đương được nhiệm vụ như vậy, Ban điều phối trước hết phải là những có người có chuyên môn, có liên quan đến ngành hàng cà phê (ở góc độ nghiên cứu, hoạch định chính sách hoặc trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh). 12 thành viên trong Ban điều phối đang có vẻ là 12 nhân vật đáp ứng được tiêu chuẩn “chuyên môn” hay “có liên quan đến ngành hàng”. Nhưng vấn đề đáng nói, 12 thành viên theo Quyết định này, với những nhiệm vụ đã nêu, chỉ được công khai rộng rãi tới những người có chuyên môn và liên quan mật thiết với ngành hàng... – những DN làm cà phê “thứ thiệt” – theo cách: các DN chỉ có quyền duy nhất là chấp thuận.

Một DN kinh doanh cà phê lâu năm, từ Cty nhà nước nay chuyển sang cổ phần gần như ứa nước mắt: “Bộ (NN-PTNN) không hề hỏi hay “trưng cầu” – lấy ý kiến dự thảo để quyết định. Và Bộ hình như cũng… dấu nhẹm thông tin. Chúng tôi chỉ được đọc tóm tắt trên một vài phương tiện truyền thông rải rác thời gian qua. Nội dung, chi tiết cụ thể của QĐ theo đó chỉ mới được công bố trong họp các DN cà phê  tháng 11/2013. Như một chuyện đã rồi”… mà không cần phải có

Ngành trọng yếu hở sườn

Nếu so sánh các loại hàng hóa cao cấp và “hot” trên thị trường quốc tế hiện nay,  cà phê là loại hàng hóa “bậc cao”– chỉ đứng sau dầu mỏ. Cà phê hiện đang có mỗi ngày 2 phiên giao dịch quốc tế tại NewYork và London. Các loại sản phẩm phái sinh cà phê trên sàn hàng hóa cũng đã đạt đến mức “tinh vi” thượng thừa. Bản thân thị trường cà phê VN, với khối lượng cung ứng Robusta lớn nhất trên, cũng đang ở trong vòng quay giao dịch này, không phân tách.

Không chỉ là một loại hàng hóa đặc biệt, tại VN, theo nhiều  DN, cà phê cũng nên được xem là ngành hàng quan trọng, thậm chí là trọng yếu. Vì tuy chỉ đóng góp cho tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu quốc gia khoảng 3 tỉ USD (ước niên vụ 2012-2013, nguồn: VICOFA), nhưng cà phê lại liên quan đến hơn 300.000 hộ nông dân trực tiếp trồng với trên 600.000 lao động, tương đương 2,93% lực lượng lao động trong nông nghiệp và bằng 1,83% lực lượng lao động của cả nước, chưa kể khối lao động ở các khâu thu mua, các cấp đại lí, nhà máy chế biến với các tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C và chế biến thô, lẫn khối lao động logistic kho vận đến tiếp thị, marketing và các nhà đóng gói bao bì, phân phối xuất khẩu, rang xay… Điều đáng nói là phần lớn lực lượng lao động trực tiếp hiện đang tập trung ở Tây Nguyên, khu vực “nhạy cảm” về chính trị - xã hội – tôn giáo mà trong những năm qua, nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, các hộ gia đình nông dân, lao động trong ngành hàng cà phê trên địa bàn vẫn yên tâm sản xuất và được đảm bảo đời sống, an sinh xã hội.

Với mối tương quan đặc biệt của ngành hàng với các vấn đề địa lí, nhân lực lao động, kinh tế xã hội như vậy, câu hỏi mà các DN trong nước đặt ra là: Tại sao Bộ NN-PTNT lại đồng thuận cho DN nước ngoài tham gia Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt?

Hệ lụy tương lai...

Từ câu hỏi đó, nhiều DN đã đặt ra các vấn đề: Phải chăng, Ban điều phối ngành cà phê Việt cần có DN ngoại là do DN nội, người nông dân nội địa và các Hiệp hội hiện không đủ đảm bảo là những nhân tài, có năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn và tham mưu tốt nhất cho ngành hàng? – Nên nhớ trình độ thâm canh, xuất khẩu ngành cà phê của VN hiện tại, tuy chưa đạt mức cao về giá trị gia tăng nhưng đã đạt sản lượng vượt qua cả Brasil và một số nước phát triển về cà phê như Indonesia hay Châu Phi (đạt 1,5 tấn/ ha so với lần lượt 1,2 tấn/ ha, 800kg/ha và 600kg/ha và chiếm 60% Robusta trên toàn thế giới).

Hay phải chăng, sự hiện diện của các DN nước ngoài trong ban điều phối sẽ “đỡ hộ” Bộ một số nhiệm vụ như trong quyết định? Chẳng nhẽ VN không đủ tự tin ở khâu làm xúc tiến thương mại và đặc biệt có tiếng nói thương thảo khi tham gia Tổ chức cà phê thế giới? - Theo nguồn tin riêng của DĐDN 2 vị đại diện DN nước ngoài trong Ban hiện tại, đang là đối tác công – tư của Bộ, trực thuộc 2 văn phòng đại diện của 2 tập đoàn xuất khẩu cà phê đa quốc gia. Tất nhiên, nói đi cũng nói lại, ở góc độ hội nhập, tư duy chào đón nhà đầu tư ngoại như nhà đầu tư trong nước không phân biệt, là cần thiết. Nhưng điều đó có phải đồng nghĩa  với việc công bố hết các… bí mật kinh doanh, các chính sách điều phối một ngành hàng? Trong khi thông tin, chính sách đó lại có ý nghĩa quan trọng và có thể quyết định giá cà phê VN trên thị trường thế giới, từ đó tác động ngược lại quyết định thu nhập của các hộ nông dân?  Hay, quyết định này được đưa ra là còn vì điều gì khác?

Nhìn sang ngành tiêu cách đây khoảng 10 năm, có ít nhất 20 văn phòng đại diện DN nước ngoài lớn tại VN. Sau một thời gian Hiệp hội Hồ tiêu nỗ lực điều hành theo hướng liên kết chặt chẽ với người cung ứng tại gốc và liên kết giữa các DN trong ngành, hồ tiêu Việt đã được nâng tầm ở một vị thế mới: Điều khiển giá tiêu thế giới bằng sức mạnh nguồn cung, thay cho ngược lại. Chúng ta rõ ràng rất đang chưa làm được điều đó đối với ngành cà phê, nhất là khi sự liên kết để hoạch định ngành hàng đang bị nỗi lo nhà đầu tư ngoại “thao túng” và “lobby chính sách” bao trùm. Thực tế, nỗi lo này càng có cơ sở khi trong những năm qua, hàng loạt DN ngoại đã tiến hành “thâu tóm” thị trường thu mua cà phê Việt. Thế nhưng khi các cuộc khủng hoảng cà phê năm 2005, 2009 và cả năm 2013 mới đây xảy ra, các DN cà phê ngoại  đã ở đâu khi Chính phủ phải chi ngân sách tiền tỉ để hỗ trợ thu mua tạm trữ nhằm cứu ngành cà phê, cứu hàng trăm ngàn hộ nông dân khỏi bờ vực phá sản ?

Thay lời kết

Tại sao Bộ NN -PTNT lại đồng thuận cho DN nước ngoài tham gia Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt?

Trong kinh doanh, mọi sự hợp tác và thu hút đầu tư thường được đặt trên mục tiêu 2 bên cùng thắng. Một bên là các nhà đầu tư thu mua cà phê và hạch toán lợi nhuận để chuyển về cho Cty mẹ quốc tế (nghi án Nestle điển hình), một bên là những DN đóng thuế cho quốc gia và những người nông dân Việt, chọn sự bắt tay nào để tránh xung đột lợi ích, đảm bảo được sự phát triển của cà phê Việt; quan trọng nhất, đảm bảo cho hình ảnh và chiến lược của một ngành hàng gắn liền thương hiệu quốc gia, hẳn Bộ NN-PTNN cần sự cân nhắc nhiều hơn cho những quyết định.

Hội nhập, suy cho cùng cũng chỉ là để giúp DN và nền kinh tế tìm kiếm, nắm bắt tốt hơn những cơ hội kinh doanh. Đã hội nhập thì không còn xu thế bảo hộ. Song “bảo hộ bí mật kinh doanh” trong thế giới phẳng lại cũng là điều cần thiết căn bản để vượt lên của bất kì nền kinh tế nào. Nông dân và DN Việt ít nhất có quyền đòi hỏi được tôn trọng những đặc quyền kinh doanh thiết yếu đó, trong ngành hàng cà phê đặc thù!

Ông Đỗ Hà Nam - P. Chủ tịch VICOFA, Chủ tịch HĐQT CTCP Intimex:

Sự hiện diện của các DN ngoại trong ngành hàng cà phê sẽ mang đến những tác động 2 mặt. Các DN ngoại có thể kiểm soát và hỗ trợ yêu cầu nâng cao chất lượng hàng hóa cà phê VN. Nhưng mặt khác một khi đã đầu tư sâu, tiếp cận trực tiếp với nông dân và thu mua với khối lượng lớn, quay trở lại, ở vai trò người nắm nguồn cung, họ có thể ép giá nông dân. Nhiều DN đã chết vì điều đó và điều đó cũng đã từng diễn ra với cả ngành tiêu, điều...

Ông Võ Văn Quang -Chuyên gia Thương hiệu: 

Theo quan điểm hội nhập, chúng ta sẽ phải chấp nhận có sự hiện diện của các DN ngoại ở một số các Ủy ban điều phối. Nhưng với ngành cà phê và với nhiều lĩnh vực quan trọng khác, phải đảm bảo làm sao để sự hiện diện này không trở thành sức mạnh giúp các DN ngoại “lobby” chính sách. Câu chuyện các DN ngoại đi thâu tóm DN nội, và thâu tóm cả thị trường cà phê Việt đã rất nhạy cảm. Để các DN ngoại có cơ hội can thiệp thị trường bằng tham mưu chính sách, vì vậy càng là chuyện nên cân nhắc. Trước khi ra quyết định, các nhà hoạch định chính sách nên lấy ý kiến thị trường, và bổ sung các thành phần chuyên môn/ đại diện cho một chuỗi cung ứng hoàn thiện.

Nhiệm vụ Ban Điều phối:

Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ NN-PTNN về chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển ngành hàng cà phê VN theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường.

Thứ hai, giúp Bộ trưởng chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển ngành hàng cà phê, quy hoạch phát triển bền vững ngành cà phê cả nước theo Quyết định số 1987/QĐ/BNN-TT ngày 21/8/2012 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành cà phê VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ ba, tham mưu, đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động và nguồn lực của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu thụ và kinh doanh cà phê theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, cung cấp, chia sẻ thông tin, xúc tiến thương mại, xúc tiến hợp tác công - tư và nâng cao năng lực cho các đối tác trong ngành cà phê theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, Tham gia Tổ chức Cà phê Thế giới theo phân công của Bộ trưởng.

Minh Nguyên/ Báo DDDN

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: