VINAGRI News - Là một đất nước nông nghiệp, nhưng lâu nay Việt Nam vẫn phải NK một lượng lớn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nghịch lý này khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước thiếu ổn định, đẩy người chăn nuôi vào thế bị động, nhiều khi có làm mà không có lãi.
Chuyển một phần diện tích trồng lúa sang trồng ngô nhằm giảm lượng ngô NK. Ảnh: Trần Việt
Theo Bộ NN&PTNT, ước tính khối lượng ngô NK tháng 10 năm 2013 đạt 284 nghìn tấn với giá trị vào khoảng 83 triệu USD, đưa tổng kim ngạch NK ngô 10 tháng đầu năm lên 1,61 triệu tấn với giá trị 511 triệu USD, tăng 8,6% về khối lượng và 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Thị trường NK chính là Ấn Độ, chiếm tới 70% tổng kim ngạch NK mặt hàng này.
Dựa dẫm vào NK
Theo Bộ NN&PTNT, những năm gần đây, do sự phát triển của ngành chăn nuôi trong nước, NK thức ăn gia súc và nguyên liệu liên tục tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng 10, giá trị NK nhóm mặt hàng này ước đạt 357 triệu USD, đưa tổng kim ngạch NK mặt hàng này 10 tháng đầu năm 2013 đạt 2,73 tỷ USD, tăng 38,5% so cùng kỳ năm trước. Thị trường NK chính của nhóm mặt hàng này là Argentina (chiếm 32,63% thị phần), Ấn Độ (11,6%), và Hoa Kỳ (12,7%).
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn thiếu, hàng năm Việt Nam phải NK trung bình 5,84 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong giai đoạn 2006-2012, tốc độ tăng trưởng NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là 16,38%/năm. Năm 2012, cả nước NK 8,87 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó gồm 4,35 triệu tấn nguyên liệu thuộc nhóm giàu năng lượng; 4,29 triệu tấn nguyên liệu thuộc nhóm giàu protein và 0,23 triệu tấn nguyên liệu thuộc nhóm thức ăn bổ sung-phụ gia. Tổng kim ngạch NK là 3,99 tỷ USD. Tỷ lệ nguyên liệu NK/nguyên liệu sản xuất thức ăn công nghiệp trong nước là 71,21%/28,79%.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc Việt Nam thường xuyên NK nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi là hệ quả tất yếu của việc ngành chăn nuôi Việt Nam thiếu tầm nhìn trong quy hoạch. Cụ thể, Việt Nam chưa quy hoạch cụ thể được vùng nguyên liệu và thiếu đầu tư các yếu tố khác như giống, kỹ thuật cho các loại cây trồng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương… Việc này khiến cho tình hình NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn tới lợi ích của người chăn nuôi trong nước.
Giảm lúa, trồng ngô
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, để tháo gỡ khó khăn cho cả ngành lúa gạo cũng như vấn đề thức ăn chăn nuôi , định hướng trước mắt của Bộ sẽ là chú trọng vào các loại cây trồng phục vụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà nước ta đang phải NK như ngô, đậu tương... Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng thông tư hướng dẫn, cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa để có thể chuyển đổi sang trồng cây khác có lợi thế hơn nhưng không làm thay đổi công năng sản xuất lúa về lâu dài, đồng thời hình thành các vùng sản xuất ngô hàng hóa tập trung...
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Bá Lịch cho rằng, thực tế trong những năm qua, các DN trong ngành chăn nuôi vẫn chưa tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước là lúa gạo. Trong khi lượng NK các loại ngô, đậu tương, lúa mì vẫn ngày càng tăng thì giá lúa gạo trong nước cũng như XK lại thiếu sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. “Gạo cũng được xếp vào nhóm cung cấp năng lượng nên hoàn toàn có thể sử dụng thay thế ngô, lúa mì, hay đậu tương để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các DN nên áp dụng theo cách này để giải quyết đầu ra cho cả lúa gạo cũng như gỡ khó cho bài toán thức ăn chăn nuôi bấy lâu nay”, ông Lịch nói.
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương bổ sung: Việc sử dụng lúa gạo làm thức ăn chăn nuôi hoàn toàn có thể nhưng cũng không hề đơn giản. Muốn làm được điều này, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị như Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi…, nhằm giúp DN chăn nuôi xây dựng được vùng nguyên liệu ngay từ đầu để không phải mua lại lúa thông qua đại lí. Như vậy, có thể tiến tới hoàn toàn lấy lúa gạo làm thức ăn chăn nuôi, đảm bảo được giá thành.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng khẳng định: Nhằm phát triển bền vững ngành chăn nuôi, giải quyết căn bản bài toán thức ăn chăn nuôi, thời gian tới, ngành chăn nuôi định hướng sẽ tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đa dạng hóa nguyên liệu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; mở rộng diện tích trồng cỏ, cây thức ăn xanh, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, giống ưu thế lai và áp dụng quy trình canh tác thâm canh.
Ngoài việc đầu tư nghiên cứu sử dụng các nguyên liệu sẵn có (thóc, gạo, sắn…) ở địa phương để làm thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cũng sẽ chỉ đạo, nghiên cứu các phụ gia, khoáng, vitamin sản xuất trong nước để giảm phục thuộc vào NK; phấn đấu giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.
“Tạo cơ chế cho các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi thiết lập hệ thống kênh phân phối thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ nhà máy xuống thẳng trang trại, không thông qua các đại lý trung gian cùng với áp dụng rộng rãi các giải pháp kỹ thuật trong chế biến nâng cao giá trị sử dụng các loại thức ăn dạng phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi cũng là một giải pháp quan trọng được tính đến”, ông Dương khẳng định.
Uyển Như/ Báo Hải Quan
Không có nhận xét nào: