VINAGRI News - Ngày 18.9, tại TP Cần Thơ, ông Chris Jackson, điều phối viên ban Nông nghiệp và phát triển nông thôn của Ngân hàng thế giới (WB) đã trao đổi ý kiến với đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL để lắng nghe đề xuất từ các địa phương trong việc lập dự án giúp Việt Nam tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Chris Jackson, khẳng định: “Muốn tái cơ cấu lại ngành lúa gạo của ĐBSCL, trước hết phải xác định khó khăn của ngành là cái gì?” Theo ông Chris, hiện ngành nông nghiệp còn những vướng mắc: Thiếu liên kết trong chuỗi giá trị giá trị lúa gạo; xuất khẩu chủ yếu cạnh tranh về giá, chưa chú ý đến chất lượng sản phẩm; thu nhập của người nông dân ở mức thấp, dù sản xuất ngày một tăng…
Ông Cao Thăng Bình (WB) đưa ra ý kiến, một trong những vấn đề trong tái cơ cấu nông nghiệp là nên chăng cần bỏ hẳn vụ hè thu?
Nhiều cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hợp từng kỳ vọng vào dự án nào đó, nhưng nay thì dòng máy của Kubota, Yanmar đã dập tắt hết mọi hi vọng. Ảnh: Lê Hoàng Yến
Bà Huỳnh Thị Nghĩa, chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp dẫn chứng: “Ở Đồng Tháp, diện tích đất trồng lúa khoảng 500.000 ha/năm nhưng thu nhập bình quân của nông dân rất thấp, vụ đông xuân chỉ 10 triệu đồng/ha; 2,4 và 6,3 triệu đồng/ha lần lượt đối với vụ hè thu và thu đông. Vấn đề bỏ hay giảm diện tích trồng vào vụ hè thu đã được khuyến cáo nhiều lần, nhưng bỏ rồi nông dân sẽ làm gì? Thay thế cây trồng hay chuyển đổi cái gì, tiêu thụ ở đâu thì chưa biết”.
Ông Steven Jaffee (WB), chỉ ra một thách thức khác cần được khắc phục đối với ngành lúa gạo ĐBSCL, là sản xuất manh mún, có quá nhiều khâu trong chuỗi giá trị. Đặc biệt mỗi khâu có chi phí đầu vào rất cao, dù hiện có nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị.
Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ông Phạm Văn Quỳnh, cho rằng khi đánh giá sản xuất ngành lúa gạo, hầu như chỉ được xét ở khía cạnh bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, còn giải pháp giải quyết vấn đề thu nhập của nông dân hầu như ít được nói đến, dù đây là vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo của ĐBSCL.
Đối với các doanh nghiệp, mở rộng mối liên kết sản xuất nông dân – doanh nghiệp thông qua cánh đồng mẫu lớn, sẽ khắc phục tình trạng sản xuất manh mún. Ông Phạm Thái Bình, giám đốc công ty TNHH Trung An cho biết, mô hình này từ khi thực hiện đến nay đã ba năm, chưa thấy rủi ro với nông dân, nhưng vì sao mô hình cánh đồng mẫu lớn này hay như vậy, có hiệu quả như vậy mà nông dân vẫn còn khó khăn? Sao chưa mở rộng?”. Ông Bình cho rằng doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực thì Chính phủ bớt quan tâm. Bản thân ông phải “tự bơi” trong các khâu đầu tư kho chứa, hệ thống sấy, xay xát… Mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu trung bình 150.000 tấn gạo tương đương 300.000 tấn lúa, với năng suất 8 tấn lúa/ha; tính ra doanh nghiệp phải đầu tư gần 20.000ha/vụ (mỗi năm 2 vụ). Bình quân 1ha phải đầu tư 40 triệu đồng, giả sử doanh nghiệp hoạt động hết công suất là 20.000 ha thì liệu có ngân hàng nào cho ông vay số tiền 40 triệu USD (tương đương 800 tỷ) không?
Ngoài vấn đề về chính sách tín dụng, ông Bình cũng kiến nghị thêm về cơ chế chính sách xuất khẩu gạo hiện nay còn nhiều bất cập. “Giả sử có chính sách hỗ trợ, liệu doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với WB chứ không thông qua các tổ chức khác có được không?” Ông Bình nói.
“Muốn mua trực tiếp lúa tươi tại ruộng, những doanh nghiệp chưa có tiềm lực về tài chính và nguồn nhân lực sẽ rất khó khăn. Nếu được hỗ trợ, doanh nghiệp rất mong được quan tâm về đầu tư hệ thống sấy, cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là phương tiện vận chuyển vì ĐBSCL có nhiều kênh rạch”, bà Lưu Thị Lan, phó tổng giám đốc công ty Gentraco, nói.
Ngọc Bích/ Báo SGTT
Không có nhận xét nào: