VINAGRI News - Ai cũng biết khó khăn hiện nay trong phát triển RAT ở khâu phân phối, tiêu thụ và Hà Nội đã thử nhiều cách thức, song mô hình nào thực sự có hiệu quả?
Nơi kỳ vọng gây thất vọng
Theo tìm hiểu của NNVN, TP Hà Nội đã và đang áp dụng 3 phương thức chủ lực kết nối tiêu thụ sản phẩm RAT. Thứ nhất, qua các quầy và cửa hàng RAT tại các chợ và các khu phố do Sở Công thương phát động; thứ hai, qua TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) bằng hệ thống siêu thị Hapro food và thứ 3 là qua Sàn Giao dịch rau quả & thực phẩm an toàn (sanbanbuon.vn) của Chi cục BVTV (Sở NN-PTNT Hà Nội).
Quầy RAT là hình thức đầu tiên được Sở Công thương Hà Nội thí điểm từ năm 2010. Tuy nhiên, chỉ một thời gian đi vào hoạt động các quầy RAT cho thấy sự kém hiệu quả khi người tiêu dùng vẫn thờ ơ và chọn mua rau tại các sạp rau truyền thống trong chợ.
Nguyên nhân dẫn tới sự hẩm hiu của RAT bán tại quầy đặt gần các chợ truyền thống do người tiêu dùng chưa thật sự có lòng tin và quan trọng là giá rau tại quầy luôn đắt hơn so với rau bán theo phương thức truyền thống bởi khâu trung gian vẫn còn quá nhiều. Không lâu sau ngày khai trương rầm rộ, các quầy RAT dần lui vào dĩ vãng và giờ chỉ còn một số cửa hàng là còn hoạt động, song trên tinh thần độc lập, tự chủ là chính.
Kênh phân phối tiêu thụ RAT thứ hai từng được TP Hà Nội rất kỳ vọng là thông qua hệ thống các siêu thị của Hapro. Theo tìm hiểu, hiện nay TP. Hà Nội tạo mọi điều kiện cho Hapro kinh doanh và bán sản phẩm RAT đến với người dân thông qua hỗ trợ lãi suất 0%/năm. Trong tổng số hàng chục địa điểm đẹp của mình, Hapro hiện dành 23 điểm siêu thị, cửa hàng để bán RAT.
Tuy nhiên, có một thực tế là sản lượng RAT tiêu thụ thông qua hệ thống Hapro food không cao. Như chia sẻ của ông Phạm Công Thạch, Giám đốc Cty CP Chế biến rau củ quả an toàn Hapro (Cty con Hapro) RAT bán qua 23 địa điểm chỉ đạt xấp xỉ 2 tấn/ngày.
Sơ chế RAT tại HTX Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội)
Lí giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó TGĐ Hapro cho biết, bản thân Hapro cũng muốn bán thật nhiều RAT để cho khỏi bị lỗ, song do thói quen tiêu dùng nên người dân mua rau tại siêu thị chưa được nhiều. Ông Vượng khẳng định, hệ thống siêu thị luôn ưu tiên các sạp hàng đẹp nhất ở vị trí mặt tiền để trưng bán sản phẩm RAT, song người tiêu dùng không mua cũng đành chịu?
Nhưng theo chia sẻ của một số DN làm nhiệm vụ cung ứng RAT cho Hapro, nguyên nhân dẫn tới việc tiêu thụ RAT thông qua Hapro thấp chủ yếu do lợi nhuận từ rau quá nhỏ so với các mặt hàng khác nên nhân viên bán hàng không mặn mà, thiếu quan tâm.
Chính vì vậy, nhiều khi lãnh đạo Hapro dùng cả biện pháp cưỡng chế hành chính áp chỉ tiêu cho nhân viên siêu thị phải bán RAT nhưng hiệu quả cũng chẳng được cải thiện là bao. Mặt khác, nhìn chung RAT bán tại hệ thống siêu thị Hapro so với mặt bằng chung còn khá cao vì vẫn phải qua khâu trung gian. Lâu dần, sản lượng RAT tại các siêu thị của Hapro cứ tụt giảm.
Hiện, có khá nhiều đơn hàng trong các hệ thống của Hapro chưa đến 100.000 đồng/ngày, thậm chí có đơn chỉ 35.000 đồng/ngày. Vậy là hệ thống tiêu thụ được TP Hà Nội kỳ vọng lớn nhất là Hapro cho đến thời điểm này vẫn chưa phát huy được lợi thế, vai trò đầu tàu của mình.
Tia sáng từ sanbuonban.vn
Trong lúc lãnh đạo thành phố cũng như ngành nông nghiệp Hà Nội còn đang đau đầu với bài toán phân phối, tiêu thụ RAT thì xuất hiện 1 điểm sáng từ Chi cục BVTV Hà Nội thông qua việc thí điểm Sàn Giao dịch rau quả & thực phẩm an toàn (sanbanbuon.vn).
Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc sanbanbuon.vn cho hay, hiện đơn vị này đã mở được 480 điểm bán RAT, trong đó đang duy trì hoạt động 80 điểm trong hầu hết các khu phố, khu dân cư do các HTX, Cty trực tiếp giao dịch với người dân nên cắt được hầu hết mọi khâu trung gian, giá bán chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với rau ngoài thị trường, song chất lượng được đảm bảo nên bước đầu cho thấy hiệu quả.
“Bình quân, sản lượng RAT giao dịch qua sanbanbuon.vn mỗi ngày khoảng 3 tấn. Nhìn chung, sau gần 1 năm đi vào hoạt động, người dân cơ bản hài lòng với chất lượng, dịch vụ do các HTX và Cty RAT cung ứng. Tuy nhiên, lúc trước chưa có thị trường một số HTX, DN kêu ca bán RAT ngoài chợ đầu mối rẻ quá, nay có đầu ra rồi cũng có hiện tượng một số đơn vị nâng giá bán.
Về vấn đề này, sắp tới chúng tôi sẽ khắc phục bằng việc cho nhiều đơn vị cạnh tranh với nhau về giá tại cùng một điểm tiêu thụ, hi vọng sẽ chấm dứt được việc nâng giá của các đơn vị SX RAT”, ông Lưu nói.
Theo cơ chế thí điểm bán RAT thông qua sanbanbuon.vn, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng cho 1 điểm tiêu thụ. Trong đó, sanbanbuon.vn là đơn vị kết nối được hưởng 1 triệu đồng/tháng để duy trì hoạt động, những người đứng ra làm đại diện ở các điểm được hưởng 1 triệu đồng còn lại.
Hằng ngày, vào mỗi buổi sáng các HTX, DN gửi báo giá, số lượng, mặt hàng RAT của mình tới sanbanbuon.vn. Sau đó, sanbanbuon.vn tổng hợp lại rồi gửi tới 80 điểm bán RAT trên địa bàn thành phố vào buổi chiều hôm đó.
Trên cơ sở giá của các nhà SX, đại diện những điểm tiêu thụ RAT có quyền lựa chọn đơn vị có uy tín giá cả cạnh tranh nhất để đặt hàng. Khi giao dịch đã được khớp lệnh, theo yêu cầu của điểm mua RAT, các đơn vị SX sẽ cho người vận chuyển rau đến đúng hẹn vào ngày hôm sau.
Bà Lê Thị Ân ở phòng 104 I4, phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân) tâm sự, mỗi tuần bà tổ chức lấy rau cho người dân trong khu phố 2 lần, sản lượng 2,5 - 3 tạ. Từ ngày chuyển sang mua rau qua sanbanbuon.vn, bà con trong khu phố I4 hầu như ít khi mua rau ở ngoài chợ vì chất lượng rau ở sàn rất đảm bảo, giá cả ổn định, tính ra không đắt hơn ở chợ là bao vì đã được sơ chế đóng gói cẩn thận.
Còn bà Nguyễn Thị Sửu ở phòng 413 nhà A3A, Khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình) tỏ ra khá hài lòng với cung cách phục vụ của Cty TNHH Thọ An ở huyện Thường Tín vì giá RAT của đơn vị này luôn “mềm” hơn so với những đơn vị khác, chất lượng nhiều tháng qua luôn ổn định, chưa xảy ra bất cứ phàn nàn, điều tiếng gì từ phía người mua rau.
Đã có sự ưu việt trong khâu phân phối khi cắt được khâu trung gian, song tiêu thụ RAT qua sanbanbuon.vn vẫn còn một số nhược điểm cần khắc phục. Đặc biệt, khi mở rộng các điểm tiêu thụ RAT lên con số hàng trăm, việc sát và quản lý trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp.
Tuy nhiên, chủ trương phát triển RAT của TP Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn, dù khó khăn đến mấy cũng phải làm, bởi không thể để người dân ở một Thủ đô văn minh ăn rau không sạch mãi được.
Do đó, ngành nông nghiệp Hà Nội cần sớm có cơ chế, biện pháp giải quyết triệt để những bất cập của mô hình bán RAT qua sàn giao dịch. Qua đó, cố gắng xây dựng sanbanbuon.vn trở thành kênh tiêu thụ RAT thật sự hiệu quả (Hết).
Nguyên Huân/ Báo NNVN
Không có nhận xét nào: