VINAGRI NewsThay vì không khí rầm rộ xuống đồng chăm sóc rau màu vụ hè thu và xuống giống vụ đông sớm, nông dân ở các vựa rau đang nín thở cầu mong cho “siêu bão” Utor đừng giáng thêm những đợt mưa. Trong khi đó, tình trạng úng ngập nhiều nơi vẫn nguy kịch.

Vĩnh Phúc: Úng ngập rất nguy kịch

Theo số liệu báo cáo nhanh của Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, đến ngày 12/8 toàn tỉnh có khoảng 4.000 ha ngập úng. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng là 3.500 ha; diện tích hoa màu bị ảnh hưởng khoảng 500 ha.

Nguy hiểm hơn, việc chống úng trong nội đồng của các huyện vùng trũng như Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên… vô cùng nan giải, bởi hàng loạt các hồ chứa của các huyện vùng cao như Tam Dương, Tam Đảo, Nam Dương đều ở mức vượt ngưỡng tràn, phải xả lũ để đảm bảo an toàn. Bà Thiều Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho biết: “Lượng nước đệm trong nội đồng bị ứ đọng nhiều ngày nay do dòng chảy của các kênh tiêu bị tắc nghẽn, không thể thoát ra sông. Thậm chí có nơi, nước còn dềnh cao hơn so với 1-2 ngày trước. Nếu xảy ra mưa lớn trong 1-2 ngày tới thì chúng tôi không thể nào chống đỡ được”.

Vĩnh Tường là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 6 gây ra. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng phòng NN-PTNT Vĩnh Tường, cho biết: Tính đến thời điểm này, diện tích lúa bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện khoảng hơn 1.000 ha (trong đó diện tích ngập trắng khoảng gần 400 ha; diện tích ngập 2/3 khoảng 600 ha), diện tích rau màu bị dập nát khoảng 200 ha.

Có mặt trên những cánh đồng Đồng Vân, Đồng Rừng… thuộc xã Đại Đồng vào chiều 13/8, lọt vào mắt của phóng viên Báo NNVN là khung cảnh nước ngập trắng đồng, hàng trăm ha lúa, rau màu tan nát trước sự tàn phá dữ dội của liên tiếp những trận mưa lớn những ngày qua. Những tuyến đường nội đồng như Phong Giang, Đồng Đức, Đồng Mô, Sườn Chó, Con Chim… đều ngập nặng ở độ sâu từ 70 đến 80 cm, người dân không thể đi lại.

Nước ngập lâu ngày khiến ruộng dưa chuẩn bị cho thu hoạch bị thối rễ

Ông Bùi Văn Đông, phó chủ tịch xã Đại Đồng, chia sẻ: “Cơn bão số 6 khiến 217 ha lúa của địa phương bị ngập úng (trong đó diện tích ngập trắng khoảng 50 ha, diện tích ngập 2/3 khoảng 167 ha). Do hệ thống sông Phan bị tắc nghẽn nghiêm trọng nên hoạt động tiêu úng gần như dậm chân tại chỗ. Từ trưa qua tới giờ, mực nước chỉ rút được 10 cm. Hiện cây lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng, tình trạng ngập đã diễn ra liên tục 5 ngày nên nguy cơ bị thối đòng rất dễ xảy ra".

Đến tháng 9 tỉnh Vĩnh Phúc mới triển khai vụ đông năm 2013. Tuy nhiên, tại xã Đại Đồng, bà con đã bắt đầu gieo trồng rau màu vụ đông sớm từ trung tuần tháng 7. Ông Chu Văn Liệu, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau quả Đại Đồng cho hay: “Trước thời điểm bão số 5 ập vào, toàn xã đã gieo trồng được 30 ha rau màu vụ đông sớm. Trong đó có 3 ha su hào; 7 ha cà chua ghép; 5 ha ớt; 15 ha rau cải các loại nhưng đều lụi sạch. Hàng chục ha dưa lê siêu ngọt chuẩn bị cho thu hoạch cũng bị thối rễ chết, nông dân trắng tay”.

Ông Bùi Mạnh Hùng, ở thôn 7, xã Đại Đồng, nói: “Nhà tôi có 3 sào cà chua ghép đang kỳ ra hoa và 3 sào rau cải Hồng Kông chuẩn bị cho thu hoạch. Hiện tại, giá 1 kg rau cải Hồng Kông là 10.000 đ, nếu kịp cắt bán thì thu về ít nhất 10 triệu đ/sào. Còn cà chua để đậu quả thu hết vụ như năm ngoái cũng kiếm được 25 – 30 triệu đ/sào. Bây giờ mất hết rồi!”.

Hải Dương: Nơm nớp chờ hết bão

Rau màu vụ hè thu và vụ đông sớm luôn là “cứu cánh” quyết định thành hay bại trong cả một năm của nông dân ở vựa rau huyện Gia Lộc (Hải Dương). Tuy nhiên, hi vọng ấy đang đứng trước nguy cơ tan tành, khi mà nông dân chưa kịp vuốt mặt sau những đợt mưa liên tiếp từ ảnh hưởng của bão số 5 và bão số 6, đã lại nơm nớp trước thông tin một trận “siêu bão” đang rình rập đổ ập nước xuống vùng Đông Bắc Bộ.

Hôm qua (13/8), chúng tôi về vựa rau xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc). Dọc các bờ thửa ở các cánh đồng trồng rau vụ đông sớm vẫn trơ trọi đất, những đụn dây dưa lê, dưa hấu lổn nhổn quả bốc mùi hôi thối dưới cái nóng hầm hập của những ngày chờ bão. Mồ hôi nhễ nhại dọn nốt gốc rễ, nilon phủ đất - những tàn dư ở ruộng dưa lê vụ hè thu, ông Nguyễn Thúc Độ (thôn Cáy, xã Đoàn Thượng) kể như mếu: “Mưa gì mà thối đất thối cát! Dưa lê và dưa hấu vụ hè thu nhà tôi sắp thu hoạch, dù không bị ngập úng nhưng sau gần một tuần mưa liên tục do cơn bão số 5, lại thêm mấy ngày mưa ở cơn bão số 6 nên thối rễ, chết dây sạch sành sanh. Tám sào dưa, dự tính mỗi sào thu ít nhất cũng 6 triệu bạc nhưng chỉ kịp vớt vát, bán tống bán tháo dưa chạy lụt được 2.000 đ/kg, 80% gần như mất trắng”.

+ Theo Phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc, nếu những ngày tới tiếp tục có mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão Utor, sẽ có ít nhất 400 – 500 ha rau màu vụ đông sớm của huyện này sẽ bị muộn thời vụ, kéo theo rất nhiều sức ép thời vụ cho vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, ít nhất 600 ha rau màu vụ hè thu của huyện này bị ảnh hưởng do mưa lớn từ các cơn bão số 5 và số 6, sẽ rất khó phục hồi nếu tiếp tục gặp mưa lớn.

+ Theo thống kê của Cục Trồng trọt, tính đến ngày hôm qua (13/8), đã có ít nhất hơn 27.300 ha cây trồng các loại ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do đợt bão kép số 5 và số 6 (trong đó lúa gần 19 nghìn ha, rau màu các loại gần 6.000 ha...).

“Mất keo này, bày keo khác”, xem như mất một vụ rau sớm, nhưng từ nay đến cuối năm, khéo quay vòng đất thì hẵng còn những 3 vụ rau nữa – nông dân vùng rau xã Đoàn Thượng nghĩ vậy. Thế nhưng khi họ chưa kịp dọn dẹp đất để đưa tiếp lứa su hào, cải bắp hay cải dưa mới xuống ruộng thì mấy ngày qua, đã lại nghe tivi thông báo có bão, dự báo kèm theo mưa lớn. “Mất vụ dưa sớm, tôi dọn dẹp ruộng, đã đặt sẵn giống, định bụng trong tuần này hoặc muộn nhất đầu tuần tới sẽ phải xuống giống gần 1 mẫu cải bắp và cải xanh. Thế nhưng giờ lại nghe có bão, đành phải “om” giống lại, bỏ đất chờ hết bão chứ biết sao bây giờ?” – nông dân Nguyễn Thúc Độ ngán ngẩm.

Ước tính của UBND xã Đoàn Thượng cho biết đến thời điểm này, đã có hơn 37 ha dưa lê, dưa hấu vụ hè thu bị thối, thiệt hại trên 80% do mưa lớn trong đợt bão số 5 và số 6. Trong khi đó, khoảng 30 ha rau vụ đông sớm các loại xuống giống từ đầu tháng 8/2013 đến nay, cùng 10 ha ngô ngọt sắp thu hoạch đã bị dập nát, có biểu hiện nghẹt rễ vì mưa lớn trong thời gian qua, nếu tiếp tục gặp mưa trong những ngày tới sẽ rất khó phục hồi trở lại.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã Đoàn Thượng lo ngay ngáy cho biết: Theo kế hoạch, để gối vụ nhằm đảm bảo từ nay đến cuối năm 2013 đạt 3 vụ rau, thì từ thời điểm này đến đầu tháng 9/2013, sẽ có khoảng ít nhất 30 ha rau vụ đông sớm như su hào, cải bắp, cải dưa... sẽ phải xuống giống. Nếu những ngày tới lại có mưa lớn do ảnh hưởng của bão Utor, kế hoạch này coi như phá sản, và vụ đông sớm cầm chắc muộn từ 7 – 10 ngày.

Cảnh báo mưa lớn  

Theo Trung tâm dự báo KTTV TƯ tại cuộc họp BCĐ Quốc gia PCLB và TKCN: Đến cuối chiều qua (13/8), đường đi của bão Utor có xu hướng hơi dịch về phía Bắc, dự báo đến chiều nay (14/8), bão sẽ đạt tốc độ cực đại cấp 14, cấp 15 rồi đổ bộ vào đất liền bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó đi vào đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Tập hợp dự báo các của VN cũng như các nước cho thấy sau khi đi vào Quảng Tây, bão sẽ giảm xuống chỉ còn cấp 7, cấp 8 và di chuyển chậm lại, sau đó tiếp tục chuyển hướng lệch về phía tây và tây tây bắc – hướng vòng xuống khu vực biên giới giữa VN và Trung Quốc (thuộc địa phận các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang), tuy nhiên sức gió lúc đó sẽ giảm còn rất yếu. Như vậy, mặc dù “siêu bão” Utor không trực tiếp độ bộ vào đất liền nước ta, nhưng dự báo hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn cho vùng Đông Bắc và Trung du MNPB.

Cụ thể từ đêm mai (15/8), mưa to và rất to sẽ bắt đầu từ khu Đông Bắc gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, sau đó lan dần sang phía Tây thuộc các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu kể từ ngày 16 – 18/8. Dự kiến, tổng lượng mưa có thể lên tới 300 mm. Bên cạnh đó, vùng đồng bằng trung du Bắc bộ cũng sẽ có mưa với lượng mưa trên 100 mm. Tại khu vực Hà Nội, mặc dù tổng lượng mưa được dự báo không lớn nhưng cần đề phòng mưa lớn gây ngập cục bộ trong cơn dông.

Trên biển, từ chiều nay, Vịnh Bắc Bộ sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng đông bắc Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 8, cấp 9. Tuy nhiên, do có gió Tây Nam từ đất liên thổi ra nên sức gió sẽ giảm đi nên không đáng ngại. Theo Bộ Quốc phòng, hiện các tàu bè cũng đã được di chuyển hoàn toàn khỏi khu vực này. Bên cạnh đó, Trung tâm dự báo KTTV TƯ cảnh báo kể từ chiều nay, vùng biển Đông Bắc gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, trong đó đặc biệt ở Vịnh Hạ Long sẽ có dông lốc, hết sức đề phòng tàu thuyền, đặc biệt du khách không nên ở lại trên tàu thuyền du lịch, gây thiệt hại về người như nhiều cơn bão trước đây.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương tiếp tục cảnh giác cao trước mưa lớn cục bộ, đặc biệt đề phòng, chuẩn bị mọi phương án đối phó với lũ trên các sông Bắc Bộ.

Lê Bền - Minh Phúc/ Báo NNVN

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: