» » Nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành hành: Ai chịu trách nhiệm?

VINAGRI NewsLà loại vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất ngành trồng trọt nhưng có một thực trạng là, giá cả thị trường phân bón luôn biến động, đặc biệt, nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang hoành hành đã và đang gây những ảnh hưởng xấu đối với sản xuất nông nghiệp. Và hơn hết cả là số phận của những người nông dân. 

Ảnh: Lê Minh

Nông dân - đối tượng thiệt thòi nhất

Tại một hội nghị liên quan đến các vấn đề về phân bón và hoá chất trong canh tác đất nông nghiệp vừa được  Trung tâm xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức mới đây, vấn đề bức xúc liên quan đến nạn phân bón giả, kém chất lượng lại được xới lên. Theo nhận định của ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Các vụ vi phạm không chỉ ở mức độ nhỏ lẻ mà còn xuất hiện những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như việc phân bón kém chất lượng sản xuất tại Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, đối tượng vi phạm cũng rất đa dạng và hoạt động khá tinh vi nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.

Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 500 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó có một số DN có năng lực sản xuất tương đối lớn. Từ chỗ phải nhập khẩu gần 60%  đến nay, các DN trong nước đã chủ động được nguồn cung phân u-rê, phát triển những loại phân bón mới như DAP, ka-li... Tuy nhiên, do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu đối với các loại phân bón SA, ka-li cho nên cả nước vẫn phải nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn phân bón để phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Song, lý do khiến thị trường phân bón vẫn đang rất "lộm nhộm”, một phần nguyên nhân được cho là sản phẩm này chưa được quy định là mặt hàng sản xuất kinh doanh (SXKD) có điều kiện, có giấy chứng nhận hoặc giấy phép, do vậy nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn có thể tham gia SXKD. Hậu quả là tình trạng SXKD phân bón giả, phân bón kém chất lượng, làm hàng nhái đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại cho bà con nông dân, nhất là ở những địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Tý, (Hoài Đức - Hà Nội) hiện, gia đình ông đang canh tác 1 mẫu ruộng, trong đó có 2 sào lúa và 8 sào chuyên trồng các loại cây rau, mầu. Việc trồng rau mầu rất tốn phân đạm, tiền chi phí để mua phân đạm lại rất cao nhưng cái khó là thị trường nhiều loại thật giả lẫn lộn, nhiều khi mua phải hàng giả thì thiệt hại đủ đường.

Vấn đề của ông Tý cũng là vấn đề của phần lớn các nông hộ hiện nay, khi mà trên thị trường, nạn phân bón giả vẫn đang hoành hành và ngày càng ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Theo đánh giá của ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), phân bón là loại vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất ngành trồng trọt nhưng luôn biến động về giá và nguồn cung, do đó sản phẩm này là yếu tố tác động rất lớn đến sản xuất, gây khó khăn và thiệt hại cho nông dân. 

Trung bình mỗi năm, số tiền nông dân thiệt hại do sử dụng phân bón giả và kém chất lượng lên tới nhiều tỷ đồng. Con số cụ thể còn gây nhức nhối hơn khi chỉ tính riêng trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.372 vụ, xử lý 1.390 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón với số tiền hơn 17 tỷ đồng và tịch thu 917 tấn phân bón các loại.

Những con số nói trên cho thấy, người  nông dân ở bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào cũng đang là đối tượng thiệt thòi nhất, nay lại tiếp tục là nạn nhân của những hành vi trục lợi ở thị trường phân bón.

Chồng chéo quản lý

Trung bình mỗi năm, số tiền nông dân thiệt hại do sử dụng phân bón giả và kém chất lượng lên tới nhiều tỷ đồng. Con số cụ thể còn gây nhức nhối hơn khi chỉ tính riêng trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.372 vụ, xử lý 1.390 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón với số tiền hơn 17 tỷ đồng và tịch thu 917 tấn phân bón các loại.

Để ổn định lại thị trường này, nhằm mang lại sự yên tâm trồng trọt sản xuất cho các hộ nông dân, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó phải kể đến Nghị định về sản xuất kinh doanh phân bón, thay thế Nghị định 113 đang được Bộ Công thương xây dựng. Theo bà Đỗ Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương), Nghị định mới này thay thế Nghị định 113 theo hướng coi mặt hàng phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Lãnh đạo Cục Hóa chất cũng khẳng định, khi Nghị định này được ban hành và đi vào thực tiễn, đồng thời, cùng với việc tập trung đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất kinh doanh của các DN ở thị trường này, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng sẽ giảm. 

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi Nghị định nói trên được ban hành, thì nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn tiếp tục hoành hành, và như vậy, rõ ràng, đối tượng chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân (chủ yếu là nông dân). Vậy, những thiệt thòi đó của người dân, ai sẽ chịu trách nhiệm(?) Bản thân Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cũng phải thừa nhận rằng, việc xử lý triệt để những DN "cuốc xẻng” (DN sản xuất loại phân bón có công nghệ tương đối đơn giản như NPK –PV) là rất khó, trong khi đó, sự quản lý thị trường này cũng đang khá chồng chéo giữa các Bộ, khó quy trách nhiệm cụ thể khi có sự việc xảy ra… thì kỳ vọng dập tắt hoàn toàn nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn chỉ là… kỳ vọng.

Minh Phương/ Báo Đại Đoàn Kết

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: