» » Thị trường lúa gạo bấp bênh: Nổi nênh phận người dân chân lấm tay bùn

VINAGRI NewsTừ sau thời điểm Nhà nước thôi mua tạm trữ lúa gạo (15-8), giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu rớt và ngày càng giảm sâu. Năm nào cũng vậy, giá lúa chỉ nhích lên trong đúng khoảng thời gian Chính phủ tổ chức thu mua tạm trữ lúa gạo (1 tháng). Để rồi sau thời gian đó, người nông dân lại quay quắt vì giá lúa rớt. "Điệp khúc” đó khiến người nông dân rơi vào khó khăn.

Thị trường lúa gạo bấp bênh, người nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất - Ảnh: Hoàng Long

Hết thu mua tạm trữ, lúa không giữ được giá

Theo phản ảnh của nhiều nông hộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ sau ngày 15-8 đến nay, thời điểm Chính phủ dừng việc thu mua tạm trữ lúa gạo, giá lúa gạo ở khu vực này bắt đầu hạ. Ở thời điểm này, tại các tỉnh như An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp… giá lúa so với đầu tháng 8-2013 đã rớt khoảng 200 - 500 đồng/kg tùy loại. Giá gạo theo đó cũng giảm 200 – 300 đồng/kg. 

Chỉ ra nguyên nhân giá lúa giảm, nhiều chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, do ảnh hưởng của giá xuất khẩu giảm nên giá lúa trong nước cũng phải hạ nhiệt theo. Lại cũng đúng thời điểm hết thời gian tạm trữ, nên các  DN không còn được hỗ trợ từ lãi suất ngân hàng, do đó, họ không thể giữ "phong độ” tiếp tục mua lúa gạo trong nước với giá cao. 

Thêm vào đó, thời gian qua, các DN xuất khẩu gạo cũng phải đối diện với việc nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy, cùng với những áp lực khác như việc giảm giá bán gạo của Ấn Độ, Thái Lan… đã tạo áp lực lên thị trường lúa gạo trong nước. Như vậy, có thể thấy, có quá nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường lúa gạo thời gian gần đây. Và không ai khác, chính người nông dân là đối tượng chịu thiệt nhất.

Song, điều đáng nói ở đây là, tình trạng này đã diễn ra lâu nay, bài học đã quá cũ, nhưng dường như cơ quan quản lý vẫn chỉ quanh quẩn với những giải pháp chỉ mang tính chất tạm thời. Còn làm sao để giá trị hạt gạo được nâng cao, làm sao để người nông dân làm ra hạt gạo được thụ hưởng những thành quả xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra, câu hỏi đó đã được đặt ra nhiều năm nay, song đến giờ vẫn chưa có lời giải nào thực sự hiệu quả.

Nâng cao giá trị hạt gạo – Khi nào?

Và một lần nữa, vấn đề chất lượng, giá trị hạt gạo cần phải được đặt ra. Có một thực tế là, lâu nay, chất lượng hạt gạo của Việt Nam không đồng đều. Là một nước xuất khẩu gạo vào tầm nhất, nhì thế giới, song, theo đánh giá của giới chuyên gia, gạo Việt Nam chưa có một chuẩn chung nào về chất lượng. 

Một trong những mục tiêu cụ thể được đặt ra trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được dư luận quan tâm và kỳ vọng, đó là, đến năm 2020 phấn đấu tăng gấp hơn 2,5 lần thu nhập bình quân của nông dân so với năm 2008.

Thử hình dung thế này, người nông dân tự đi mua giống lúa về trồng, tự chăm bón, tự thu hoạch… theo ý mình. Tất cả đều làm một cách tự phát, và hầu hết các nông hộ đều có tư tưởng "được vụ nào ăn vụ đấy”, chứ không làm theo một quy trình nào cả…  Tất cả những cái được coi là "tự phát” ấy, cộng với phương thức thu mua của thương lái cũng ở tình trạng "ăn xổi”, đương nhiên sẽ dẫn đến thực trạng chất lượng hạt gạo không đồng đều.

Đây không phải là vấn đề mới, song nó lại cứ tiếp diễn năm này qua năm khác, bởi vậy, nó không những làm cho thị trường lúa gạo luôn ở tình thế bấp bênh, mà còn khiến cho người nông dân luôn thấp thỏm, lo âu khi làm ra được hạt gạo mà không kiểm soát được số phận của hạt gạo.

Chuyên gia ngành lúa gạo Nguyễn Đình Bích không ít lần nhắc đến việc cần phải sắp xếp, tổ chức lại hệ thống sản xuất phân phối trong hoạt động của thị trường lúa gạo, bởi theo ông, nếu vẫn còn tình trạng DN trong nước tự cạnh tranh lẫn nhau, và cả phương thức làm ăn manh mún như hiện nay của bà con nông dân, thì sẽ khó có thể nghĩ tới việc tạo một thị trường lúa gạo phát triển ổn định. 

Và đương nhiên, khi một thị trường lúa gạo không thể phát triển ổn định, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến người sản xuất, kinh doanh tại thị trường đó. 

Bản thân các DN kinh doanh lúa gạo, rõ ràng họ cũng đang rơi vào tình thế éo le khi mà các hợp đồng liên tục bị hủy thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu thì rớt thê thảm. Số liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, chỉ trong 7 tháng đầu năm, số lượng hợp đồng bị hủy tăng cao đến gần 940.000 tấn.

Song, nhìn đi nhìn lại, vẫn thấy nông dân là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất. Để giải quyết được vấn đề này, một lần nữa, yêu cầu về những giải pháp làm sao để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam lại được đặt ra. Và dường như mọi kỳ vọng đang được đổ dồn vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt mới đây. Nói như Bộ trưởng Cao Đức Phát, đã đến lúc Việt Nam phải chuyển mạnh sang nền nông nghiệp mới, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng để làm tăng thu nhập cho nông dân. Điều này đã thể hiện ở đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vừa qua đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. "Khi ngành nông nghiệp có hiệu quả cao hơn, từ đó mới nâng cao nhanh hơn thu nhập và cải thiện đời sống của bà con nông dân” -  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng.

Tuy thế, nhìn lại thực tế suốt nhiều năm qua, "điệp khúc” được mùa rớt giá vẫn rất nhức nhối. Nó như một bài học cũ mà không sao tìm được lời giải mới.

Duy Phương/ Báo Đại Đoàn Kết

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Giá cà phê trong nước ngày 27/08 xuống 37,6 triệu đồng/tấn sau 8 phiên giảm
»
Sau
Nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành hành: Ai chịu trách nhiệm?

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: