VINAGRI News - Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho hay sẽ áp dụng mẫu hợp đồng mới để hạn chế tình trạng hủy hợp đồng xuất khẩu gạo diễn ra ồ ạt trong nhiều tháng trở lại
Nông dân thu hoạch lúa trên đồng. Ảnh: TC.
Người mua hủy hợp đồng nhiều hơn người bán
Phó Chủ tịch VFA Phạm Văn Bảy cho biết, trong thời gian qua việc hợp đồng xuất khẩu gạo bị phá hủy đều liên quan đến người bán (doanh nghiệp Việt Nam) và người mua (đối tác nước ngoài). Tuy nhiên, tỷ lệ người mua hủy hợp đồng không nhận hàng nhiều hơn. Vì thế, trong thời gian tới, VFA sẽ đưa ra một bản hợp đồng mẫu có cải tiến để giới thiệu cho doanh nghiệp khi ký các hợp đồng thương mại.
“Việc áp dụng hợp đồng mẫu của VFA sẽ giúp bên bán có thể có lợi thế hơn và có cơ sở pháp lý để đưa ra tòa án kinh tế nếu bên kia đơn phương phá vỡ hợp đồng”, ông Bảy nói.
Bên cạnh nguyên nhân giá gạo tăng đột ngột dẫn đến hủy hợp đồng xuất khẩu gạo, ông Bảy cho biết là do hai bên mua và bán không tiến hành thủ tục mở L/C (tín dụng thư xuất khẩu). Hầu hết các trường hợp hủy hợp đồng rơi vào các hợp đồng thương mại, là thỏa thuận mua bán giữa doanh nghiệp với nhau, phân biệt với hợp đồng cấp chính phủ, ký giữa chính phủ hai nước.
“Trong tổng lượng gạo xuất khẩu hằng năm của Việt Nam những hợp đồng do chính phủ ký chỉ chiếm phần nhỏ mà chủ yếu là hợp đồng thương mại nên việc có một hợp đồng mẫu giúp doanh nghiệp tránh bị rơi vào tình trạng hủy hợp đồng hàng loạt như thời gian qua là cần thiết”, ông nói.
Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood2) cho biết, nhiều trường hợp hủy hợp đồng xuất khẩu gạo thường rơi vào các doanh nghiệp tư nhân, không được phân chỉ tiêu tạm trữ hoặc được phân chỉ tiêu tạm trữ nhưng ngân hàng không đồng ý cấp tín dụng vì thành tích kinh doanh kém, kinh doanh thua lỗ.
Tuy nhiên, đa số các trường hợp hủy hợp đồng trong thời gian gần đây là do nhiều doanh nghiệp lỡ ký hợp đồng giá thấp, các hợp đồng cùng đến hạn giao hàng gần nhau đã tạo nên nhu cầu lớn trong thời gian ngắn hạn, đẩy giá nội địa lên cao.
Đến lúc này, nếu các doanh nghiệp tiếp tục mua gạo nguyên liệu để thực hiện hợp đồng, họ sẽ bị lỗ so với mức giá thấp đã lỡ ký trước đó.
Theo VFA, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy khá lớn. Theo nguồn tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, lượng hợp đồng bị hủy đã gần 1 triệu tấn gạo trong khi hết tháng 7-2013, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được trên 4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,8 tỉ đô la Mỹ. Chỉ tính riêng trong tháng 7, các doanh nghiệp đã hủy hợp đồng, không giao hàng 180.000 tấn.
Doanh nghiệp hững hờ chương trình tạm trữ?
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp lương thực mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu. Theo quyết định mới đây, Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu 2013 đến ngày 15-8, tức thêm nửa tháng so với quyết định ban đầu.
Qua báo cáo của đoàn kiểm tra và VFA, thu mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu sẽ không đạt chỉ tiêu đúng hạn chót dự kiến ngày 31-7. Câu hỏi đặt ra là lượng lúa gạo vụ hè thu được mua tạm trữ tương đương 1 triệu tấn đã không phát huy tác dụng khi các doanh nghiệp không có đủ lượng hàng sẵn có trong kho khi đến hạn giao hàng cho đối tác.
Theo ông Trí, sự “hờ hững” của doanh nghiệp đối với chương trình tạm trữ cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ mua tạm trữ. Việc các doanh nghiệp tạm trữ bị chậm tiến độ cũng là do gạo Việt Nam đang gặp khó khăn do phải cạnh tranh với gạo Thái Lan được đưa ra từ chương trình trợ giá của chính phủ.
Theo các chuyên gia về lúa gạo, tạm trữ chỉ phát huy tác dụng khi một lượng lớn hàng hóa được đưa vào “ngủ yên” trong kho để tránh tình trạng cung vượt cầu, giá giảm mạnh trong thời gian ngắn. Do vậy, việc doanh nghiệp mua tạm trữ nhưng nhanh chóng đưa vào lưu thông cũng đã làm công cụ này mất tính hiệu quả.
Còn bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, không thể yêu cầu doanh nghiệp mua gạo tạm trữ rồi phải cất trong kho bao nhiêu ngày mới được bán ra, gạo khi được mua vào dưới hình thức tạm trữ có thể được đưa ra lưu thông ngay lập tức, là tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.
P. Thái - N. Hùng/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: