VINAGRI News - Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, giá gạo xuất khẩu của VN thấp nhất thế giới và liên tục giảm một phần chính là do chính sách thu mua gạo tạm trữ đang được Chính phủ thực hiện, lợi doanh nghiệp hưởng, còn mọi thiệt hại nông dân gánh chịu hết.
LTS: Đi tìm lời giải cho tình trạng “bết bát”,”đổ vỡ” của nền nông nghiệp VN hiện nay, chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả những đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) về thực trạng nền nông nghiệp nước ta hiện nay, chính sách thu mua tạm trữ gạo và đề xuất những giải pháp giúp cải thiện nền nông nghiệp:
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam: - Thực trạng nền nông nghiệp nước ta hiện nay là hậu quả của hàng loạt nguyên nhân tồn tại từ nhiều năm qua mà chúng ta không quan tâm để giải quyết.
Thứ nhất, vấn đề chính là nền sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ kéo dài không khắc phục được. Gần đây có cánh đồng mẫu lớn nhưng lại đơn độc, sản xuất lớn không có đầu ra. Nên đi liền với cánh đồng mẫu lớn phải có doanh nghiệp chế biến lớn, doanh nghiệp thương mại và xuất khẩu giỏi nghề và làm ăn tin cậy.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam.
Thứ hai, thực tế, xuất khẩu của VN hiện nay có quá nhiều công ty không phải làm nghề, các công ty quốc doanh tận hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước trên danh nghĩa giúp đỡ nông dân. Nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật, tìm được khách là về xin cấp phép xuất khẩu, có khi chỉ một chuyến hàng có lãi rồi thôi. Trong khi, doanh nghiệp làm nghề xuất khẩu là phải đi tìm kiếm thị trường, giữ chân khách hàng tiêu thụ, tạo mối liên kết chặt với nguồn cung nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm , giữ đầu vào và đầu ra ổn định theo cam kết.
Doanh nghiệp xuất khẩu VN chỉ đánh quả thôi, có chênh lệch giá mua - bán là làm, nên mua rẻ thì cũng bán rẻ, chứ không có chiến lược, chiến thuật trong mua bán, non tay nghề thương mại.
Những năm 1995 – 1997, khi còn quota xuất khẩu thì các Tổng công ty lương thực Bắc, Nam thậm chí đẩy giá lúa xuống còn 800 đồng/kg, nông dân khóc ròng. Lúc đấy tôi được Chính phủ cử đi khảo sát, nắm tình hình, và phát hiện doanh nghiệp được quyền nắm quota xuất khẩu không cần biết đến hạt gạo hay khách hàng, thương nhân khi gặp khách hàng nhập khẩu gạo về trình với Tổng công ty, xin giao quota, trích phần trăm (%) đầy đủ, vậy là được cấp quota, mua ở đâu giá nào là tùy anh, người bán phải giao hàng tận lòng tàu. Lúc đó Tổng công ty mới làm thủ tục thanh toán cho anh. Nên mới có cơ hội cho những anh xuất khẩu chỉ một chuyến vẫn làm ăn được.
Nay thì các Tổng công ty có làm nhiều hơn chút, nhưng cũng không hơn xưa là mấy, chủ yếu trông chờ vào các hợp đồng Chính phủ, chứ không chủ động tìm và phát triển thị trường. Gần đây, Chính phủ Philippine chuyển sang nhập khẩu theo hợp đồng thương mại, thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo VN rất lúng túng. Thử thách thật sự của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là phải biết mua bán theo hợp đồng thương mại.
Sau khi bỏ quota thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tự do cạnh tranh dẫn tới hậu quả là giảm giá thu mua thóc đồng thời giảm giá gạo xuất khẩu xuống thấp, cho nên gần đây Bộ Công thương chủ trương cấp phép cho những doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Mục tiêu của biện pháp quản lý này là hướng vào việc chọn đúng những doanh nghiệp có nghề và có năng lực xuất khẩu gạo. Nhưng lại bằng biện pháp hành chính cho nên dễ bị bóp méo và tiêu cực, xin cho. Nên chẳng có gì lạ lúc đầu chỉ cho phép 70-80 công ty đủ điều kiện, nhưng tới nay đã có hơn một trăm công ty được cấp phép rồi, chắc chắn sẽ còn tăng thêm nữa.
Thứ ba, chế biến là đặc trưng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp lại không được quan tâm thỏa đáng. Những công nghệ chế biến hiện đại như sấy khô, phân loại, xay xát, lau bóng, đo độ dài hạt gạo, độ trắng… bị chia nhỏ, không hình thành được những nhà máy lớn hiện đại tập trung đẩy đủ các công đoạn của quá trình chế biến, để đóng vài trò chủ đạo trong chuỗi giá trị sản phẩm mặt hàng gạo.
Thực trạng hiện nay là mỗi chợ gạo có tới hàng nghìn máy nhỏ bóc vỏ trấu, bán gạo nguyên liệu, tiếp theo hình thành khâu trung gian mua gom gạo nguyên liệu đưa về những nhà máy đánh bóng và phân loại để hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Như vậy, bản thân công đoạn chế biến công nghiệp cũng bị chia nhỏ, phân tán, rời rạc và gây ra chi phí lớn, giá thành hạt gạo lên cao.
Rất cần phải tập trung hình thành những nhà máy chế biến lớn hiện đại, do những nhà tài chính, công nghiệp lớn đầu tư, và những nhà máy chế biến đó phải đủ năng lực tài chính và kho bãi để thu mua và dự trữ hàng triệu tấn thóc phục vụ sản xuất quanh năm.
Nếu hình thành được những nhà máy công nghiệp chế biến như vậy, thì có thể giao cho họ làm nhiệm vụ dự trữ thóc, đúng quy luật vận động kinh tế, dự trữ nguyên liệu để sản xuất quanh năm. Việc giao dự trữ gạo cho các nhà buôn (doanh nghiệp xuất khẩu) là trái với quy luật hoạt động của doanh nghiệp thương mại. Về nguyên tắc hoạt động thương mại đã mua được hàng thì bán càng nhanh càng tốt, vì dự trữ ngày nào thì chi phí lưu kho, tài chính tăng lên ngày ấy và ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ.
Hệ thống những nhà máy chế biến lớn đó mới có nhu cầu và đủ năng lực tài chính để thu mua, dự trữ thóc, lúa là mặt hàng nông dân cần bán, nông dân không bán gạo. Các nhà máy đó định hướng nông dân sản xuất loại lúa nào, thu hoạch thời gian nào, với giá cả có lợi nhất cho nông dân. Mặt khác, họ là người định đoạt giá bán cho những nhà xuất khẩu,
Ở Thái Lan trong ngành sản xuất lúa gạo đã hình thành 3 hiệp hội theo 3 công đoạn rõ rệt: Nông dân sản xuất ra lúa, hệ thống nhà máy chế biến lớn rải đều các vùng lúa của cả nước, những công ty chuyên xuất khẩu gạo. Việc dự trữ chủ yếu là các nhà máy thực hiện. Việc mua bán giữa các khâu hoàn toàn theo giá cả thị trường.
Ở VN, giao cho các doanh nghiệp thương mại (xuất khẩu) làm chức năng dự trữ là trái quy luật, dùng cơ chế hành chính để định giá là không khả thi.
Thứ tư, hệ thống thu mua của VN cũng có rất nhiều bất cập, mua của nông dân là thương lái hàng xay, hàng xáo, doanh nghiệp lớn (xuất khẩu) không hề tổ chức thu mua trực tiếp từ nông dân, trong khi nông dân thu hoạch xong cần bán thóc để lấy tiền đầu tư tiếp, nên nông dân bị chèn ép trong việc bán hàng. Như vậy, chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống thu mua tin cậy để đáp ứng được nhu cầu cần bán thóc ngay của người nông dân…
(Còn nữa)
Lê Việt/ Báo Đất Việt (thực hiện)
(Bài tiếp: Chính sách thu mua tạm trữ gạo góp phần làm giá gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới, danh nghĩa là hỗ trợ nông dân nhưng doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, còn người nông dân chỉ được chút ít lợi ích gián tiếp.)
Không có nhận xét nào: